Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Công tác phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

15/06/2020

Bạo lực gia đình là một vấn nạn gây mất trật tự an toàn xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, bên cạnh việc chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Nhiều năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, ban hành các văn bản, xây dựng các chương trình, kế hoạch để giải quyết những thách thức, khó khăn trong công tác gia đình; PCBLGĐ; xóa bỏ các thủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội;…góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Công tác truyền thông được coi là cầu nối giữa điều luật và thực tiễn, là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh được diễn ra cao điểm vào các sự kiện về gia đình như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng Hành động Quốc gia về PCBLGĐ (Tháng 6),…với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng tại cộng đồng, mở rộng đến cả nam giới và học sinh. Nội dung tuyên truyền được lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung định hướng cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân tiếp nhận đúng đắn chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nói chung và về phòng chống bạo lực gia đình nói riêng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, tỉnh Ninh Bình cũng đẩy mạnh triển khai các mô hình điểm can thiệp PCBLGĐ. Tiêu biểu là tại xã Văn Phương, huyện Nho Quan (2008-2010), sau đó nhân rộng triển khai trên địa bàn 143 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đến nay, đã triển khai lồng ghép nội dung hoạt động PCBLGĐ ở 1.670 tổ hòa giải ở cộng đồng dân cư; thành lập 943 nhóm PCBLGĐ; hình thành 1.169 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình; 1410 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững; đã thiết lập 143 đường dây nóng. Công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đã được chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm hơn. Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình được bố trí tại các trạm y tế xã phường, thị trấn đã giúp cho công tác hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được kịp thời.

Việc can thiệp các vụ bạo lực gia đình thường được thực hiện tại địa bàn dân cư và do các Nhóm PCBLGĐ thực hiện. Từ khi thành lập các Nhóm PCBLGĐ, việc can thiệp, xử lí các vụ bạo lực gia đình được kịp thời hơn, tránh được những mâu thuẫn, xô sát lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và tinh thần của nạn nhân. Theo thống kê từ cơ sở, từ năm 2009 đến năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 2.190 vụ bạo lực gia đình, với hơn 90% nạn nhân bạo lực gia đình là nữ và tập trung vào độ tuổi từ 16-59. Kết quả can thiệp, xử lý: 1.874 vụ góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư; 177 vụ áp dụng biện pháp giáo dục tại cộng đồng và gia đình; 28 trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; 74 trường hợp xử phạt hành chính và 13 trường hợp bị xử lý hình sự.

Việc can thiệp, hỗ trợ và xử lí kịp thời các vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn đã góp phần làm giảm đáng kể các vụ bạo lực gia đình. Trong năm 2009 số vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn là 303 vụ, đến năm 2014 là 252 vụ, giảm còn 62 vụ vào năm 2019. Những vụ vi phạm nghiêm trọng bị xử lí hình sự đã được hạn chế đến mức thấp nhất, chủ yếu là phê bình, góp ý tại cộng đồng dân cư.

Nhờ có được sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, công tác PCBLGĐ của tỉnh đã được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Nạn nhân của BLGĐ đã chủ động khai báo, lên tiếng đấu tranh thay vì ý nghĩ chịu đựng, che giấu, tự giải quyết. Đặc biệt, một số hình thức bạo lực như: bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần đã được phát hiện, can thiệp, xử lý kịp thời, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong việc PCBLGĐ. 

Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong công tác PCBLGĐ, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao chất lượng hoạt động Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Tiếp tục tổ chức triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh về công tác gia đình, PCBLGĐ. Đầu tư cơ sở vật chất và bổ sung ngân sách thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và PCBLGĐ.

Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về PCBLGĐ.

Ba là, thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, các cấp trong hoạt động PCBLGĐ. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực, hỗ trợ nạn nhân, hòa giải mâu thuẫn trong gia đình. Thường xuyên tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực PCBLGĐ.

Bốn là, tập trung tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp; củng cố đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên.

Năm là, làm tốt công tác thu đua khen thưởng. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động tích cực, sáng tạo ở mỗi cấp, ngành và khu dân cư.