Phát huy vai trò của dòng họ trong việc giáo dục, hòa giải mâu thuẫn gia đình góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình
22/10/2019Gia đình là mái ấm hạnh phúc, là bến đỗ của cuộc đời, là nơi chứa đựng những giá trị hạnh phúc, tình cảm thiêng liêng giữa những người thân yêu. Vì đâu chúng ta phải chứng kiến cảnh những người thân trong gia đình gây tổn thương cho nhau về thể xác, tinh thần, gây nên những cái chết oan nghiệt, những tâm hồn bị tổn thương, rơi vào tuyệt vọng – Đó là những nạn nhân của bạo lực gia đình. Tất cả những vụ việc đau lòng trên đều xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình không được giải quyết kịp thời. Bạo lực gia đình đang trở thành vấn nạn, gây ra nhiều hậu quả đáng buồn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và làm mất đi những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Vậy chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn tệ nạn này? Đó là câu hỏi dành cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của các tổ chức, của cộng đồng xã hội, của gia đình, dòng họ và của mỗi người. Để giảm thiểu nạn bạo lực gia đình, đòi hỏi các biện pháp phải đồng bộ, thiết thực, hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc hòa giải được đánh giá là biện pháp hiệu quả nhất. Do vậy, cần phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, của dòng họ, làng xóm trong việc hòa giải, duy trì sự ổn định, đoàn kết trong đời sống gia đình.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008) đã thể hiện quan điểm coi trọng việc ngăn ngừa bạo lực gia đình và chú trọng đến các giải pháp tại cộng đồng, phát huy vai trò gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư ở cơ sở nhằm phát hiện, xử lý sớm những mâu thuẫn, xích mích nhỏ, không để phát sinh thành mâu thuẫn lớn, gây bạo lực. Về hình thức hòa giải, luật quy định ba hình thức là: Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp do gia đình, dòng họ tiến hành; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp do cơ quan, tổ chức tiến hành; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp do tổ chức hòa giải ở cơ sở tiến hành. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi đề cập đến vấn đề “Phát huy vai trò của dòng họ trong việc hòa giải mâu thuẫn gia đình góp phần vào giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình”.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam vẫn luôn được bảo tồn và phát huy. Hòa chung dòng chảy đó, những giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam vẫn được bảo tồn và phát huy như: tình yêu lứa đôi trong sáng; lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng; trách nhiệm và sự hy sinh vô tận của cha mẹ với con cái; con cái hiếu thảo với cha mẹ; kính trọng, biết ơn và quan tâm tới ông bà, tổ tiên; tình yêu thương, chăm lo và đùm bọc anh em, họ hàng; đề cao lợi ích chung, biết ơn và tự hào truyền thống gia đình, dòng họ. Tất cả những điều đó đã tạo nên nét riêng biệt trong đặc trưng văn hóa gia đình Việt Nam.
Trong tất cả những nét đặc trưng riêng biệt nói trên thì quan hệ dòng tộc là nét đặc trưng hơn cả, là cơ sở để phân biệt văn hóa Việt Nam và các dân tộc khác. Văn hóa Việt Nam đề cao gia đình và dòng họ. Ở Việt Nam mỗi dòng họ có một trưởng họ, nhà thờ họ và những ngày giỗ họ. Bởi vì quan hệ dòng tộc đóng vai trò quan trọng nên trong xã hội có một hệ thống quan hệ thứ bậc rất phức tạp. Hầu như mọi ngày giỗ và các ngày lễ của dòng họ đều tuân thủ các nguyên tắc thế hệ.
Xuất phát từ những giá trị truyền thống đó dòng họ có tác động nhất định đến đời sống và hôn nhân của các thành viên dòng họ. Từ việc lựa chọn đối tượng để kết hôn, tổ chức hôn lễ, chăm lo đời sống sau hôn nhân cũng như những tác động khác đến đời sống, lối sống, cư xử của các thành viên dòng họ. Vì vậy, để xây dựng gia đình Việt Nam “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh” chúng ta cần chú trọng đến việc duy trì và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dòng họ đối với đời sống của các thành viên, nhất là trong việc hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong gia đình. Tác động của dòng họ đến việc hòa giải mâu thuẫn gia đình của các thành viên dòng họ được thể hiện:
Với tư cách là những người lớn tuổi, “bậc cha chú” – những người có vai trò là trụ cột của gia đình, dòng họ sẽ giáo dục và nuôi dưỡng con cháu mình sống theo những truyền thống quý báu của dòng họ; biết kính trên, nhường dưới, yêu thương, quan tâm, chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình; Luôn tôn trọng tình cảm vợ chồng, sống vui vẻ đầm ấm, hòa thuận…
Dòng họ còn có tác động đến lối sống, sinh hoạt và cư xử của các thành viên. Sống trong môi trường của dòng họ mỗi cá nhân và gia đình đều phải tuân theo những phép tắc, những quy định ứng xử riêng của gia đình, dòng họ mình. Vì vậy, khi có mâu thuẫn xảy ra trong gia đình của các thành viên thì dòng họ sẽ có những tác động đến việc hòa giải các mâu thuẫn đó. Bởi theo nếp suy nghĩ của người Việt Nam thì giải quyết trong nội bộ gia đình vẫn được xem là biện pháp đầu tiên. Những mâu thuẫn gia đình thường được suy nghĩ là của riêng gia đình đó. Do đó, những người lớn tuổi trong dòng họ sẽ tìm những lời lẽ đúng đắn để khuyên răn con cháu mình làm những điều hay, lẽ phải, theo thuần phong mỹ tục và dùng tình cảm, sự yêu thương để tác động, khuyên răn. Trên thực tế đã có rất nhiều những trường hợp, những mâu thuẫn, rạn nứt trong gia đình nhờ có sự tác động của gia đình và họ hàng đã được hòa giải và mang lại sự bình yên và hạnh phúc.
Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, các giá trị cơ bản của văn hóa làng, xã như gia đình, dòng họ đang giảm dần ý nghĩa đối với một bộ phận người dân. Nhiều quan niệm cho rằng, cuộc sống gia đình với sự lo toan cơm áo gạo tiền làm tiêu hao nhiều thời gian, sức lực; các chuẩn mực gia đình gò bó, cản trở tự do cá nhân, từ đó hạ thấp vai trò của gia đình. Với dòng họ, tư tưởng “gia trưởng, ngôi thứ”, sự ganh đua, hiện tượng cục bộ, bè phái… cũng góp phần tạo ra những quan niệm tiêu cực, làm giảm bớt vai trò của dòng họ.
Tuy nhiên, gia đình, dòng họ trong quan niệm của đa số người dân vẫn có vai trò quan trọng. Người dân đánh giá cao vai trò của gia đình hiện nay vì họ cho rằng, gia đình là nơi không chỉ đáp ứng nhu cầu tình cảm và tái sản sinh giống nòi mà còn là nơi tốt nhất cho việc an dưỡng tuổi già, sự phát triển của trẻ em… Trong tâm tưởng của người dân, dòng họ cũng có vai trò không kém. Trong dân gian vẫn tồn tại những khẩu ngữ như: “một giọt máu đào hơn ao nước lã” hay “xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì”. Thậm chí, quan niệm của đa số người dân còn khẳng định gia đình, dòng họ hiện nay có vai trò lớn hơn trong quá khứ và ở tương lai vai trò đó vẫn sẽ tiếp tục được phát huy, đây là những quan niệm rất quý báu. Tuy nhiên, trong điều kiện gia đình và dòng họ đang chịu nhiều biến động mạnh mẽ dưới tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa, ít nhiều đang ảnh hưởng đến quan niệm của một bộ phận người dân về vị trí và trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên dòng họ.
Trên thực tế cuộc sống của các thành viên trong dòng họ, gia đình. Mâu thuẫn giữa bất kỳ thành viên nào, người trưởng họ, người chủ gia đình thường biết rõ. Thế nhưng nhiều chính quyền cơ sở đã không thể phát huy được ưu thế này, nếu giữa chính quyền cơ sở với các trưởng họ, chủ gia đình có kênh thông tin chặt chẽ với nhau, thì những mâu thuẫn đã có thể được tháo gỡ, sẽ ngăn chặn được phần nào nguy cơ phạm pháp. Lý thuyết là vậy, song một rào cản đang tồn tại ở nhiều phường, xã là tâm lý “đèn nhà ai nấy rạng”. Vai trò của phường, xã nhiều lắm chỉ “chạm” được đến mâu thuẫn liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân trong cộng đồng, chứ chưa tiếp cận được vào những mâu thuẫn của các thành viên trong nội bộ gia đình, dòng họ và làm thế nào để phát huy sự ảnh hưởng, tác động tích cực của dòng họ đến việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp của thành viên dòng họ.
Sẽ là bi ai, là đau thương khi có những mâu thuẫn gia đình không kịp thời được giải quyết, được hàn gắn. Đối với cá nhân, đó là nỗi buồn, còn với cấp chính quyền cơ sở, bài học kinh nghiệm được rút ra là sự thiếu quan tâm, giải quyết sớm những mâu thuẫn trước đó, đặc biệt là lấy chính gia đình, dòng họ là đối tượng đứng ra hòa giải mâu thuẫn đó. Nếu quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc này, cấp phường, xã nào cũng sẽ xây dựng được ở cấp cơ sở “bộ máy” nắm bắt thông tin và giải quyết những vụ việc dù nhỏ nhất xảy ra trong sinh hoạt cộng đồng. Đi sâu tìm hiểu công tác hòa giải ở nhiều địa bàn, thực tế cơ sở còn yếu về công tác nắm bắt, phản ánh thông tin. Mâu thuẫn không được giải quyết thỏa đáng ắt nảy sinh phức tạp. Và những câu chuyện đau lòng cứ thế hình thành từ “mớ bòng bong” này. Án mạng, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ bắt nguồn từ mâu thuẫn nội bộ và chỉ có thể thông qua công tác nắm bắt tình hình và giải quyết triệt để mâu thuẫn. Để làm được điều đó, đầu tiên cần sự quan tâm và chỉ bảo tận tình của dòng họ đối với con cháu mình và sự phối hợp với cán bộ hòa giải ở cơ sở, trên cơ sở sự quan tâm, đôn đốc sát sao của phường, xã. Còn tâm lý “đèn ai nhà nấy rạng” thì những mâu thuẫn gia đình, dòng họ còn xảy ra. Và khi đó, hệ lụy đau lòng không chỉ đối với gia đình, dòng họ ấy, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, làm mất đi truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ Việt Nam.
