Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

22/10/2019
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh và công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của các cơ quan, đơn vị trong ngành; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới hoàn thành các mục tiêu đã nêu tại Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 10/01/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đồng thời nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình và thể thao; khai thác có hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân, Sở Văn hóa và Thể thao ban hành kế hoạch và có chỉ đạo sâu sát trong nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Thực hiện Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 10/01/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/BCSĐ ngày 08/01/2019 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở, Sở Văn hóa và Thể thao ban hành Kế hoạch số 231/KH-SVHTT ngày 08/3/2019 về xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh và công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của các cơ quan, đơn vị trong ngành; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới hoàn thành các mục tiêu đã nêu tại Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 10/01/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đồng thời nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình và thể thao; khai thác có hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân… cụ thể bao gồm những nội dung sau:

Về Công tác tuyên truyền

Nội dung tuyên truyền tập trung vào tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và vận động cán bộ, nhân dân: thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn trong xây dựng, công nhận các danh hiệu văn hóa; các quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; các quy định trong hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; xây dựng môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa xanh - sạch - đẹp - an toàn; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng các công trình hạ tầng văn hóa xã hội và tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao ở khu dân cư.

Tuyên truyền gương người tốt việc tốt, mô hình tốt tại cộng đồng; những gương điển hình của tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.

Phê phán những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội có ảnh hưởng đến giá trị đạo đức, lối sống của gia đình, cộng đồng như: lối sống thực dụng, vị kỷ; tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, xâm hại trẻ em; bạo lực gia đình; các biểu hiện hành vi lệch chuẩn góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Hình thức tuyên truyền được thực hiện bằng:

Tuyên truyền trực quan: Chăng treo panô, áp phích, băng zôn, phướn và tuyên truyền trên các bảng điện tử, các địa điểm tập trung đông dân cư, trụ sở các cơ quan, đơn vị, các công trình văn hóa công cộng.

Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh và truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình và hệ thống truyền thanh 3 cấp, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tuyên truyền, giáo dục, vận động trực tiếp tại cộng đồng thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở và lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, đơn vị.

Thực hiện tuyên truyền lồng ghép thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động cộng đồng khác ở cơ sở.

Về Công tác Xây dựng nếp sống văn hóa, bao gồm các nội dung:

Nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”:

Tiếp tục triển khai các nội dung của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phòng chống tệ nạn xã hội…

Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xét tặng danh hiệu “Gia đình Văn hóa”, “Khu dân cư Văn hóa” theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2028 của Chính phủ Quy định về xét tặng danh hiệu hiệu “Gia đình Văn hóa”, “Thôn Văn hóa”, “Làng Văn hóa”, “Ấp Văn hóa”, “Tổ dân phố Văn hóa”.

Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Tổ chức tốt việc bình xét, công nhận, biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa đảm bảo công khai, dân chủ.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng làng (thôn, bản, phố) văn hóa, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Nâng cao tính tự quản và ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc giữ vững các danh hiệu văn hóa. 

Quản lí, hướng dẫn và kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Tiếp tục triển khai có hiệu quả quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 12/9/2018 của UBND tỉnh về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, xóa bỏ hủ tục, phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; Góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng làng, thôn, phố, khu dân cư văn hóa.

    Về đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

    Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 03/11/2014  thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 09/8/2016 về thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống gia đình Việt Nam.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (Tháng 11) hàng năm tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng về xây dựng và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình.

Tiếp tục triển khai xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức các loại hình hoạt động can thiệp làm giảm tình trạng bạo lực gia đình ở cơ sở, để gia đình thực sự là tổ ấm, là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục và hình thành nhân cách tốt đẹp cuả mỗi người, góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp từ trong gia đình

    Xây dựng tài liệu và phổ biến kiến thức về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình.

    Về nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp

          Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao:

Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện công tác tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh như nhà hát, rạp chiếu phim, nhà trưng bày triển lãm, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện và các thiết chế văn hóa, thể thao ở các huyện, thành phố. Đổi mới phương thức và nội dung tổ chức hoạt động nhằm khai thác hết công năng sử dụng của các thiết chế văn hóa cấp tỉnh, huyện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân.

Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở. Tiếp tục xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy và bảo đảm điều kiện cho các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, xóm, bản, phố…, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sử dụng, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại các thiết chế văn hóa cơ sở.

Kêu gọi và tạo điều kiện khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, trang thiết bị, kĩ thuật tiên tiến vào hoạt động văn hóa và thể thao.

    Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao

    Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị văn hóa, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện. Tăng cường đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trưng bày, triển lãm về cơ sở phục vụ nhân dân.

    Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng dân cư: Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, trong đó chú trọng hoạt động bảo tồn, truyền dạy, duy trì các hoạt động nghệ thuật như hát chèo, hát xẩm, hát ca trù..., các loại hình dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian của địa phương.

    Tăng cường luân chuyển sách, báo các ấn phẩm văn hóa về cơ sở, củng cố phòng đọc sách báo tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, Nhà Văn hóa, Khu Thể thao cấp thôn. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tủ sách tại nhà văn hóa cấp thôn. Khơi dậy phong trào đọc sách trong nhân dân.

    Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng nhằm nâng cao thể lực, sức khỏe cộng đồng.

          Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phối hợp với ngành giáo dục và Đào tạo đổi mới, tăng cường nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục thể chất trong trường học.

    Về bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa:

    Thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, kháng chiến, giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của tỉnh như hát chèo, hát xẩm…Khuyến khích các nghệ nhân, những người nắm giữ các giá trị văn hóa phi vật thể truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của địa phương.

Nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác giáo dục lịch sử văn hóa, truyền thống văn hóa, đấu tranh cách mạng.

Đẩy mạnh hoạt động trưng bày, triển lãm giới thiệu về giá trị của các di sản văn hóa đến đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Để triển khai các nội dung trên đạt kết quả, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Thông tin các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung của kế hoạch này gắn với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, trong đó chú trọng một số nội dung cơ bản sau:

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở. Trong đó, chú trọng đến việc xây dựng nội dung tuyên truyền gần gũi gắn với thực tiễn cuộc sống để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông tại cộng đồng, thông qua đời sống và sinh hoạt để lôi cuốn người dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở.

Tập trung chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh đi vào thực chất gắn với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hướng dẫn cơ sở gắn việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh với việc duy trì, phát triển và giữ vững danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trong hoạt động lễ hội, trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao trên địa bàn.

Hướng dẫn việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện có hiệu quả hương ước, quy ước của làng, thôn, xóm, tổ dân phố, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, hướng đến xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp văn minh trong mỗi gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến tích cực trong văn hóa, ứng xử.

Chỉ đạo phát triển sâu rộng phong trào văn hóa văn nghệ thể thao quần chúng, củng cố nâng cao, phát huy hiệu quả, duy trì hoạt động khai thác công năng các thiết chế ở cơ sở trên địa bàn. Tổ chức các hoạt động biểu diễn giao lưu, hội thi, liên hoan văn nghệ, tổ chức các giải thi đấu thể thao... nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng ở cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp, hỗ trợ cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh./.

 

Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình