Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn Tỉnh Ninh Bình

09/09/2020

Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng đất nước ngày càng hiện đại và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở mục tiêu chung đề ra trong Chiến lược phát triển gia đình; các mục tiêu, nhiệm vụ trong các chương trình, đề án thực hiện Chiến lược gia đình của Thủ tướng Chính phủ về phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, về giáo dục đời sống gia đình, về phòng chống bạo lực gia đình, về tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ở tỉnh, các cấp chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Kết quả đã có 7/12 chỉ tiêu vượt, 5/12 chỉ tiêu đạt, cụ thể như sau:

Mục tiêu thứ 1: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

Với mục tiêu này, tỉnh đã đầu tư nguồn lực để đạt các chỉ tiêu như: 96.1% các hộ gia đình được tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; trên 97.1% nam nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Thêm vào đó, tỉ lệ hộ gia đình có bạo lực, số vụ bạo lực gia đình có chiều hướng giảm, tính chất và mức độ vi phạm của các vụ BLGD đã được hạn chế; tỉ lệ số hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội năm sau giảm so với năm trước; tỷ lệ hộ gia đình có người kết hôn dưới độ tuổi quy định cũng ngày càng thu hẹp.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2018 (nguồn Internet)

Mục tiêu thứ 2: Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.

Trong những năm qua, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2011 có 82,38% hộ đạt đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; năm 2015 có 86.12% và đến năm 2019 có 88.97% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Cũng nhờ có sự đẩy mạnh về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến tận địa bàn thôn, bản, phố với nội dung thực hiện đúng chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì lựa chọn giới tính; ước tính đạt 99% tỷ lệ hộ gia đình có người trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền.

Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao về mọi mặt cả vật chất lẫn tinh thần, các gia đình đã dành thời gian chăm sóc, dạy bảo, tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt đối xử theo giới tính. Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ của gia đình, nhà trường và xã hội, đến nay 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; 98% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế miễn phí. Việc phụng dưỡng ông bà, chăm sóc cha mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ được luôn được gia đình, cộng đồng và xã hội quan tâm thực hiện.

Mục tiêu 3: Nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai; tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định.

Do điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, việc nâng cao mức sống về vật chất tinh thần của người dân được quan tâm, đặc biệt là nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, văn hóa và giáo dục. Mọi thành viên trong gia đình được quan tâm, tạo điều kiện để hưởng thụ sự chăm sóc tốt nhất từ gia đình, cộng đồng và xã hội. Trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện có hiệu quả việc cấp phát, quản lý và sử dụng thẻ khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ em gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trẻ em mồ côi, trẻ em tàn tật, trẻ em bị di chứng chất độc da cam, trẻ em miền núi, dân tộc ít người, trẻ em vùng sâu, vùng xa, các hộ nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế miễn phí,...

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật đặc biệt là phúc lợi xã hội dành cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo được tuyên truyền sâu rộng đến tận địa bàn dân cư với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có Tủ sách pháp luật phục vụ nhân dân. Do vậy, trên 99,3% số hộ gia đình trên toàn địa bàn được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật về phúc lợi xã hội dành cho các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo.

Ngoài ra, công tác giảm nghèo được thực hiện bền vững, có hiệu quả. Các hoạt động hỗ trợ, cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với khủng hoảng kinh tế gia đình cho người dân nói chung và cho người nghèo ngày càng được quan tâm (99,87% hộ gia đình nghèo, cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng). Hệ thống ngân hàng có chính sách tạo điều kiện cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh liên tục giảm, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 12,39%; năm 2013 là 5,44%; năm 2017 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là 4,52%; năm 2018 là 3,63% và đến năm 2019 còn 2,57%.

Hội Phụ nữ Công an tỉnh tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn (nguồn Internet)

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư TW, Thông tri số 30 của Tỉnh uỷ Ninh Bình về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chiến lược gia đình phát triển gia đình Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình triển khai nhiệm vụ Công tác gia đình thời gian tới tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tham mưu về công tác gia đình của các cơ quan đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình cấp tỉnh, cấp huyện. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình của các ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương. 

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện: Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số 30-TT/TU ngày 19/5/2005 của Tỉnh ủy Ninh Bình về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước”; Nghị Quyết số 81/NQ-CP ngày 04/12/2012 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thông báo số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 về việc sơ kết Chỉ thị 49/2005/CT-TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị định số 02/2013/NQ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ Quy định về công tác gia đình.

Thứ ba, tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình. Ưu tiên các hình thức truyền thông trực tiếp đến hộ gia đình, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao. Lồng ghép nội dung tuyên truyền về xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình vào các hoạt động của “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động xây dựng “ Nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phòng trào, cuộc vận động do các cơ quan, tổ chức đoàn thể phát động và triển khai.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hiệu quả Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Xây dựng cơ chế phối hợp trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng gia đình giữa các ngành, tổ chức đoàn thể đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện công tác gia đình. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Thứ năm, tổ chức triển khai đa dạng các hoạt động nhân các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6) và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng những địa phương có nguy cơ cao về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Bổ sung các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của các thôn, khu phố trên địa bàn. Tổ chức các loại hình hoạt động can thiệp làm giảm tình trạng bạo lực gia đình ở cơ sở.

Thứ bảy, xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp từ huyện đến cơ sở.