Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

CÔNG TÁC QUẢN LÍ VÀ TỔ CHỨC LỄ HỘI NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

06/01/2023

Trong năm 2022, công tác quản lí và tổ chức lễ hội đã được Sở Văn hoá và Thể thao quan tâm, tập trung đẩy mạnh và đạt được nhiều chuyển biến tích cực: đảm bảo việc tổ chức các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, lành mạnh, đúng quy định, phát huy giá trị, ý nghĩa của lễ hội, giáo dục truyền thống văn hóa “Uống nước nhớ nguồn”; đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của người dân; quảng bá tiềm năng thế mạnh về kinh tế - xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng về đất và người Ninh Bình.

Hiện nay, Ninh Bình có 243 lễ hội, trong đó, 242 lễ hội truyền thống và 01 lễ hội văn hóa. Đặc biệt có 02 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Hoa Lư (năm 2014) và Lễ hội Làng Bình Hải (năm 2022). Có 01 lễ hội cấp tỉnh, 11 lễ hội cấp huyện và 231 lễ hội do cấp xã quản lý. Các lễ hội trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lễ hội làng, thôn, bản với quy mô nhỏ, tập trung vào dịp đầu xuân (từ tháng 01 đến hết tháng 03 âm lịch với 180 lễ hội), thời gian tổ chức ngắn (từ 1 đến 1,5 ngày), thu hút sự tham gia chủ yếu của người dân tại các thôn, xóm, bản, xã, phường, thị trấn nơi có di tích và lễ hội.

Trong năm 2022, thời điểm 3 tháng đầu năm âm lịch là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, khó dự đoán, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tạm dừng, giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội theo 02 văn bản: số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cho phù hợp. Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-SVHTT ngày 10/01/2022 về thành lập Đoàn kiểm tra và Kế hoạch số 04/KH-TTr ngày 14/01/2022 về kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trong Quý I năm 2022 thực hiện kiểm tra chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích và công tác tổ chức, quản lý lễ hội theo quy định của pháp luật, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Kết quả trên địa bàn tỉnh về cơ bản các Ban Quản lí di tích, Ban Tổ chức lễ hội đã thực hiện nghiêm quy định tạm dừng, giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội; vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đeo khẩu trang khi tham gia hoạt động lễ hội, hoạt động tín ngưỡng tại di tích.

Lễ hội Hoa Lư là lễ hội lớn nhất và cũng là một trong những sự kiện văn hóa thường niên quan trọng nhất của tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Ninh Mạnh Thắng)

Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú thu hút sự tham gia tích cực của người dân. Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố cùng với chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về quản lý và tổ chức lễ hội thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình, tuyên truyền qua các hội nghị tập huấn,… Đồng thời Sở chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Chú trọng công tác quảng bá, thuyết minh tuyên truyền với nhiều hình thức về giá trị văn hoá của di tích, ý nghĩa của lễ hội và các nhân vật được thờ phụng; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa; những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; những mô hình điển hình tiên tiến trong tổ chức lễ hội... Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội. 

Việc tổ chức các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh đều được Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích chủ động đăng ký hoặc thông báo theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể quần chúng ở địa phương từ khâu chuẩn bị, đến khâu hành lễ và tổ chức các hoạt động khác trong phần hội. Nghi lễ của lễ hội được diễn ra trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, với sự đa dạng, phong phú về loại hình, gắn với đặc trưng vùng miền, như: Hát Xẩm, Hát Chèo, Hát Chầu văn, Hát Ca Trù, Trống nhảy, Múa trống, Cồng Chiêng, hát Đúm, Sắc bùa, múa sạp, Hát giao duyên tiếng Mường, giai điệu Mường xưa…và những trò chơi dân gian: cờ người, cờ tướng, chọi gà, cờ bỏi, tổ tôm điếm, kéo co, bơi chải, đua thuyền, đập niêu, kéo chữ, thi diễn tích... Các hoạt động phần hội tổ chức kết nối nhuần nhuyễn với các nghi thức phần lễ tạo ra không khí vui tươi, lành mạnh trong không gian của lễ hội, tạo ra môi trường văn hóa lễ hội truyền thống tốt đẹp, văn hóa đặc sắc của con người và vùng đất Cố đô. Các địa phương tổ chức lễ hội trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Lễ hội Đền Thái vi là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân Ninh Hải để tưởng nhớ công ơn của các vị vua Trần, đặc biệt là vua Trần Thái Tông - người đã có công chiêu dân lập ấp ở xã Ninh Hải (Ảnh: Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình)

Bên cạnh đó, các lễ hội được tổ chức trên địa bàn tỉnh đều xây dựng kế hoạch, có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tuân thủ các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội. Tại các di tích có tổ chức lễ hội đã xây dựng, lắp đặt nội quy bảo vệ, các bảng, biển chỉ dẫn; quy định hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã; không tiếp nhận hiện vật và các đồ thờ tự không phù hợp với văn hóa truyền thống trong khuôn viên lễ hội; quy định nghiêm việc rước kiệu, ngự kiệu, rước nước, rước lửa…đảm bảo không để xảy ra tình trạng gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự; bố trí khu vực dịch vụ ngoài khuôn viên di tích; thành lập các tổ tự quản, vận động các thành viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và địa phương về đảm bảo giá cả, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; có thái độ lịch sự khi tiếp xúc với khách tham quan, chiêm bái; bố trí, sắp xếp, quản lý bãi đỗ xe hợp lý; bổ sung thêm các thùng rác, các công trình vệ sinh công cộng, hướng dẫn du khách bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải kịp thời trước, trong và sau lễ hội. Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và du khách đặt tiền lễ, tiền giọt dầu, công đức có mệnh giá nhỏ đúng nơi quy định, bố trí bàn ghi, đặt hòm công đức thuận tiện cho khách hành lễ; bố trí lực lượng gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời, đảm bảo tính tôn nghiêm nơi thờ tự. Đồng thời, kiên quyết ngăn chặn các hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng lợi.

Tế lễ tại Lễ hội Đền Thái Vi (Ảnh: Ninh Mạnh Thắng)

Tuy nhiên tại một số lễ hội vẫn còn tồn tại tình trạng trong quá trình hành lễ, người dân bày lễ phô trương, để tiền lễ và đồ lễ không đúng nơi quy định, trang phục không phù hợp, xả rác bừa bãi, đốt đồ mã nhiều lãng phí gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của di tích và lễ hội; hiện tượng ăn xin, ăn mày, hoạt động xóc thẻ, xem tướng số, đổi tiền lẻ vẫn còn diễn ra lẻ tẻ ở một số diểm du lịch, di tích, lễ hội; chất lượng các hoạt động dịch vụ ở một số nơi chưa cao, còn tình trạng chèo kéo khách mua hàng, bán hàng hóa không đúng giá niêm yết, kinh doanh lấn chiếm lề đường, vỉa hè, bán hàng hóa trong khuôn viên di tích.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu lực quản lí nhà nước về lễ hội, Sở Văn hoá và Thể thao đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lí và tổ chức lễ hội: Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (Khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lí và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/8/2018 quy định về quản lí và tổ chức lễ hội (Nghị định số 110/2018/NĐ-CP); Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lí, tổ chức lễ hội, lễ kỉ niệm; Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23/9/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường quản lí nhà nước đối với một số hoạt động văn hoá nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, phục hồi và phát triển du lịch; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 16/3/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức và quản lí lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Văn bản số 1089-CV/TU ngày 24/11/2022 của Tỉnh uỷ Ninh Bình về việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023; Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 11/3/2021 về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Chú trọng tuyên truyền về giá trị của di tích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội; những quy định của pháp luật về lễ hội; về thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội; vận động nhân dân tham gia bảo vệ di tích, phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, đẩy mạnh sử dụng các hình thức truyền thông mới như: quảng bá, giới thiệu về di tích, lễ hội trên các website du lịch, các website địa phương, các mạng xã hội, các phần mềm tiện ích… để người dân, du khách dễ tiếp cận.

Ba là, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương các cấp áp dụng các biện pháp đồng bộ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống trộm cắp, bảo vệ di tích, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch, lễ hội.

Bốn là, quán triệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh về quản lí, tổ chức lễ hội, về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị.

Năm là, Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; các hành vi mê tín dị đoan./.

Phòng Nếp sống văn hoá và Gia đình