Để phát huy hơn nữa vai trò của dòng họ đối với đời sống của các thành viên nói chung và hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ nói riêng góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình. Chúng ta cần:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về truyền thống và gia phong trong gia đình. Trong đó truyền thống đạo đức là yếu tố cốt lõi của gia phong, là nền tảng tinh thần của sự tồn tại bền vững của một gia đình. Nề nếp gia phong gia đình cần kế thừa bằng việc thường xuyên ôn lại truyền thống, khuyên nhủ, động viên con em phấn đấu theo bước cha anh, tự hào về cha anh và xứng đáng với cha anh như một giá trị làm người. Mỗi sự cố gắng đem lại một thành quả tốt đẹp nào đó là một sự đóng góp nho nhỏ sẽ tạo nên một bề dày truyền thống, qua một hai thế hệ gia đình sẽ có một gia phong đáng tự hào. Gần đây, chúng ta thấy nhiều gia đình, dòng họ tổ chức họp họ, giỗ tổ, viết lại gia phả để tôn vinh tổ tiên, ôn lại truyền thống gia phong nhằm khuyến khích con em noi gương cha ông, thúc đẩy con em của dòng họ phấn đấu trong học tập, lao động, công tác với một động lực tinh thần cao quý là biết ơn và tự hào về cha ông mình. Truyền thống gia đình không chỉ có tác dụng như một động lực tinh thần thôi thúc người ta phấn đấu mà còn có tác dụng như một cơ chế tự bảo vệ, chống lại sự tha hóa.
Trong quan hệ gia đình, nếu trước đây những bất cập nổi bật là sự bất bình đẳng, sự thủ tiêu lợi ích cá nhân, cá tính, thì ngày nay – sau nhiều cuộc cải cách xã hội – quan hệ giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái có tính dân chủ hơn, vị thế người phụ nữ được nâng lên, quyền tự do của mỗi cá nhân được coi trọng. Rõ ràng, những biến đổi theo chiều hướng ngày càng no đủ, bình đẳng, dân chủ và văn minh như trên đang làm tăng thêm vai trò và củng cố vị trí vững chắc của gia đình Việt Nam.
Vai trò của gia đình và dòng họ không chỉ được bảo lưu bền vững ở các làng, xã sống chủ yếu bằng nông nghiệp mà còn ở cả những nơi có nghề phụ phát triển, hòa nhập và chịu tác động sâu vào nền kinh tế thị trường với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Đó là việc duy trì các bữa ăn chung hằng ngày, việc tổ chức các ngày lễ, tết trong năm, thăm nom cha mẹ, mối quan hệ chặt chẽ giữa ông bà, cha mẹ và con cái trong phạm vi gia đình, việc liên kết làm ăn kinh tế trong dòng họ, giỗ tổ họ… Đây là những nét đẹp và biểu hiện khẳng định sức sống bền vững của gia đình, dòng họ trong lối sống của người Việt.
Do vậy mỗi cá nhân, mỗi thế hệ phải tự ý thức về vị thế của mình trong gia đình. Muốn cho gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường hạnh phúc hòa thuận thì mỗi người phải tự hoàn thiện nhân cách cho xứng đáng với vị thế của mình trong gia đình. Song, nếu quá nhấn mạnh điều đó có thể dẫn đến sự tách biệt và xung đột thế hệ trong gia đình. Do vậy, cần tạo ra sự hài hòa giữa, sự thông cảm giữa các thế hệ để cùng nhau chia sẻ và nâng đỡ lẫn nhau, để cùng nhau khắc phục hoặc phát huy, phát triển, không nên đổ lỗi cho thế hệ trước và trách cứ thế hệ sau dẫn đến xung đột thế hệ. Truyền thống “trên kính, dưới nhường”, “vui cha, vui mẹ, vui anh em nhà” là kết quả tốt đẹp của phương thức giáo dục liên thông, vận thông của cha ông ta cần được phát huy.
Mỗi chúng ta hãy tích cực hành động để gia đình là tổ ấm tràn đầy tình yêu thương nuôi dưỡng mỗi con người lớn lên và trưởng thành, là điểm tựa tinh thần, là nơi khơi nguồn mọi sáng tạo, thành công, nơi mỗi người trở về sau mỗi hành trình của cuộc sống.
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc
Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình
Bài viết khác
- GIA ĐÌNH BÌNH AN - NỀN TẢNG CỦA MỘT XÃ HỘI HẠNH PHÚC
- KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28/6/2001 - 28/6/2021) VÀ THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (THÁNG 6) NĂM 2021
- Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020
- Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn Tỉnh Ninh Bình
- Công tác phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình