Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

MỘT SỐ CHÙA LIÊN QUAN TỚI TRIỀU ĐINH- TIỀN LÊ Ở CỐ ĐÔ HOA LƯ

23/04/2020
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 5 điểm ( 1 đánh giá )

    Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu công nguyên, theo 2 con đường Ấn Độ và Trung Quốc. Đến cuối thời Bắc thuộc, Phật giáo đã lan rộng khắp mọi miền đất nước. Phật giáo với đạo lý bình dị, dễ hiểu và phù hợp với tâm lý người Việt, nên nhanh chóng được đa số quần chúng tiếp nhận và trở thành một sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống người Việt. Một đặc điểm nổi bật của Phật giáo Việt Nam là luôn đồng hành cùng dân tộc, “Lực lượng Phật giáo đã đóng một vai trò có ý nghĩa trong cuộc vận động giải phóng đất nước vào cuối thời kỳ Bắc thuộc, chính nhờ đó từ thế kỷ thứ X, sau khi nền độc lập dân tộc được khôi phục, Phật giáo đã được tiếp tục phát triển mạnh mẽ.”1

    Đến thế kỷ thứ X nổi trội trong đời sống tâm linh người Việt vẫn là tín ngưỡng dân gian hòa trộn với những tôn giáo có nguồn gốc từ nền văn minh Nam Á như Phật Giáo. “ Phật giáo dân gian Luy Lâu, các thiền phái Ti Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông truyền bá rộng rãi trong các tầng lớp xã hội đã có ảnh hưởng lớn trong đời sống người Việt. Điều căn bản là Phật Giáo khi vào Việt Nam (cũng như phần lớn các nước Đông Nam Á) đã gặp một môi trường thuận lợi. Các nhà truyền giáo đã khéo léo lợi dụng những yếu tố tín ngưỡng cổ truyền của mảnh đất này để truyền bá đạo Phật, tạo ra sự giao lưu văn hóa dân gian mà hầu như không có một sự chống đối nào.”2

    Khi đất nước đã độc lập, cũng là lúc Phật giáo khẳng định về vai trò xã hội của mình. Nhà nước Đại Cồ Việt lại đang cần thêm một điểm tựa về ý thức hệ, một công cụ tinh thần để xây dựng và quản lý đất nước.

    Với sự sùng mộ đạo Phật, bấy giờ triều đình Hoa Lư đã xây dựng nhiều ngôi chùa phục vụ cho việc tu hành và hoằng dương Phật pháp. Dấu tích của các ngôi chùa ở Hoa Lư thế kỷ X còn có thể thấy tại một số di tích sau:

    Chùa Nhất Trụ: Hiện chùa không còn giữ được dấu vết kiến trúc cổ. Nhưng thạch trụ khắc kinh Lăng nghiêm tạo dựng năm 995 đời vua Lê Đại Hành, được coi là thạch kinh cổ nhất Việt Nam. Với những nét độc đáo, thạch kinh chùa Nhất Trụ đã minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ đạo Phật; là minh chứng sinh động cho nền nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam; thể hiện sự khéo léo trong nghệ thuật trang trí, chạm khắc trên đá, nghệ thuật chế tác của cha ông thời bấy giờ.

    Chùa Bàn Long: Nằm trong núi Đại Tượng, thôn Khê Đầu. Bia Ma nhai trên vách núi khắc vào thời Nguyên Hòa (vua Lê Trang Tông 1533-1548) ghi: “Từ thành cổ Hoa Lư men theo núi đá mà đi về phía Nam đến làng Khê Đầu ở đó có chùa Bàn Long. Đây là danh thắng từ ngàn xưa. Trải các triều Đinh - Lê - Lý - Trần chùa càng thêm nổi tiếng”.. "Bàn Long" là bệ rồng - bệ đá rồng ngồi.

    Chùa Hoa Sơn: Ở độ cao gần 70 mét, thuộc địa bàn xã Ninh Hòa. Tương truyền động Hoa Sơn là nơi nuôi ấu chúa nhà Đinh. Tên trước của động là chùa Bà Đẻ, sau vua Tự Đức đến thăm đã đặt lại tên động là Hoa Sơn. Trong chùa có hai pho tượng Hậu, tương truyền là người nuôi dưỡng ấu chúa. 

    Chùa Thiên Tôn: Vốn là ngôi quán đạo thờ thần Trấn Vũ. Chùa còn lưu giữ nhiều văn bia cổ, trong đó có bia Ma nhai trên vách núi khắc năm Long Khánh thứ 3 (1375) thời vua Trần Duệ Tông. Với giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh, năm 1962, quần thể di tích chùa và động Thiên Tôn đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử tâm linh cấp quốc gia.

    Chùa Tháp: Có tên gọi chùa Tháp vì có tháp Báo Thiên thời Đinh-Lê. Qua khai quật khảo cổ chỉ còn thấy nền cũ của di tích ở ven sông Hoàng Long. Trong số đá tảng chân cột, có viên hình vuông với cạnh đối 1,06m, vòng tròn kê cột có đường kính 0,68m. Có thể kiến trúc chùa xưa rất lớn.

    Chùa Nhội (Trung Anh tự): Nằm ở chân núi Đông Lâm, ở đây vẫn lưu truyền câu ca: Lắm ma chùa Nhội, lắm tội chùa Hang, lắm vàng chùa Tháp.

    Chùa Hang (Chùa Am Tiên, chùa Tĩnh Giới): Cửa động Am Tiên, trên vách núi có đại tự viết dọc giống như lối viết câu đối: Chu Ma Sơn Áng - Đại Quang Thánh Nham. Không có niên đại, nhưng căn cứ vào tự dạng, có khả năng được khắc cùng niên đại với văn bia Trinh Phù (1180) ở cửa động bên hữu. Bên tả ngay ngoài cửa động có văn bia tạc năm Tự Đức thứ 32; nội dung bia đá có đoạn cho biết: Hội tập phúc tôn sửa lại động Am Tiên, tô tượng Đại Quang Thánh, bên phải tô tượng Quốc pháp thiền sư Nguyễn Minh.

    Chùa Cổ Am (chùa Đìa – lấy địa danh núi đặt tên chùa): Nằm ở phía đông nam núi Đìa, thuộc thôn Bắc. Cùng với chùa Hang, đây là hai chùa cổ thời Đinh-Lê xây dựng theo kiểu động chùa, tựa lưng vào núi.

    Chùa Bà Ngô:  Đại tự của chùa (đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh) đề: Bà Sa Tự  (婆娑寺) Bà Sa có nghĩa là múa may, là dáng múa lòa xòa, dáng đi lật đật, xênh xang, nhún nhảy. Chữ Sa còn có nghĩa chỉ cõi Sa bà (svaha), tức cõi nhiều khổ não. Có thể chùa Bà Ngô ở thế kỷ thứ X chính là nơi tiến hành nghi thức sám hối, rửa sạch mọi tội lỗi nghiệp chướng trần gian. là một trong những trung tâm Phật giáo cung đình Hoa Lư. Văn bia “Hưng phúc hương tam hội bi ký” dựng ở chùa Bà Ngô, thời Nguyễn 1877 cho biết: "Chùa Bà Ngô trong ấp ta là một danh lam của đô cũ Đại Việt trước. Vốn là một danh thắng nhưng do thế đại chuyển dời, phong quang thay đổi, am ngọc quạnh quẽ dưới ánh dương tà, chùa báu điêu tàn trơ trọi trong ánh trăng đêm". Nằm cạnh chùa còn vết tích Lăng Sâu Da, hiện chỉ là một cái bệ thờ lộ thiên.

    Trong lịch sử phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước, mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh bất khuất, mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Hoa Lư đã từng là trung tâm phát triển Phật giáo của quốc gia Đại Cồ Việt. Tiền nhân đã đổ bao tâm huyết mới có thể tạo ra các ngôi chùa tồn tại qua hàng ngàn năm. Trải bao thăng trầm của lịch sử và thiên tai khắc nghiệt; ngày nay đại đa số chùa cổ liên quan tới 2 triều Đinh Lê ở cố đô Hoa Lư nằm trong địa bàn dân cư sinh sống, đều trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp.

    Vì vậy,  tích cực - chủ động trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các ngôi chùa trên không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử. 

    Thiết nghĩ cần có chiến lược dài hơi để tiếp tục khảo sát, điều tra bổ sung tư liệu, làm rõ thêm giá trị các ngôi chùa cổ liên quan đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt tại khu vực cố đô Hoa Lư, và các sinh hoạt văn hóa tinh thần tại đây.

    Hiện tại, công tác bảo tồn, nhu cầu bảo tồn là rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, việc thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi chùa cổ là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, cũng như hiểu biết về ý nghĩa, giá trị của các di tích trên tạo tiền đề để huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư trong bảo tồn, phát huy giá trị. Từ chỗ hiểu được giá trị của di tích, các hoạt động của cộng đồng sẽ không làm tổn hại đến di tích đồng thời mỗi cá nhân trong cộng đồng, tùy vào điều  kiện của bản thân, có thể tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, góp phần làm rõ thêm giá trị di sản văn hóa thời Đinh – Tiền Lê, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người cố đô Hoa Lư trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

                                                             Nguyễn Thị Kim Cúc

TT Bảo tồn DTLSVH Cố đô Hoa Lư

 

Chú thích:

  1. Hà Văn Tấn – Phật Giáo và ảnh hưởng ở Việt Nam. Tạp chí Xã hội học, số 4 năm 1989.
  2. Phan Đại Doãn – Phật giáo thời Đinh – Lê. Thế kỷ X – Những vấn đề lịch sử. NXB Khoa học xã hội, năm 1984, trang 269.

 

Cột kinh chùa Nhất Trụ

Chùa và động Thiên Tôn