Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH ĐỀN TIÊN DƯƠNG

22/03/2024

Sáng ngày 17/03/2024, tại đền Tiên Dương thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với đền Tiên Dương.

Về dự lễ đón nhận có Đồng chí Nguyễn Xuân Trường – Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao; Đồng chí An Đôn Nghĩa – Phó Chủ tịch ỦBND huyện Yên Mô; Đồng chí Nguyễn Xuân Bính – Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Yên Mô; các đại biểu UBND xã, thôn cùng đông đảo bà con nhân dân xã Yên Thành về tham dự.

Các đại biểu về tham dự lễ đón nhận bằng công nhận di tích

Đền Tiên Dương là nơi thờ cúng, tưởng niệm: Tam vị Ngọ Đại vương, Thượng tướng Trần Khát Chân, Trấn định Tĩnh mục Quảng hậu Đôn ngưng Bản thổ chi thần, Đình ngang Thuần hỗ Anh thanh Đại vương và Dực bảo Trung hưng Linh phù Quan phục Dương hiệp Vĩ liệt Anh thanh Tôn thần.

Về kiến trúc đền Tiên Dương được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ Đinh, gồm hai tòa Tiền bái và Hậu cung. Giữa hai tòa cách nhau một khoảng sân trong rộng tạo khoảng lấy sáng và thông gió, làm cho không gian đền thêm thoáng đãng, sáng sủa. Tòa Hậu cung do xuống cấp nghiêm trọng, mới được tu bổ lại bằng vật liệu bê tông cốt thép; toà Tiền bái vẫn giữ được gần nguyên vẹn kiến trúc gỗ cổ truyền. Hai bên khoảng sân trong có hai hành lang dạng bán mái, kết cấu mái bằng gỗ, lợp ngói mũi hài cổ.

Mặt tiền của di tích đền Tiên Dương

Sắc phong sớm nhất còn lưu giữ tại di tích có niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 4 (1796), cùng hiện vật mang phong cách thuật thời Hậu Lê tại di tích, có thể cho rằng di tích có từ Lê Trung Hưng, thế kỷ XVIII. Các bậc cao niên trong thôn cho biết, đền được xây dựng lại dưới thời Nguyễn, từ năm 1843 đến năm 1847 hoàn thành, đồng thời trải qua một số lần tu bổ khác. Thượng lương của tòa Tiền bái cũng ghi rõ tháng 11 năm Canh Dần hoàng triều Thành Thái dựng thượng lương (1890). Các kiến trúc tòa Tiền bái và hành lang hiện còn tại di tích có niên đại vào thời Nguyễn.

Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội chính sau (tính theo âm lịch):

- Lễ khai xuân (07 tháng Giêng)

- Lễ Giỗ Thánh (ngày 24 tháng 4)

- Lễ kỷ niệm ngày sinh của Thánh (ngày 14 tháng 11)

Các ngày lễ đều có các nghi lễ giống như nhau:

+ phần tế: Tế nữ quan, dâng hương, dâng lễ vật

+ phần hội: Văn nghệ, trò chơi dân gian, thụ lộc

Ngoài các lễ chính như trên, vào ngày rằm, mùng một hàng tháng, các lễ tiết trong năm, nhân dân đều đến thắp hương tại di tích.

 Hoạt động rước kiệu tại di tích đền Tiên Dương

Nhân dân thắp hương tại di tích

Hiện nay đền Tiên Dương còn lưu giữ được nhiều hiện vật thuộc loại hình và chất liệu khác nhau, có giá trị lịch sử và văn hóa cao. Tiêu biểu là 09 đạo sắc phong thời Tây Sơn (01 đạo) và Nguyễn (08 đạo). Các đạo sắc được làm bằng giấy dó, có kích thước dài 130cm, rộng 51cm. Trên các đạo sắc phong ngoài chữ Hán còn in hình rồng, vân mây, bốn góc tạo hình bốn ô, vẽ đề tài tứ linh, diềm sắc vẽ cẩn quy. Trên mỗi đạo sắc tại phần lạc khoản đóng dấu ấn của vua trong khung hình vuông với bốn chữ Hán “Sắc mệnh chi bảo” kiểu chữ triện.

Một số sắc phong còn lưu giữ tại di tích

Đền Tiên Dương được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã làm phong phú thêm hệ thống cơ sở thờ sự được công nhận tại xã Yên Thành nói chung và huyện Yên Mô nói riêng. Làm giàu đẹp thêm tín ngưỡng thờ cúng các vị thần có công với dân với nước của dân ta, đây là truyền thống có từ xa xửa và được truyền lại qua nhiều đời cho tới nay. Chính quyền và nhân dân xã Yên Thành tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vốn có tại đền Tiên Dương.

Lễ đón nhận có sự tham dự của đông đảo các vị đại biểu và nhân dân

 

Phòng Quản lý Di sản văn hóa

Sở Văn hóa và Thể thao