Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

05/05/2020

Tỉnh Ninh Bình hiện có 1442 cơ sở di tích, 995 cơ sở tín ngưỡng với 225 lễ hội truyền thống. Các lễ hội diễn ra tập trung trong thời gian từ đầu tháng 01 đến hết tháng 03 âm lịch (155 lễ hội). Đa số các lễ hội có quy mô nhỏ, thời gian tổ chức lễ hội ngắn (từ 1 đến 1,5 ngày) chỉ có một số lễ hội lớn thường xuyên thu hút một lượng lớn khách thập phương về tham quan, chiêm bái như: lễ hội Chùa Bái Đính, lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An, lễ hội Đền Thái Vi…

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức tập huấn, tuyên truyền, quán triệt sâu sắc Chỉ thị tới các cấp ủy Đảng, các cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Việc quán triệt Chỉ thị đã được thực hiện ở tất cả các địa bàn dân cư trên toàn tỉnh với nhiều hình thức khác nhau, thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Các Đảng bộ, chi bộ đã lồng ghép kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện, đi sâu phân tích nguyên nhân, giải pháp trong việc triển khai nhiệm vụ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở từng cấp, từng ngành, từng đơn vị.

Cụ thể, các địa phương trong tỉnh đã bám sát Quy chế quản lý và tổ chức lễ hội, thành lập Ban Tổ chức, xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn theo đúng quy định đã được ban hành. Các lễ hội trên địa bàn tỉnh được diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả; quy mô phù hợp; nghi lễ trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; phần hội có sự kết hợp hài hòa, đa dạng, phong phú về loại hình; không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh; mang đậm giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Công tác quản lý cũng được tỉnh tổ chức thực hiện tốt trên nhiều phương diện. Về vấn đề quản lý tài chính: tiền công đức, tiền giọt dầu đã được các Ban quản lí di tích và Ban tổ chức lễ hội thống nhất, công khai sử dụng đúng pháp luật cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, bảo tồn di sản văn hóa. Các di tích, lễ hội đã xây dựng nội quy hoạt động, quy chế phối hợp để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; thành lập các tổ tự quản, vận động các thành viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; hỗ trợ tập trung người tâm thần, lang thang cơ nhỡ, ăn xin, ăn mày tại các lễ hội đưa về địa phương quản lý hoặc đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh theo quy định; bố trí nơi bán hàng và dịch vụ bảo đảm thống nhất; có thái độ lịch sự khi tiếp xúc với du khách; bố trí, sắp xếp, quản lý bãi đỗ xe hợp lý; bổ sung thêm các thùng rác, các công trình vệ sinh công cộng phục vụ du khách; hướng dẫn du khách bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý rác thải kịp thời trước, trong và sau lễ hội.

Để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Qua đó, kịp thời ngăn chặn các vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, trộm cắp tài sản; thương mại hoá các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và các biểu hiện tiêu cực khác.

Bên cạnh đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội cũng được đẩy mạnh và có nhiều biến chuyển tích cực. Đa số các di tích, lễ hội tại địa phương đã lắp đặt các bảng, biển chỉ dẫn giúp nhân dân nâng cao ý thức thực hiện tốt nội quy, bảo vệ cảnh quan, giữ gìn khí thế tôn nghiêm nơi thờ tự. Nhờ vậy, các hành động đặt tiền lễ không đúng nơi quy định; thắp hương, đốt mã tràn lan; dâng tế các hiện vật, đồ thờ tự không phù hợp; chen lấn xô đẩy gây ùn tắc;… đã giảm đi rõ rệt.

Về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của lễ hội, năm 2014, Lễ hội Hoa Lư vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, Lễ hội làng Bình Hải (xã Yên Nhân, huyện Yên Mô) cũng đã được lập hồ sơ xem xét đưa vào danh mục này.

Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình đề ra phương hướng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, cũng như các văn bản chỉ đạo của Đảng, các quy định của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đẩy mạnh phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý và tổ chức lễ hội. Đảm bảo các lễ hội được diễn ra phong phú, đa dạng; thể hiện vai trò chủ thể và đáp ứng các nhu cầu tinh thần của nhân dân; tạo khí thế vui tươi, lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

 

 Phòng XDNSVH&GĐ