Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

SƯU TẬP NHẬT KÝ, BÚT KÝ CỦA CÁC CỰU CHIẾN BINH TẠI BẢO TÀNG TỈNH NINH BÌNH – GÓC NHÌN CHÂN THỰC VỀ CUỘC KHÁNG CHIẾN BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ NHỮNG NGƯỜI TRONG CUỘC

28/07/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

    Trong kế hoạch sưu tầm hiện vật “Kỷ vật chiến trường” từ các cựu chiến binh trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình từ năm 2011, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được hàng ngàn hiện vật là kỷ vật chiến tranh của các cựu chiến binh trở về từ chiến trường, trong đó có 11 cuốn nhật ký, bút ký. Đây là những hiện vật quý để tìm hiểu thêm về cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta và có ý nghĩa rất lớn trong việc trưng bày, phát huy giá trị của hiện vật với công chúng qua những trang nhật ký, bút ký viết nên từ ánh lửa trái tim của các thế hệ cha anh đã hiến dâng cả tuổi xuân cho đất nước, qua đó khơi gợi niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước.

     Những dòng nhật ký viết ra từ trái tim, từ trải nghiệm thực tế hành quân, chiến đấu, cũng có khi chỉ đơn giản là về chuyện người, chuyện đời, theo dòng suy nghĩ và sự kiện trên những miền quê, những chặng đường ra trận hay những tình cảm riêng tư của người lính…Tất cả cho chúng ta một góc nhìn chân thực về những năm tháng chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc của các thế hệ cha anh: Bao nhiên hi sinh, gian khổ; Bao nhiêu khó khăn, thử thách; Bao nhiên quyết tâm; Bao nhiêu yêu thương; Bao nhiêu hi vọng; … được ghi chép lại bằng những ngôn từ mộc mạc, chân chất của người lính.

 “…Chưa hình dung về cuộc chiến tranh chống Pháp sẽ diễn biến ra sao, gian khổ, ác liệt, thiếu thốn, khó khăn đến mức độ nào; dài hay ngắn, mấy tháng, mấy năm … nhưng rõ ràng chẳng ai tính toán, bàn bạc, trao đổi về việc đó. Lớp thanh niên chúng tôi, kể cả người ở lứa tuổi ba lăm, bốn mươi cũng náo nức, mong đợi đợt tuyển quân của tỉnh, của huyện, ai cũng ước ao được nhập ngũ, được ra chiến trường đánh giặc …”

“…Ngày đó là 05 tháng 3 -1946, mình đang úp cá ở đồng Rộc cùng một số anh em, bỗng có tiếng ai đó trên đường cái: “Ai muốn vào Vệ quốc đoàn, vào Cảm tử quân thì sang trụ sở Ủy ban xã đăng ký để khám tuyển…”. Chúng tôi háo hức, chờ đợi để được vào khám sức khỏe. Muốn trúng tuyển, tôi đã phải “khắc phục” trót lọt một số khâu quan trọng: chiều cao: thấp – kiễng chân lên, thêm ít hòn đá vào túi quần lúc lên bàn cân. Tuy vậy, họ vẫn kết luận: “thấp –bé- nhẹ cân”, nhưng rồi họ vẫn chấp nhận vì theo họ nói là “nhanh nhẹn, hoạt bát, nhiệt tình, hăng hái, có trình độ văn hóa..”; Có bằng sơ học, lại có bằng tiểu học tiếng Pháp – lúc này được coi là có trình độ văn hóa vì ở nông thôn có bằng tiểu học quả là hiếm hoi. Tôi và anh Độ trúng tuyển đợt này.” (Trích Bút ký của Cựu chiến binh Phạm Quốc Vịnh, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư).

    Đường hành quân bao núi cao, vực thẳm, gian nguy rình rập nhưng tâm hồn người lính luôn lạc quan, yêu đời làm cho những bước chân vạn dặm trở nên nhẹ nhàng hơn: “Đường hành quân bộ, lên dốc, xuống dốc… rừng núi trập trùng, cao thấp nối tiếp nhau, có những đoạn đường lưng chừng núi, vòng quanh lên tận đỉnh rồi lại vòng xuống, vòng lên tưởng chừng vô tận; có đoạn chui qua những màn sương trắng xóa, bồng bềnh trên đỉnh núi…vừa huyền ảo, vủa thơ mộng như các truyện cổ tích xa xưa…”

Những cuốn nhật ký, bút ký của các Cựu chiến binh đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình.

    Người lính trên chiến trường luôn phải đối mặt với gian khổ, thiếu thốn, hiểm nguy trong mưa bom bão đạn của quân thù mà không có ngôn ngữ nào, không có nhà văn, nhà báo nào mô tả hết được: …Hoạt động trong vùng địch chiếm ở rừng núi khó khăn, thiếu thốn gian khổ … chả nhà văn, nhà báo nào mô tả hết, chẳng phim ảnh nào ghi lại được … Đói cơm từng tuần, từng tháng, ăn cả củ nâu, cải móng ngựa, ăn đủ các loại rau rừng để sống … đói muối lại càng khủng khiếp … phải chắt nước gio tranh để chấm ! Chả thế mà muối được coi là quí hơn vàng bạc mà bọn Pháp đã phải thông báo cho dân: Ai bắt sống được bắt sống được cán bộ Việt Minh thì được thưởng 2kg muối, chặt được đầu đem nộp thì thưởng 2 kỳ muối …” (Trích Bút ký của Cựu chiến binh Phạm Quốc Vịnh, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư).

 “5.1.68.  Chúng tôi được lệnh đi đào hầm cho trạm quân y đơn vị. Quần quật từ sáng tới tối chúng tôi đào xong hầm theo mức quy định của trên. Đào xong hầm chúng tôi vội vã chạy về đơn vị kẻo trời tối. Hơn nữa về đêm pháo địch hoạt động nhiều…địch bắn phá rất mạnh. Vừa đi được gần trăm mét thì tiếng bom rít trên đầu, tiếp sau là một loạt tiếng nổ inh tai bát óc, mảnh bom cày tung đất xung quanh người. Cây cối, đất đá, khói bụi mù mịt đổ lên người ào ào. Đang định chạy thì khu vực trạm quân y có tiếng kêu…Khu vực trạm lúc nãy cây cối um tùm mà giờ đây đã bị nhào xới. Hầm hố, cây cối, đất đá lẫn lộn do 12 quả bom của địch hủy đi.Tôi chạy qua một chiếc hầm đã bị sập, có tiếng người rên bên trong. Dùng toàn lực của bản thân tôi đào phá cửa hầm để cứu người bị nạn. Người bị nạn chính là Đinh Thế Tựa người bạn đồng hương, người bạn chiến đấu vô cùng thân thiết của tôi…Tựa đã bị một mảnh bom cưa cụt một cánh tay sát nách, toàn thân đều bị mảnh…10 phút sau thì Tựa hi sinh. Khi sắp tắt thở, Tựa rất tỉnh và đã nhận ra tôi. Khi đó, Tựa có dặn lại tôi: “Sống chiến đấu mấy năm nay, Tống đã hiểu Tựa. Bây giờ Tựa phải vĩnh biệt Tống. Tống ở lại tiếp tục chiến đấu trả thù cho Tựa Tống nhé. Khi nào thống nhất, Tống còn sống qua nhà Tựa thăm gia đình và động viên gia đình. Tựa nói gia đình đừng buồn và phải tự hào vì có người con đã hi sinh cho cách mạng” (Trích Bút ký của Cựu chiến binh An Vũ Tống, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan)

          Trong hoàn cảnh chiến đấu thiếu thốn, gian khổ, ác liệt, tình cảm đồng chí, đồng đội yêu thương, sẻ chia đã góp phần tạo nên sức mạnh của người lính cụ Hồ: “Trong hoàn cảnh này, tình cảm đồng chí đồng đội yêu thương nhau như anh em ruột thịt, gắn bó giúp đỡ tận tình trong mọi hoàn cảnh, không hề tiếc một thứ gì khi bạn bè cần, chuyện nhà cửa, vui buồn có nhau, sống chết bên nhau, không hề so tính thiệt hơn. Ai cũng tự giác, hăng hái nhận những công việc nặng nhọc, nguy hiểm trong chiến đấu, công tác.” (Trích Bút ký của Cựu chiến binh Phạm Quốc Vịnh, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư)

          Và rồi, những nỗi đau không thể nói thành lời – đồng đội hi sinh: “17.3.75. thế là đã hơn một tuần quần nhau với giặc – cả cái thị xã hung hãn, toàn nanh vuốt quân thù đã về tay ta. Đau xé lòng khi nghe tin Phương – người đồng chí thân thuộc và yêu thương hi sinh – cơm ăn chẳng biết ngon – nằm đêm thao thức. Vĩnh biệt Phương – Phương đi nhé.” (Trích Nhật ký của Cựu chiến binh Vũ Văn Thảo, xã Gia Sơn, huyện Nho Quan).

          Có những bút ký ghi chép lại những câu nói hay của các nhà cách mạng tiền bối như  C. Mác,  V.I. Lenin, Hồ Chí Minh, Trần Phú, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng..những bài thơ của các nhà thơ cách mạng nổi tiếng như Tố Hữu, M. Gorky, Sóng Hồng, Tế Hanh… những lời hát ý nghĩa như  Quốc  Ca, Quốc Tế ca... Đây có lẽ là món ăn tinh thần, là hành trang không thể thiếu tạo nên sức mạnh của người lính: “Người chiến sỹ cách mạng chẳng khác nào người vượt đường dài trong mưa bão, ai chịu đựng không xuýt xoa, run rẩy mới tới được chân trời nắng ấm. Nếu để đến khi áo đủ cơm đầy, hoa cười chim hót, lúc đó là lúc cách mạng thành công mới ra tay vùng vẫy thì chẳng khác nào én nhạn chiều đông, muốn bay mà không cất cánh…” Ngô Gia Tự” (Trích Bút ký của Cựu chiến binh Vũ Đức Đấu, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư)

Nhật ký, bút ký của các cựu chiến binh là tình cảm, suy nghĩ của mỗi người lính được ghi chép lại. Ở đó có tình cảm riêng tư của cá nhân, có những băn khoăn trăn trở trước tình yêu, trước cuộc sống, những nỗi nhớ nhung, những cô đơn bất chợt... Nhưng tất cả đều cho chúng ta thấy được lòng yêu nước thiết tha, ý chí mãnh liệt, lòng can đảm phi thường, tinh thần sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc - những điều đã làm nên một thế hệ anh hùng. Đọc những dòng nhật ký, bút ký ấy, ta như được gặp thanh xuân hào hùng, rực rỡ của các thế hệ cha anh để thêm tự hào, trân quý những gì đang có hôm nay!

                                                                            

Vũ Thị Thu – Bảo tàng tỉnh Ninh Bình.