Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sau 05 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ

21/07/2023

Với vị trí là một tỉnh nằm ở cửa ngõ phía nam đồng bằng Bắc bộ, Ninh Bình là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều vùng văn hóa, tạo nên vùng địa lý có nhiều dấu ấn văn hóa truyền thống, với hệ thống các di tích đình, đền, chùa, miếu, phủ, lăng mộ, từ đường…; các làng nghề thủ công truyền thống và những phong tục tập quán lễ hội dân gian phong phú, đa dạng. Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử, cách đây 30.000 năm; là nơi phát tích của 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê và khởi đầu triều Lý, thừa hưởng những di sản lịch sử, văn hóa của vùng kinh đô cổ hơn nghìn năm lịch sử; là vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều những di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh với 1.821 di tích lịch sử văn hóa và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, rừng Cúc Phương...

Theo thống kê đến nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 243 lễ hội, trong đó, 242 lễ hội truyền thống và 01 lễ hội văn hóa. Đặc biệt có 02 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Lễ hội Hoa Lư (năm 2014) và Lễ hội Làng Bình Hải (năm 2022). Các lễ hội trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lễ hội với quy mô nhỏ, tập trung vào dịp đầu xuân (từ tháng 01 đến hết tháng 03 âm lịch với 180 lễ hội), thời gian tổ chức ngắn (từ 1 đến 1,5 ngày), thu hút sự tham gia chủ yếu của người dân tại các thôn, xóm, bản, xã, phường, thị trấn nơi có di tích và lễ hội. Riêng một số lễ hội có quy mô lớn như: lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An, lễ hội Báo Bản, lễ hội Chùa Bái Đính, lễ hội Đền đức Thánh Nguyễn, lễ hội Đền Nguyễn Công Trứ, lễ hội Đền Thái Vi… thường xuyên thu hút một lượng lớn khách tham quan, chiêm bái.

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn)

Trước khi Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội ra đời, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội tại Quyết định 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Thông tư số 15/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội. Phát huy vai trò chủ thể của người dân hoạt động lễ hội, công tác an ninh trật tự trong lễ hội được đảm bảo, không xảy ra lộn xộn, cháy nổ, ùn tắc giao thông, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường ở lễ hội đã được cải thiện, khắc phục được nhiều hạn chế, tồn tại như mê tín dị đoan, cờ bạc, lưu hành ấn phẩm… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn tồn tại một số vấn đề: công tác chỉ đạo, quản lí ở một số địa phương chưa thực sự sâu sát; công tác tuyên truyền có nơi còn xem nhẹ nội dung giáo dục truyền thống, văn hóa; một số lễ hội còn có biểu hiện lãng phí, thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ lễ hội, hoạt động dịch vụ trái quy định, vi phạm di tích; nếp sống văn minh trong lễ hội đôi lúc, đôi chỗ chưa được thực hiện nghiêm túc…

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 11/3/2021 về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các văn bản chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức lễ hội hàng năm và khi có những vấn đề phát sinh.  Trong đó nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, của từng địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lễ hội từ tỉnh đến cơ sở. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định. Tăng cường trách nhiệm quản lý, tổ chức lễ hội của chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã trong tổ chức thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quản lý tổ chức lễ hội, về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực; các hành vi mê tín dị đoan; các hoạt động cờ bạc trá hình, các hành vi nâng ép giá dịch vụ, ép khách mua hàng, chụp ảnh, lưu hành văn hóa phẩm trái phép,…

Sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các lễ hội

Xác định công tác tuyên truyền có nhiệm vụ quan trọng góp phần đưa các
nội dung của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các cấp triển khai tuyên truyền sâu rộng Nghị định đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tập trung tuyên tuyền, phổ biến pháp luật, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách trong thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức và quản lý lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống của dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội…. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện trong việc tổ chức, quản lý và tham gia các hoạt động lễ hội.

Thời gian qua, các lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú thu hút sự tham gia tích cực của người dân. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn đều thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội với chính quyền địa phương theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP. Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đều xây dựng kế hoạch, có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tuân thủ các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, các đoàn thể quần chúng ở địa phương tổ chức hoạt động lễ hội từ khâu chuẩn bị, đến việc hành lễ, tổ chức các hoạt động phần hội công phu, nghiêm túc. Nghi lễ của lễ hội trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Các hoạt động phần hội tổ chức kết nối nhuần nhuyễn với các nghi thức phần lễ tạo ra không khí vui tươi, lành mạnh trong không gian của lễ hội. Các địa phương tổ chức lễ hội trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nghi thức rước kiệu truyền thống

Trong các năm 2020, 2021 và đầu năm 2022 là thời điểm dịch bệnh Covid -19 diễn ra phức tạp, căn cứ tình hình thực tiễn, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các cấp chỉ đạo, thực hiện tạm dừng, giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; thực hiện đồng bộ, sâu rộng công tác tuyên truyền nên ý thức tự giác và tính chủ động của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh được nâng cao khi tham gia hoạt động lễ hội, hoạt động tín ngưỡng tại di tích.

Qua gần 5 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, với những quy định rõ ràng, cụ thể về nguyên tắc tổ chức lễ hội; về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội, của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; về thực hiện đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội; về trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình đã vào cuộc tích cực và phối hợp đồng bộ trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra và tổ chức lễ hội. Việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP đã được nhân dân đồng tỉnh hưởng ứng và đi vào đời sống cộng đồng dân cư. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa của lễ hội phát huy hiệu quả. Vì vậy hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức trang trọng, đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và tín ngưỡng linh thiêng với những nội dung đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, chiêm bái.

Lễ hội truyền thống uống nước nhớ nguồn tại thành phố Ninh Bình

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quản lí và tổ chức lễ hội vẫn còn tồn tại một số vấn đề: công tác chỉ đạo, quản lí ở một số địa phương chưa thực sự sâu sát; công tác kiểm tra, hướng dẫn lễ hội tuy đã được tiến hành thường xuyên nhưng xử lý vi phạm chưa mạnh do chưa đủ chế tài, mới dừng ở việc nhắc nhở, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Một số lễ hội khi thông báo tổ chức lễ hội có xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập ban tổ chức, có chương trình lễ hội nhưng chưa đảm bảo đúng thời gian quy định. Công tác xã hội hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gắn với chương trình tổ chức lễ hội còn hạn chế.

Còn tồn tại những hạn chế trên là do ý thức của một số khách hành hương về lễ hội chưa cao, có những hành vi ứng xử chưa thật sự có văn hóa trong hành lễ. Nguồn lực bảo đảm cho hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở một số lễ hội chưa đáp ứng với lượng khách tham gia ngày càng đông. Điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa phương còn nhiều khó khăn do đó chưa chú trọng nhiều đến việc duy trì, bảo tồn và phục dựng lại các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội. Nghị định số 110/2018/NĐ-CP chưa quy định được rõ ràng việc phân cấp đơn vị quản lý lễ hội, đơn vị tổ chức lễ hội (các quy định này chưa rõ ràng mà nằm rải rác, xen kẽ trong các quy định về đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội) dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện rà soát, thống kê, phân loại và quản lý lễ hội trên địa bàn, tạo nên thiếu chặt chẽ trong phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể dẫn đến có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động trong công quản lý và tổ chức.

Nhân dân và du khách nô nức về trảy hội (Lễ hội Động Hoa Lư, Gia Viễn)

Việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ trong 05 năm qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, phải coi công tác quản lý và tổ chức lễ hội là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự phối hợp trách nhiệm, thường xuyên của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của người có uy tín, các chức sắc trong cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành có liên quan; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định, công tác quản lý tổ chức lễ hội ở cơ sở. Kiên quyết đấu tranh, phê phán những hành vi, biểu hiện lệch lạc, thiếu lành mạnh trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Thứ hai, kết hợp hiệu quả công tác tuyên truyền với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Gắn việc thực hiện Nghị định với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thực hiện tốt công tác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương gắn với tiếp thu, chọn lọc những giá trị văn hóa mới của dân tộc và nhân loại trong công tác tổ chức lễ hội. Phát huy tốt vai trò của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, của cán bộ, đảng viên trong quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương một cách hiệu quả, thiết thực.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác quản lí và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực đi vào nề nếp, hiệu lực quản lí nhà nước về lễ hội được tăng cường, công tác tổ chức lễ hội về cơ bản diễn ra an toàn, lành mạnh, trang nghiêm, sôi nổi, hấp dẫn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân mang đậm nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.

Phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình