Phối hợp thực hiện công tác gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
02/12/2024Vào tháng 11 năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh. Chương trình đề ra 6 nội dung phối hợp, trong đó chú trọng công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa hai Sở trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác gia đình và công tác trẻ em, nhất là việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.
Gia đình và trẻ em là hai nội dung công tác có mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau. Thực tế đã khẳng định, một gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc sẽ là nền tảng vững chắc để trẻ em phát triển toàn diện, và ngược lại, bảo vệ quyền lợi, nâng cao trách nhiệm của trẻ em cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình. Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động nhằm tạo dựng môi trường gia đình, xã hội an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực, bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ và những ảnh hưởng tiêu cực của đời sống xã hội, giúp trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất trong chính gia đình của mình; thực hiện công tác quản lý về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt chú trọng phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Bảo vệ trẻ em bằng gia đình bình yên, hạnh phúc
Xác định tầm quan trọng trong việc phối hợp thực hiện giữa hai lĩnh vực này, căn cứ Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-BVHTTDL-BLĐTBXH ngày 03/5/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất ban hành Chương trình phối hợp thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Chương trình nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa hai Sở trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác gia đình và công tác trẻ em, nhất là việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình. Tạo điều kiện thuận lợi trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về gia đình và trẻ em; quan tâm đến việc tổ chức thực hiện tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt.
Với việc đa dạng hóa các hình thức phối hợp như: cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, lấy ý kiến, báo cáo về các vấn đề liên quan đến công tác gia đình và công tác trẻ em; tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, sơ kết, tổng kết công tác; tổ chức các đoàn công tác liên ngành, cử cán bộ phối hợp để giải quyết một số nhiệm vụ cụ thể theo nội dung tại Chương trình phối hợp này… cũng như các hình thức khác trên cơ sở thống nhất giữa hai Sở, việc phối hợp trong thực hiện công tác gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh triển khai trên 6 nội dung chủ đạo:
Thứ nhất, phối hợp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình và công tác trẻ em, đặc biệt là việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong gia đình; về hỗ trợ trẻ em tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và gia đình.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân trong thực hiện công tác gia đình và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Thứ ba, phối hợp tham gia xây dựng, củng cố, nhân rộng, phát huy hiệu quả của các mô hình hiện có về xây dựng gia đình hạnh phúc; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình trong đó có phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em trong gia đình.
Thứ tư, xây dựng tài liệu, cung cấp thông tin và tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia làm công tác gia đình và công tác trẻ em các cấp của ngành Văn hóa và Thể thao, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thứ năm, thu thập, thống kê số liệu về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình.
Thứ sáu, tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành về thực hiện quy định của pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên về công tác gia đình, trẻ em, công tác xử lý các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em trong gia đình.
Những nội dung phối hợp này là căn cứ để Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố nghiên cứu, xây dựng các nội dung thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, đảm bảo sự phối hợp thực hiện xuyên suốt, đồng bộ, đem lại hiệu quả công tác từ tỉnh tới cơ sở.
Thông qua các hoạt động này, chương trình hy vọng sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong xây dựng một môi trường gia đình hạnh phúc, an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện./.
Phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình
Bài viết khác
- GIA ĐÌNH BÌNH AN - NỀN TẢNG CỦA MỘT XÃ HỘI HẠNH PHÚC
- KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28/6/2001 - 28/6/2021) VÀ THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (THÁNG 6) NĂM 2021
- Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020
- Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn Tỉnh Ninh Bình
- Công tác phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình