Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước”
07/05/2024Thực hiện Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 29/02/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước”. Sáng ngày 03/5/2024, tại khách sạn Hoàng Sơn (thành phố Ninh Bình), Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước”.
Dự hội thảo, về phía tỉnh Ninh Bình, Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao và các Sở, ban ngành của tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Ninh Bình.
Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm; PGS.TS Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Cùng dự hội thảo có Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân; GS.TS Đinh Khắc Thuân, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Hán Nôm; PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm; PGS.TS.Nguyễn Đức Nhuệ, chủ tịch Hội đồng Khoa học – Viện Sử học; PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Văn học… cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hóa trong nước, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu của tỉnh Ninh Bình.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn khẳng định: Hội thảo là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá, khẳng định các giá trị lịch sử, văn hoá, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước; từ đó đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị các văn bia nói riêng và di tích núi Non Nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và văn hoá tại địa phương. Hội thảo là một trong những nhiệm vụ của Kế hoạch “Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025” nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước gắn với việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; góp phần tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hoá, quảng bá, làm lan toả giá trị di tích và các di sản văn hoá phi vật thể gắn với di tích núi Non Nước. Hội thảo cũng là dịp để tỉnh Ninh Bình tham vấn ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích vào các Danh sách di sản tư liệu của UNESCO.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu khai mạc Hội thảo
Báo cáo trung tâm tại Hội thảo do đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo trình bày đã khẳng định: hệ thống di sản văn hóa tại khu di tích núi Non Nước là tài sản tinh thần, nhân văn to lớn của địa phương, có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại. Hội thảo là dịp để Ninh Bình tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế, tổ chức UNESCO, các cơ quan quản lý di sản văn hóa ở Trung ương và địa phương để xây dựng hồ sơ đề cử trình cấp có thẩm quyền xem xét ghi vào các Danh sách Di sản tư liệu của UNESCO, đề xuất các giải pháp, phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích QGĐB núi Non Nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình trình bày báo cáo trung tâm
Hội thảo đã tiếp nhận 36 bài báo cáo tham luận, trong đó có 29 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trung ương, 7 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở địa phương. Từ nhiều lĩnh vực và với cách tiếp cận khác nhau nhưng các ý kiến tham luận đều tập trung vào những vấn đề chính gắn với chủ đề Hội thảo, đó là: Lịch sử và hiện trạng hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước: Khái quát sự hình thành và phát triển của di tích Nùi Non Nước và hệ thống văn bia tại di tích; Đánh giá các giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích: Tập trung nghiên cứu và làm sáng tỏ giá trị của hệ thống văn bia tại di tích trong tương quan lịch sử, văn hóa của tỉnh Ninh Bình và cả nước; Phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống văn bia Núi Non Nước trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội và văn hóa tại địa phương; đề xuất các giải pháp, tư vấn phương án bảo tồn và phát huy hệ thống văn bia Núi Non Nước. Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chung của Hội thảo, làm sáng tỏ các giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích, góp phần làm rõ giá trị nổi bật của di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước.
PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Sử học trình bày tham luận tại Hội thảo
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, đồng Trưởng ban Tổ chức khẳng định: Hội thảo đã làm rõ lịch sử, quá trình kiến tạo, vai trò và tầm quan trọng của núi Non Nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Cố đô Hoa Lư – Ninh Bình, nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và di tích, danh thắng, đặc biệt là kho tàng thơ văn Hán Nôm. Qua đó đã thể hiện nét đặc sắc, độc đáo, sự cần thiết và quan trọng trong nghiên cứu, khai thác, truyền thông để phát huy giá trị kho tàng thơ văn Hán Nôm. Các ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội thảo chính là cơ sở, căn cứ cho việc biên soạn các tài liệu, ấn phẩm về núi Non Nước hoặc Quần thể danh thắng núi Non Nước - Ninh Bình. Qua đó càng thấy rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch, tôn tạo, bảo tồn di tích kho tàng di sản Hán Nôm tại đây.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm phát biểu tổng kết hội thảo
Bế mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định: Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước” đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Bước đầu có thể đánh giá các giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích, góp phần làm rõ giá trị nổi bật của di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước và các vấn đề liên quan. Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội thảo, đồng chí nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Thứ nhất: Tổng hợp, biên tập các bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo thành Kỷ yếu Hội thảo làm tài liệu khoa học để nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tư liệu của vùng đất Ninh Bình; Đồng thời làm nguồn tư liệu giúp cho các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước có thêm cơ sở để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi cao trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, tư liệu của di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước nói riêng, truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư nói chung. Qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng và phát triển quê hương Ninh Bình giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thứ ba: Thông qua kết quả của Hội thảo và kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học, với nhiều giải pháp được nêu trong các bài tham luận sẽ là những tiền đề cần thiết tạo cơ sở khoa học, khách quan cho việc hoạch định chính sách, thực hiện Kế hoạch Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước; hướng tới xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình vào các Danh sách di sản tư liệu của UNESCO; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước” là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá, khẳng định các giá trị lịch sử, văn hoá, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích, góp phần làm rõ giá trị nổi bật của di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước; từ đó đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị các văn bia nói riêng và di tích núi Non Nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và văn hoá của tỉnh.
Hình ảnh một số hoạt động diễn ra tại hội thảo:
PGS.TS Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm trình bày báo cáo đề dẫn
NNC. Đặng Công Nga (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình) trình bày tham luận
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
GS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Trần Nhân Tông, ĐHQG Hà Nội)
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Văn học)
NNC Trương Đình Tưởng (Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Ninh Bình)
Trung tướng Lê Phúc Nguyên (Nguyên TBT Báo Quân đội nhân dân)
- Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo:
Bài và ảnh: Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Bài viết khác
- Tập huấn nghiệp vụ về xây dựng đời sống văn hóa cho đội ngũ cán bộ cơ sở
- Hội thảo khoa học “Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc”
- Thành công của Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II năm 2023
- Ấn tượng Đêm “Di sản văn hóa Nam Bộ - Hành trình tiếp nối' tại Festival Ninh Bình – Tràng An lần thứ II năm 2023
- NINH BÌNH TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương"