Ninh Bình có thêm 10 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
05/01/2024Với 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2023, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lên 405 di tích. Việc xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh là cơ sở để chính quyền và Nhân dân các địa phương tỉnh Ninh Bình quan tâm bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của các di tích.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, căn cứ nguyện vọng của nhân dân và đề nghị của các cấp chính quyền địa phương, Sở Văn hoá và Thể thao đã phối hợp với chính quyền và nhân dân các địa phương thực hiện lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với các di tích có giá trị lịch sử - văn hóa quan trọng trên địa bàn tỉnh. Ngày 28 tháng 12 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ký ban hành các Quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với 10 di tích, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lên 405 di tích. Các di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2023 gồm:
1. Đền núi Muôi, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn
Đền núi Muôi tọa lạc tại thôn Mai Sơn, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đền được xây dựng trên khu đất cao, dưới chân núi Muôi, nhìn về hướng Nam, kiến trúc chữ Đinh, gồm 3 gian Tiền đường và 01 gian Hậu cung, tường hồi bít đốc. Di tích ban đầu được xây dựng năm 1900, xây dựng lại vào năm 2011.
Đền núi Muôi, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn
Đền núi Muôi là nơi thờ cúng, tưởng niệm bà Trần Thị Nguyệt Anh, tương truyền là nhân vật thời Hai Bà Trưng, cùng với bà Vương Tiên (người Làng Sầy, xã Sơn Thành, huyện Nho Quan) lãnh đạo nhân dân địa phương khởi nghĩa chống quân Hán đô hộ. Bà được nhân dân địa phương tôn vinh là Mẫu bản phương cai quản vùng đất.
Tại di tích còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, đặc biệt là 02 đạo sắc phong thời Nguyễn sắc chỉ cho nhân dân nơi đây phụng thờ vị thần Quyên anh Thận ý Trinh huệ Phu nhân chi thần.
Hàng năm, đền núi Muôi tổ chức lễ hội vào ngày 8 tháng 8 Âm lịch, đây cũng là ngày húy kỵ bà Trần Thị Nguyệt Anh, tục lệ từ xưa truyền lại cứ năm lẻ nhân dân sẽ tổ chức đủ phần lễ và phần hội, còn năm chẵn chỉ tổ chức phần lễ.
2. Đình Lang Ca, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp
Đình Lang Ca tọa lạc tại thôn Lang Ca, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Đình Lang Ca có hệ thống thờ tự rất phong phú, ngoài việc thờ Thành Hoàng Lang Ca, tại Hậu cung đình còn phối thờ Phật và các vị Hậu. Trước kia, các tượng Phật được thờ ở chùa nằm trên địa bàn thôn Lang Ca, nhưng do thời tiết khắc nghiệt, sự tàn phá của chiến tranh chùa bị phá hủy hoàn toàn, do đó nhân dân trong thôn đã đưa đồ thờ tự, tượng Phật trong chùa về lưu giữ tại đình Lang Ca để bảo quản. Thành hoàng Lang Ca là người có công đoàn kết mọi người, khai khẩn đất hoang, bảo vệ người dân trước những nguy hiểm cận kề của vùng núi non hiểm trở Lang Ca và được nhân dân tôn vinh là Thành Hoàng làng.
Đình Lang Ca, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp
Trước năm 1925, đình được xây dựng bên kia sông Bến Đang, cách vị trí hiện tại khoảng 500m về phía Đông Bắc, gồm 3 gian bằng gỗ, mái lợp cỏ tranh. Năm 1925, nhân dân di chuyển di tích về vị trí hiện tại, 3 gian đình cũ được tu sửa thành Tiền đường, xây mới 3 gian hậu cung bằng gỗ, mái lợp ngói. Hiện nay, đình Lang Ca có kiến trúc chữ Đinh, gồm hai tòa Tiền đường và Hậu cung, kiểu tường hồi bít đốc. Tòa Tiền đường gồm 3 gian, kết cấu bê tông cốt thép. Hậu cung gồm 3 gian, kết cấu 4 vì kèo gỗ đỡ mái chia tách hậu cung thành 3 khu thờ tự.
Ngoài các hiện vật, đồ thờ tự có giá trị lịch sử, văn hóa như tượng, bia đá, ngai thờ, bài vị, bát hương, nhang án…tại di tích còn lưu giữ được 25 đạo sắc phong do các triều đại phong kiến Hậu Lê và Nguyễn ban tặng cho các vị thần được thờ ở làng và chuẩn cho thôn, xã thờ phụng.
3. Nhà thờ Tạ Danh Thùy, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh
Di tích hiện nay tọa lạc tại khu Trung, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Di tích là nơi thờ cúng, tưởng niệm Thùy Trung hầu Tạ Danh Thùy và các bậc tiền nhân dòng họ Tạ Hữu. Tạ Danh Thùy sinh năm Ất Sửu (1745), mất ngày 29 tháng 8 năm Kỷ Mão (1819), hưởng thọ 75 tuổi. Ông vốn tên húy là Tước, làm quan dưới triều Lê Trung Hưng (đời vua Cảnh Hưng), trải qua các chức Hậu tượng cơ cai cơ, Thiêm tri Hộ thư, trấn thủ Thanh Hoa, lưu thủ kiêm tri Yên Trường phủ nội trấn, Đô đốc phủ Tả đô đốc quyền phủ xuất nạp, Thái truyền Thiếu bảo, tước Thuỳ Trung hầu.
Nhà thờ Tạ Danh Thùy, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh
Nhà thờ được xây dựng theo kiểu chữ Nhất, kiểu nhà truyền thống, gồm 3 gian, tường hồi bít đốc, xây dựng theo kiến trúc 4 hàng chân cột, mái lợp ngói mũi hài, gian chính giữa là nơi đặt ban thờ Tổ, gian bên trái đặt ban thờ Tạ Danh Thùy, bên phải đặt ban thờ bà Tổ cô. Di tích đã được tu sửa một số lần, năm Đinh Dậu (1897) niên hiệu Thành Thái tu sửa Tiền đường, năm Đinh Mùi (1907) niên hiệu Duy Tân tô điểm, sửa chữa lại mộ tổ và dựng lầu cung phụng sự tổ cô, năm Kỷ Dậu (1909) tu sửa 3 gian nhà thờ, mái lợp ngói, vì kèo gỗ, tường gạch bao quanh, năm 2005 và 2021 tu sửa nhỏ. Di tích còn giữ được kiến trúc gốc thời Nguyễn.
Hằng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội chính như: Lễ kỵ tổ họ Tạ (ngày 04 tháng 11), lễ kỵ cụ Tạ Danh Thùy (ngày 29 tháng 8), lễ kỵ cô Tổ họ Tạ (ngày 02 tháng Giêng). Ngoài các hiện vật, đồ thờ tự có giá trị lịch sử văn hoá như long ngai, bài vị, bát hương, câu đối, đại tự, nhang án..., tại di tích còn lưu giữ được 02 sắc phong ban cho Thuỳ Trung hầu Tạ Danh Thuỳ ngày 21 tháng 2 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41 (năm 1780) và ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định 2 (1917).
4. Đình làng Rịa, xã Phú Lộc, huyện Nho Quan
Đình làng Rịa hiện nay thuộc địa bàn xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Di tích là nơi thờ tự và tưởng niệm vị thần Uy linh Dũng mãnh Đại vương. Ngài là tướng lĩnh của Lý Bí, có công giúp Lý Bí đánh đuổi giặc Lương, thành lập nên nhà nước Vạn Xuân vào thế kỷ VI. Nhân dân tôn thờ Ngài như vị thành hoàng làng, bảo trợ, phù giúp cho cuộc sống của mọi người. Di tích còn là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, Mai Hoa công chúa và Phù Dung công chúa.
Đình làng Rịa, xã Phú Lộc, huyện Nho Quan
Đình làng Rịa vốn được khởi dựng từ lâu đời. Trước đây đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh, các cấu kiện vì kèo, hoành, rui, mè đều làm bằng gỗ lim. Hệ thống cột bằng gỗ, kê trên tảng đá cổ bồng, cột cái có đường kính lớn, thân cột chạm bong hình rồng, phượng, muông thú. Năm 1953, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình đã bị phá huỷ hoàn toàn. Dấu vết còn lại ngày nay là hệ thống cấu kiện bằng đá và các cột đá đang lưu giữ trong khuôn viên di tích. Năm 2007, nhân dân địa phương đã đóng góp công sức xây dựng lại ngôi đình trên nền móng cũ. Hiện nay, di tích được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh gồm hai toà: Tiền đường và Hậu cung, kiến trúc đơn giản nhưng vẫn giữ nguyên theo kiến trúc truyền thống.
Theo bản “Thần tích - thần sắc thôn Sa Rịa (Rịa), làng Yên Lại, tổng Văn Luận, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” kí hiệu TTTS 16079 lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, kê khai năm 1938 của hương lý xã Yên Lại (xã Phú Lộc ngày nay), trước đây di tích lưu giữ được 08 đạo sắc phong, trong đó 04 đạo sắc phong cho vị thần Uy Linh Dũng mãnh đại vương, 02 đạo sắc phong cho Mẫu Liễu Hạnh và 02 đạo sắc phong cho Phù Dung công chúa, Mai Hoa công chúa. Tuy nhiên, đến năm 1953, trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, đình làng Rịa bị tàn phá, các đạo sắc phong này đã bị đốt cháy cùng với các di vật khác của di tích.
Lễ hội đình làng Rịa được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 âm lịch hàng năm. Trước kia, vào ngày này, nhân dân tổ chức lễ tế. Ngày nay, nghi thức tế trong lễ hội chưa được khôi phục lại, phần hội chỉ tổ chức đêm giao lưu văn nghệ quần chúng trước ngày chính hội.
5. Nhà thờ Phạm Chính Trực, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn
Nhà thờ Phạm Chính Trực tọa lạc tại thôn Đoan Bình, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Nhà thờ Phạm Chính Trực, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn
Di tích là nơi thờ cúng, tưởng niệm cụ Phạm Chính Trực, người đã có công khai khẩn ruộng đất, mở mang điền thổ, chiêu dân lập ấp. Di tích cũng là nơi thờ cúng, tưởng niệm tổ tiên, hậu duệ của dòng họ Phạm thôn Đoan Bình, trong đó có một số nhân vật như: Phạm Công Đạo, Phạm Công Địch, Phạm Cấn, Phạm Ngọc Trân…có công với nhân dân, đất nước, được các triều đại phong kiến ban sắc phong, ban chức tước, tặng mỹ tự và chuẩn cho thôn, xã phụng thờ.
Di tích ban đầu được xây dựng khá bề thế, quy mô, kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian Tiền đường và 2 gian Hậu cung với hệ khung gỗ lim, lợp ngói vảy. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay di tích có kiến trúc kiểu hai tầng 8 mái, chia làm 3 gian, tường hồi bít đốc, hệ thống mái cuốn vòm, hệ thống cột, vì kèo làm bằng bê tông, kết cấu kiên cố.
Tại di tích còn lưu giữ được những tư liệu, hiện vật quý như: Sắc phong do các triều vua Nguyễn ban tặng, long ngai, bài vị và các đồ thờ tự bằng đồng, sứ.
6. Đình làng Vân Du Thượng, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô
Đình làng Vân Du Thượng hiện nay thuộc thôn Vân Du Thượng, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Đình làng Vân Du Thượng, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô
Di tích là nơi thờ cúng Vãng Vị tôn thần, một vị thần triều Hùng Vương có công giúp dân, giúp nước, được nhân dân thờ cúng và tôn thờ với vai trò là vị Thành hoàng làng. Ngoài ra, di tích còn phối thờ Quan Văn, Quan Võ.
Căn cứ ghi chép trên thượng lương tòa Hậu cung ghi năm trùng tu vào thàng 8 năm Thành Thái thứ 7 (1895). Năm 2021, di tích được nhân dân tu bổ tôn tạo khang trang, kiến trúc chữ Nhị, gồm hai tòa Tiền đường và Hậu cung, hai toà cách nhau một khoảng sân trong. Tiền đường và Hậu cung đều kết cấu 5 gian, tường hồi bít đốc, hệ thống cột, vì kèo làm bằng gỗ lim, kết cấu kiên cố.
Tại di tích còn lưu giữ 21 đạo sắc phong, trong đó có 02 đạo sắc phong thời Nguyễn phong cho vị thần Vãng Vị. Những sắc phong khác là trước kia được lưu giữ tại đền, phủ làng Vân Du Thượng, sau này được đưa về lưu giữ tại đình làng Vân Du Thượng.
7. Đền Tiên Dương, xã Yên Thành, huyện Yên Mô
Đền Tiên Dương hiện nay tọa lạc trên địa bàn thôn Tiên Dương, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Đền Tiên Dương, xã Yên Thành, huyện Yên Mô
Đền Tiên Dương là nơi thờ tự, tưởng niệm Tam vị Ngọ Đại Vương, Thượng tướng Trần Khát Chân – một nhân vật lịch sử thời Trần, Bản thổ chi thần, Đình ngang Thuần hỗ Anh thanh Đại vương và Dực bảo Trung hưng Linh phù Quan phục Dương hiệp Vĩ liệt Anh thanh Tôn Thần. Đây là những vị thần có công phù giúp quốc thái dân an, được các triều đại phong kiến ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng nhiều đời.
Đền Tiên Dương được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ Đinh, gồm hai tòa Tiền bái và Hậu cung. Giữa hai tòa cách nhau một khoảng sân trong, làm cho không gian thêm thoáng đãng. Tòa Hậu cung do xuống cấp nghiêm trọng, mới được tu bổ lại bằng vật liệu bê tông cốt thép. Tòa Tiền đường gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, xây theo kiến trúc 4 hàng chân cột, đây là hạng mục giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc gốc thời Nguyễn. Theo sắc phong sớm nhất còn lưu giữ tại di tích có niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 4 (1796), cùng hiện vật mang phong cách thuật thời Hậu Lê tại di tích, có thể cho rằng di tích có từ thế kỷ XVIII và đã trải qua một số lần trùng tu, sửa chữa, thượng lương của tòa Tiền bái cũng ghi rõ “tháng 11 năm Canh Dần hoàng triều Thành Thái dựng thượng lương (1890)”
Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội chính như: Lễ khai xuân (07 tháng Giêng), lễ Giỗ Thánh (ngày 24 tháng 4), lễ kỷ niệm ngày sinh của Thánh (ngày 14 tháng 11)… Hiện nay, đền Tiên Dương còn lưu giữ được nhiều hiện vật thuộc loại hình và chất liệu khác nhau, có giá trị lịch sử và văn hóa cao. Tiêu biểu là 09 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ban tặng, trong đó có 01 đạo sắc phong thời Tây Sơn và 08 đạo sắc phong thời Nguyễn.
8. Đình và phủ làng Yên Sư, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô
Di tích tọa lạc trên địa phận thôn Yên Sư, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đình làng Yên Sư có tên gọi khác là đình Tây và miếu Tây do nằm ở phía Tây của làng. Phủ làng Yên Sư có tên gọi khác là phủ Mẫu, miếu Mẫu.
Đình và phủ làng Yên Sư, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô
Đình làng Yên Sư thờ Câu Mang Đại vương, thần Hậu thổ, các Thủy tổ 13 cửa họ làng Yên Sư, các vị Hậu, các Mẹ Việt Nam Anh hùng và Liệt sỹ. Phủ làng Yên Sư thờ Tứ vị Thánh nương, Tam vị Thánh Mẫu và các vị thánh thuộc hệ thống tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ.
Đình làng Yên Sư được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, gồm ba tòa Tiền đường, Trung đường và Hậu cung, kiểu tường hồi bít đốc. Phủ làng Yên Sư cũng được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, gồm 2 tòa Tiền đường và Hậu cung, kiểu tường hồi bít đốc.
Theo gia phả các tộc họ ở làng Yên Sư thì đình làng có từ thời nhà Lê, lúc đầu làm bằng tranh nứa làm nơi thờ Câu Mang Đại Vương và Tứ vị Thánh nương. Sau này khi các dòng họ phát triển, đất đai được mở rộng, năm Gia Long thứ 2 (1803) nhân dân tu bổ, xây dựng lại bằng gỗ khang trang, phủ được xây dựng bằng gỗ từ năm 1908, các lần tu sửa sau này vào năm 1930, 1950, 1958,1984, 2000, 2007.
