Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

NINH BÌNH YÊU XẨM

17/11/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Liên hoan Hát xẩm Ninh Bình năm 2023 vừa kết thúc sau ba ngày tổ chức (từ 4 đến 6/11/2023). So với hai lần liên hoan trước, lần này có nhiều điểm mới và vẫn còn những việc cần quan tâm nhưng trên hết là niềm vui vì xẩm ngày càng được lan tỏa.

Giữ lời hứa

Còn nhớ ở Liên hoan lần thứ 2 năm 2022, NSND Thanh Ngoan - chủ tịch hội đồng nghệ thuật cứ tiếc nuối về một Liên hoan tổ chức rất quy mô, quy tụ nhiều câu lạc bộ (CLB) hát xẩm trên toàn quốc nhưng lại chưa có cơ hội lan tỏa đến đông đảo khán giả khi được tổ chức trong khán phòng của một khách sạn. Biết là có những lý do khách quan, lại vẫn mang tâm lý ở thời điểm vừa chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên mức độ an toàn phải đặt lên hàng đầu nhưng người đau đáu với xẩm vẫn không khỏi tiếc nuối. “Năm nay đưa xẩm ra ngoài trời, tổ chức ở phố cổ Hoa Lư, tại sân khấu Thủy Đình đẹp lắm, lại vào dịp cuối tuần nên sẽ thu hút được nhiều người đến xem”, ông Trần Việt Phương - PGĐ Sở Văn hóa và thể thao Ninh Bình chia sẻ với chúng tôi. 

BTC, HĐNT trao giải cho các tiết mục tại Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022. Ảnh: Sở VHTT

Hát xẩm dẫu đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022 nhưng nghệ thuật ca hát đặc biệt này vẫn đang cần nhận được nhiều sự khích lệ, ưu ái. Cho nên việc chỉ có 15 giải chia đều cho các giải A, B, C của Liên hoan lần 2 đã làm cho giám khảo thấy khó trong việc cân nhắc tiết mục. Lắng nghe góp ý, năm nay, giải thưởng đã mở rộng với 8 giải A, 10 giải B, 12 giải C và 20 giải khuyến khích. Cũng cần nói thêm, để Liên hoan tổ chức quy mô, đón tiếp các đoàn chu đáo, hỗ trợ đoàn tham gia còn có sự đồng hành gắn bó của Qũy Thiện tâm thuộc tập đoàn Vingroup với tỉnh Ninh Bình trong ba mùa liên tiếp.

Quả thực, sân khấu Thủy Đình của phố cổ Hoa Lư là một không gian đẹp, đậm chất đồng bằng Bắc bộ và là một địa điểm rất phù hợp cho trình diễn hát xẩm. Hai đêm thi chính nhằm ngày thứ bảy và chủ nhật luôn có đông đảo khán giả tới theo dõi, cổ vũ. Có những khán giả còn rất trẻ ngồi xem toàn bộ đêm thi kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ. Cũng hiếm có cuộc thi âm nhạc dân gian nào mà lại có mặt đông đảo các lãnh đạo như ở Ninh Bình. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đỗ Việt Anh, lãnh đạo các cơ quan, địa phương của tỉnh… cũng có mặt và theo sát Liên hoan cổ vũ tinh thần các đoàn thi. Điều này cho thấy người Ninh Bình, trong đó bao gồm cả lãnh đạo và nhân dân yêu và coi trọng hát xẩm.

Các đ/c lãnh đạo tỉnh và đông đảo người dân đã đến xem và cổ vũ cho Liên hoan. Ảnh Sở VHTT

Tín hiệu đường dài

Năm nay có gần 200 nghệ nhân, nghệ nhân, diễn viên của 20 CLB tham dự. Bên cạnh các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, còn có thêm Bắc Ninh, Hải Dương. Riêng Ninh Bình có 9 CLB đến từ nhiều huyện, thành phố. Nhiều trong số đó lần đầu xuất hiện. Như vậy, hát xẩm đã lan tỏa hơn trong tỉnh và trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt, nếu mùa trước Liên hoan chỉ có duy nhất CLB Tâm Việt (Hà Nội) gồm các thành viên là người khiếm thị thì giờ đây đã có thêm CLB Xẩm Xứ Đông (Hải Dương) và CLB Hát Xẩm Hội Người mù thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh). Đáng nói, cả ba CLB này đều có người vừa đàn vừa hát. Xẩm vốn là loại hình ca hát dân gian của người khiếm thị ở miền Bắc, nhưng đã thất truyền trong nhóm người đặc biệt này nhiều chục năm. Như thế, sau những nỗ lực của của Ninh Bình và những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tâm huyết, giờ đây xẩm đã dần hồi sinh trong chính cộng đồng những người khiếm thị.

Nhiều CLB đã tự tin sáng tác thơ hoặc chọn thơ hay để lồng điệu xẩm tạo nên một quỹ bài mới có nội dung ngợi ca quê hương với niềm tự hào. Chẳng hạn như các bài xẩm “Du xuân về đất Ninh Binh” (CLB Xẩm Hà Thị Cầu), “Thành phố Hồ Chí Minh” (CLB Hát xẩm dân gian Đất Việt - TPHCM), “Tự hào Thăng Long - Hà Nội” (CLB Ca nhạc truyền thống UNESCO Hà Nội), “Phố phường Hải Phòng” (CLH Hát xẩm TP. Hải Phòng)…

Các CLB diễn thi tại sân khấu thủy đình, Phố cổ Hoa Lư. Ảnh: Sở VHTT

Liên hoan lần này cũng chứng kiến sự góp mặt của nhiều gương mặt mới, nhiều bậc cao niên, trung niên và các em nhỏ. Chi tiết đáng để nhắc tới, nhiều trong số đó là các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu từ các nghệ thuật khác, có nghệ sĩ cao niên từng tham gia các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ đang độ tuổi sung sức từng tham gia hoặc đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật, trung tâm văn hóa các địa phương. Dẫu thời gian làm quen với xẩm chưa lâu, tiếng đàn lời ca có thể còn phải trau dồi thêm, nhưng đây chính là lực lượng khiến cho những người tâm huyết tin tưởng về chất lượng mặt bằng chung của hát xẩm sẽ được nâng lên trong tương lai gần.

BTC tặng hoa và giấy chứng nhận cho các 20 CLB hát Xẩm. Ảnh: Sở VHTT

Còn hạn chế nhưng vui

Một hạn chế đó là mặt bằng chất lượng giữa các CLB tham gia còn có sự chênh lệch khá lớn, cộng đồng nghệ thuật hát xẩm vẫn còn thiếu nhiều tay đàn chuẩn và chắc. Hạt nhân “tinh” hiện mới chỉ có đôi ba người và đều là những gương mặt đã xuất hiện từ hai mùa trước. 

Dẫu thế hát xẩm vẫn phải vui vì đây là điều có thể lường trước với một nghệ thuật đang trên đà hồi sinh và lan tỏa. Hát xẩm hiện có cộng đồng rộng, có sự quan tâm của tỉnh Ninh Bình và Qũy Thiện Tâm. Hát xẩm có sự đón nhận của khán giả, đặc biệt là bà con vùng đất cố đô Hoa Lư, một trong những cái nôi của nghệ thuật ca hát dân gian đặc sắc này.

Nguồn: Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long,

PGĐ Trung tâm bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam