Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

LỄ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH ĐÌNH VÀ PHỦ LÀNG YÊN SƯ, XÃ YÊN NHÂN, HUYỆN YÊN MÔ, TỈNH NINH BÌNH

19/04/2024

Sáng ngày 11/4/2024, tại di tích Đình và Phủ làng Yên Sư, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã Yên Nhân phối hợp cùng Ban Khánh tiết di tích tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và khai mạc Lễ hội truyền thống Đình và Phủ làng Yên Sư, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Đ/c Bùi Mai Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao bằng xếp hạng di tích

Đến dự lễ đón bằng có đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo huyện Yên Mô; Lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN xã Yên Nhân, các tổ chức chính trị xã hội cùng đông đảo nhân dân trong xã, con em xa quê và du khách thập phương.

Tại buổi lễ, các đại biểu và nhân dân được ôn lại truyền thống lịch sử của vùng đất, tìm hiểu về các nhân vật được thờ cúng tại di tích cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử, những đóng góp của di tích qua các thời kỳ lịch sử.

Di tích Đình và Phủ làng Yên Sư, xã Yên Nhân, huyện Yên Nhân, tỉnh Ninh Bình

Đình làng Yên Sư thờ Câu Mang Đại vương, thần Hậu thổ, các Thủy tổ 13 cửa họ làng Yên Sư, các vị Hậu, các Mẹ Việt Nam Anh hùng và Liệt sỹ. Câu Mang Hoàng đế là vị thần huyền thoại thời Hùng Vương, có công trạng và thần tích liên quan đến vùng sông nước, và được nhiều làng, xã lập đền thờ phụng làm Thành hoàng làng. Phủ làng Yên Sư thờ Tứ vị Thánh nương, Tam vị Thánh Mẫu và các vị thánh thuộc hệ thống tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ. Tứ vị Thánh nương được thờ ở nhiều nơi của nước ta, với tư cách là vị Thần biển bảo hộ cho cư dân miền biển. Vùng đất có di tích xưa kia ban đầu là dải đất bồi hoang sơ gần cửa biển Thần Phù, nhân dân từ nơi xa đến khai phá gặp muôn vàn khó khăn. Do đó, lưu dân đã phụng thờ thần Câu Mang, Tứ vị Thánh nương (những người có nhiều công tích liên quan đến việc trị thủy) với tư cách là Thủy thần bảo trợ; bởi theo họ, thần có thể giúp cho mưa thuận gió hòa, giúp cho cuộc sống ngày một ổn định, thịnh vượng.

Toàn cảnh không gian thờ cúng tại di tích Phủ làng Yên Sư

Đình và Phủ làng Yên Sư nằm trong không gian văn hóa làng quê truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Di tích nằm giữa khu dân cư nhưng thoáng đãng và trang nghiêm. Phía trước có hồ nước rộng làm minh đường, xung quanh trồng các loại cây xanh, là nơi tụ thủy, lưu phúc. Di tích có hai cổng dẫn vào ở phía Nam và phía Đông. Cổng được xây dựng  kiểu nghi môn tứ trụ, chính giữa tạo bức bình phong trang trí chữ thọ, ngăn cách với đường giao thông phía trước. Không gian của khu di tích gồm Đình, phủ Mẫu, sân vườn, các công trình kiến trúc phụ. Theo gia phả các tộc họ ở làng Yên Sư thì đình làng có từ thời nhà Lê, lúc đầu làm bằng tranh nứa (nhân dân gọi là miếu Tây) làm nơi thờ Câu Mang Đại Vương và Tứ vị Thánh nương. Sau này khi các dòng họ phát triển, đất đai được mở rộng, năm Gia Long thứ 2 (1803) nhân dân tu bổ, xây dựng lại bằng gỗ rất khang trang, phủ được xây dựng bằng gỗ từ năm 1908. Trải qua nhiều thế kỷ, với sự tác động của thời tiết, con người, sự tàn phá của chiến tranh, di tích đã bị xuống cấp, nhưng với sự nỗ lực kịp thời của chính quyền và nhân dân địa phương di tích đã được xây dựng lại và trùng tu, tôn tạo nhiều lần, di tích hiện nay mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Hàng năm nhân dân làng Yên Sư tổ chức lễ Khai hạ (hay còn gọi là tế ra ngõ) và ngày sinh đức Câu Mang Đại vương vào ngày 7 tháng Giêng tại Đình làng Yên Sư. Đây là ngày lễ lớn trong năm tại di tích, sau lễ con em trong làng mới bắt đầu công việc năm mới. Hội làng Yên Sư được tổ chức hàng năm, diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 6 tháng 3, giỗ Mẫu Liễu Hạnh (ngày 3/3) và giỗ Tứ vị Thánh nương (ngày 6/3). Hiện nay tại di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: Tượng thờ, bát hương, sắc phong của triều Hậu Lê và Nguyễn còn nguyên vẹn, long ngai, bài vị và các đồ thờ tự bằng đồng, sứ là bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa.

Không gian thờ cúng tại di tích Đình làng Yên Sư

Sau khi lễ đón bằng kết thúc, các đại biểu và nhân dân dâng hương tại di tích và tham dự lễ hội. Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình và Phủ làng Yên Sư thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong làng, trong vùng và du khách, trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân làng Yên Sư  nói riêng và xã Yên Nhân nói chung.

 

Nguyễn Thị Bích Đào

Phòng Quản lý Di sản văn hóa