Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

GIA ĐÌNH BÌNH AN - NỀN TẢNG CỦA MỘT XÃ HỘI HẠNH PHÚC

17/06/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 5 điểm ( 1 đánh giá )

Kể từ ngày 02 tháng 9 năm 1945, quốc hiệu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn có sự song hành của sáu chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Trong đó, xây dựng xã hội hạnh phúc, thực sự của dân, do dân và vì dân là mục tiêu cao nhất, là kim chỉ nam cho mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ở tất cả các lĩnh vực, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Nền tảng của một xã hội hạnh phúc xét đến cùng chính là xây dựng gia đình hạnh phúc. Bởi lẽ, gia đình luôn được nhìn nhận với tư cách là “tế bào” của xã hội; là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người; góp phần tạo dựng nền tảng phát triển bền vững mọi mặt của đất nước. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, tháng 10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc. Những truyền thống quý báu như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trọng đạo lý, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo cũng từ gia đình mà được giữ gìn, vun đắp và phát huy. Qua quá trình sinh thành và nuôi dưỡng, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên xây dựng tư duy và từng bước giáo dục nhân cách cho mỗi con người. Trong bối cảnh của thời kỳ đổi mới, với sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, cấu trúc và các mối quan hệ trong gia đình có nhiều biến đổi. Tuy nhiên, gia đình Việt Nam vẫn luôn gìn giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”.

Hướng tới mục tiêu mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là “tế bào lành mạnh” của xã hội, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg. Quyết định nêu rõ: “lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam”. Từ đó, hằng năm, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, đồng hành với các hoạt động của Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6) nhằm đề cao vai trò của gia đình và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Mặc dù 20 năm chưa là một chặng đường quá dài nhưng Ngày gia đình Việt Nam 28/6 đã từng bước đi vào cuộc sống và trở thành một ngày hội lớn mang ý nghĩa nhân văn cao của gia đình và cộng đồng. Đó là ngày mỗi người dù có đang ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn như thế nào, cũng sẽ tạm gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống để đồng lòng hướng về gia đình; dành thời gian để bày tỏ tình cảm, sự quan tâm với những người thân yêu. Và hơn hết, đây cũng là dịp mà  những con người đi xa lại mong mỏi trở về đoàn tụ, sum họp tại nơi được gọi với hai chữ “gia đình” thiêng liêng, cao cả.

Ngay từ những ngày đầu được triển khai, tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Ngày Gia đình Việt Nam đã mang tới nhiều thay đổi tích cực trong công tác gia đình, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Nhiều gia đình có điều kiện tốt hơn để nâng cao đời sống, tạo tiền đề để xây dựng gia đình hạnh phúc, mang lại bình yên cho cộng đồng, thôn xóm. Nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở từ đó được phát huy. Việc giáo dục đời sống gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ ngày càng được tăng cường. Tình trạng bạo lực gia đình giảm thiểu đáng kể; phần đa các hộ gia đình chấp hành nghiêm chỉnh quy ước, hương ước địa phương. Tỷ lệ hộ gia đình, khu dân cư đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây cũng là các nhân tố tích cực góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Cũng trong những năm qua, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự biểu dương, khen thưởng của Ban lãnh đạo từ cấp huyện, cấp tỉnh, tới trung ương. Mỗi thành viên trong gia đình tiêu biểu đã và đang là những người cha, người mẹ, người ông, người bà, người con, người cháu bình dị mà gương mẫu, sớm hôm thắp lên ánh sáng của tình yêu thương, đoàn kết, gắn bó, tương trợ. Đó là minh chứng rõ nét nhất về sự phấn đấu không mệt mỏi vì hạnh phúc của gia đình, vì sự ấm no, tiến bộ, văn minh của cộng đồng, xã hội. Thành tích của các gia đình đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh về vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến.

Đứng trước thách thức của xã hội hiện đại, đặc biệt là những khó khăn do mặt trái của nền kinh tế thị trường và thời kỳ hội nhập mang lại, hy vọng với sự đồng lòng của các cấp, các ngành, các đoàn thể và quần chúng nhân dân, Ngày Gia đình Việt Nam sẽ ngày càng ghi dấu ấn và phát huy được những ý nghĩa nhân văn cao cả. Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6), mỗi người dân Việt Nam hãy căn cứ vào điều kiện cụ thể và bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 để lựa chọn những hình thức hưởng ứng phong phú, an toàn, hiệu quả. Đây là thời điểm sức mạnh của gia đình cần lên tiếng mạnh mẽ để thổi bùng lên ngọn lửa của tình yêu thương, đoàn kết; giúp lan tỏa sâu rộng sự đùm bọc, sẻ chia; gợi mở niềm hy vọng, khát khao về gia đình bình an và một xã hội phúc./.