Hằng năm, hội làng Yên Sư được tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 6 tháng 3, giỗ Mẫu Liễu Hạnh (ngày 3/3) và giỗ Tứ vị Thánh nương (ngày 6/3). Hiện di tích Đình và Phủ làng Yên Sư còn lưu giữ 21 đạo Sắc phong cho các vị Thần, gồm 09 đạo Sắc cho Câu Mang Tôn thần, 07 đạo sắc cho Đại Càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh Nương, 02 đạo cho Liễu Hạnh Công Chúa, 01 đạo cho Tĩnh Hậu Trung đẳng thần (thần Hậu thổ), 02 đạo hợp phong cho Câu Mang Hoàng Đế và Hoàng Bà Nam Hải Triệu Nương. Ngoài ra còn nhiều hiện vật khác như: Tượng, mũ, hia, hòm sắc, mâm bồng, lư hương…
9. Miếu Duy Hòa, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn
Miếu Duy Hòa hiện nay tọa lạc ở địa phận xóm 6, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Miếu Duy Hòa, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn
Miếu Duy Hòa là nơi thờ cúng, tưởng niệm thần Hải Tề Long Vương, nhân vật huyền thoại thời Hùng Vương, nhân dân tôn thờ ông như vị thành hoàng làng, có công phù giúp nhân dân tăng gia sản xuất, mở rộng đất đai, ổn định cuộc sống. Đây là tập tục gắn với hiện tượng di dân di thần của những lưu dân khai hoang, lấn biển lập làng, đặc trưng của vùng đất mới Kim Sơn.
Miếu thờ ban đầu là do nhân dân và các vị nguyên, thứ mộ, tân mộ xây dựng. Miếu được xây dựng ở đầu thôn Hàm Ân (hiện nay thuộc địa phận xóm 8, xã Ân Hòa), là miếu chung của 3 ấp Chí Tĩnh, Duy Hoà, Khiết Kỷ và giáp Hàm Ân. Năm niên hiệu Duy Tân thứ 7 (1913), nhân dân xây dựng nơi thờ tự riêng (vị trí di tích hiện nay), rước bát hương, ngai thờ và bài vị Hải Tề Long Vương từ miếu cũ về thờ phụng. Di tích lúc này có kiến trúc chữ Đinh, gồm 03 gian Tiền đường và 01 gian Hậu cung, mái lợp ngói vảy. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), phó lý Vũ Văn Hòa và nhân dân trùng tu toàn bộ công trình. Năm 2014, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang hưng công xây dựng lại toàn bộ di tích và các hạng mục phụ trợ như hiện nay. Tổng thể không gian di tích gồm các hạng mục sau: Nghi môn, hồ nước, sân, gác chuông, nhà giải vũ, nhà thủ từ và công trình kiến trúc trung tâm (miếu). Miếu Duy Hòa được xây dựng theo kiến trúc kiểu “chữ Đinh” gồm 2 tòa Tiền đường và Hậu cung, kiến trúc tường hồi bít đốc. Toà Tiền đường gồm 03 gian, 2 chái. Gian chính giữa rộng nhất, là nơi đặt ban thờ công đồng, hai gian áp đốc được xây lồi về phía trước hiên theo lối kiến trúc nhà tuyền thống ở Bắc Bộ, cũng là nơi đặt các đồ khí tự như kiệu, hệ thống bát bửu, giá chiêng, giá trống, nơi sắm lễ của nhân dân. Toàn bộ mặt trước của tòa Tiền đường được ốp đá xanh, tạo sự vững chãi và bề thế cho di tích. Toà Hậu cung gồm 2 gian chạy dọc, chính giữa Hậu cung đặt khám thờ, bên trong có tượng Hải Tề Long Vương.
Di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ tự, được nhân dân gìn giữ, trân quý như: ngai thờ, bài vị, bát hương, lư hương...Đặc biệt là 02 đạo sắc phong thời Nguyễn: Sắc phong ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917); Sắc phong ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924); 02 bia đá do Khoá sinh Vũ Văn Khanh là người trong ấp Duy Hòa khắc năm Bảo Đại Thứ 10 (1935).
Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hoá như lễ Mở mặt trống (mùng 3 tháng Giêng), lễ Đầu năm (mùng 10 tháng Giêng), lễ hội (15 tháng Hai), giỗ Quốc Tổ (Rằm tháng Tám), lễ Mộc dục (ngày 15 tháng Chạp).
10. Miếu Hàm Ân, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn
Miếu Hàm Ân hiện nay tọa lạc ở địa phận xóm 10, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Di tích là nơi thờ cúng, tưởng niệm vị thần Hải Tề Long Vương. Theo truyền lại, vị thần Hải Tề Long Vương ở miếu Hàm Ân hiện nay được rước chân hương từ đền thôn Đỗ, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (di tích xếp hạng cấp Quốc gia năm 1996).
Miếu Hàm Ân, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn
Miếu ban đầu xây dựng ở đầu thôn Hàm Ân (hiện nay thuộc địa phận xóm 8, xã Ân Hòa), cách miếu Hàm Ân hiện nay khoảng 3.5km về phía Bắc, là miếu chung của ba ấp Chí Tĩnh, Duy Hoà, Khiết Kỷ và giáp Hàm Ân, huyện Kim Sơn. Năm Thành Thái thứ 17 (1905) nhân dân xây dựng ngôi miếu mới ở giữa thôn Hàm Ân, hiện nay là vị trí chùa Hàm Ân, rước bát hương, sắc phong, lập bài vị Hải Tề Long Vương để thờ phụng. Lúc này di tích có kiến trúc chữ Đinh, gồm 3 gian Tiền đường, 2 gian Hậu cung chạy dọc, mái lợp ngói vảy. Khoảng những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX thì nhân dân tiếp tục vượt đất, tôn nền, di chuyển miếu Hàm Ân sang vị trí hiện tại (phía Tây chùa Hầm Ân).
Miếu Hàm Ân được xây dựng theo kiến trúc kiểu “Tiền Nhất hậu Đinh” gồm 3 tòa: Tiền đường, Trung đường và Hậu cung, kiến trúc tường hồi bít đốc. Tiền đường gồm 03 gian, là công trình kiến trúc gốc thời Nguyễn, được tu bổ, tôn tạo năm 2010.
Di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ tự có giá trị lịch sử, văn hóa như: khám thờ, ngai thờ, mũ thờ, bài vị, bát hương, lư hương…Đặc biệt là 06 đạo sắc phong thời Nguyễn, sắc phong sớm nhất là sắc niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), sắc phong muộn nhất là sắc niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Nội dung các sắc phong chuẩn cho thôn xã thờ phụng thần Hải Tề Long Vương, tri ân công đức và gia tặng mỹ tự cho vị thần Hải Tề Long Vương.
Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hoá như lễ Đầu năm (mùng 10 tháng Giêng), tế Yến Lão (14 tháng Giêng), giỗ Thành hoàng (20 tháng Tám), lễ Mộc dục (ngày 23 tháng Chạp).
Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành bàn giao bằng xếp hạng và hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cho UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn có di tích được xếp hạng, Ban Khánh tiết các di tích xếp hạng năm 2023. Đồng thời hướng dẫn chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, tuân thủ chặt chẽ các quy định liên quan.
Bàn giao Bằng xếp hạng và hồ sơ khoa học di tích xếp hạng cấp tỉnh năm 2023
Việc xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa nêu trên là dấu mốc quan trọng, là cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài, bền vững, để các cấp chính quyền và nhân dân tự hào về lịch sử văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn phát huy giá trị của di tích cho các thế hệ mai sau.
Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Bài viết khác
- Cần chính xác trong cách hiểu về di sản văn hóa phi vật thể
- Những giá trị nổi bật của Bảo vật quốc gia – Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh ở Bảo tàng Ninh Bình
- DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG “NGHỀ CÓI KIM SƠN”
- NINH BÌNH CÓ THÊM 02 DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
- LỄ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH ĐÌNH VÀ PHỦ LÀNG YÊN SƯ, XÃ YÊN NHÂN, HUYỆN YÊN MÔ, TỈNH NINH BÌNH