Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

DI TÍCH THỜ CÚNG ĐỨC THÁNH NGUYỄN – THIỀN SƯ NGUYỄN MINH KHÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

03/02/2020

Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, với bề dày lịch sử, Ninh Bình đã bằng những giá trị văn hóa mà tự khẳng định là một vùng đất “ngàn năm văn vật”. Người Ninh Bình luôn giữ trong tiềm thức niềm tự hào về nét đẹp truyền thống để từ đó mà ứng xử. Và trong niềm tự hào chung đó, câu nói “Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh Thánh” luôn tồn tại trong tâm thức người Ninh Bình về một vùng địa linh, nơi sinh ra bậc đế vương mở nền chính thống cho nước Việt – Đinh Tiên Hoàng Đế và vị thiền sư mà cuộc đời đã trở thành huyền thoại, được tôn thờ như một vị Thánh – Đức Thánh Nguyễn, thiền sư Nguyễn Minh Không. Tâm thế của con người luôn hướng về tương lai, nhưng tương lai lại được định hình bằng quá khứ. Người ta tìm về quá khứ để thấy ông cha, tiền nhân và bản ngã văn hóa của cộng đồng. Nhưng ông cha chỉ là những kiếp người đã qua, chỉ còn trong tâm tưởng, để rồi bị suy diễn bởi tư duy của mỗi con người. Lần giở những trang sách, bóng dáng ông cha khi mờ khi tỏ, bị bao phủ bởi làn sương khói của những huyền thoại dân gian. Bởi vậy, có lẽ rõ ràng nhất, là bước vào cuộc “hành hương tìm về quá khứ” qua những chứng tích vật chất hiện còn, các di tích lịch sử - văn hóa.

Từ trước tới nay, khi nghiên cứu về các vị thiền sư thời Lý, các nhà nghiên cứu thường chia thành hai quan điểm khác nhau về hai vị Thiền sư Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Nhiều người cho rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai vị thiền sư khác nhau, những người khác lại cho rằng đó chỉ là các danh xưng khác nhau của chỉ một người. Tuy nhiên, trong tâm thức dân gian của người dân Ninh Bình, luôn tôn sùng, thờ cúng một vị thánh, Đức Thánh Nguyễn, sinh quán ở làng Điềm Xá, phủ Trường Yên, nay là hai xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, ngài có pháp lực vô biên với nhiều huyền thoại kỳ bí như khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt kim chữa bệnh cho vua Lý, dời non khơi dòng… Trong dòng tâm thức tín ngưỡng dân gian đó, hiện nay trên vùng đất Ninh Bình có rất nhiều nơi thờ ngài, nhiều địa danh ở Ninh Bình gắn với sự tích về ngài như Kẽm Đó, Kênh Gà, Sinh Dược…

Qua khảo sát, kiểm kê hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho thấy, hiện nay toàn tỉnh có 24 di tích thờ cúng Đức Thánh Nguyễn – thiền sư Nguyễn Minh Không, gồm nhiều loại hình (chùa, đình làng, đền, miếu), trong đó có 17 di tích đã xếp hạng, gồm 07 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 10 di tích xếp hạng cấp tỉnh, nhiều di tích có giá trị nổi bật cả về giá trị, quy mô như Đền thờ Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn), chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn), động Hoa Lư (xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn), chùa Địch Lộng (xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn)…

Bảng 1: Tổng hợp các di tích thờ cúng

Thiền sư Nguyễn Minh Khôngtrên địa bàn tỉnh Ninh Bình

 

Gia Viễn

Nho Quan

Hoa Lư

Yên Mô

Tổng

Đình

7

1

0

0

8

Chùa

3

1

2

0

6

Đền

6

0

1

0

7

Miếu

1

1

0

1

3

Tổng

17

3

3

1

24

         

Qua bảng tổng hợp trên, có thể thấy mật độ phân bố các di tích thờ phụng Thánh Nguyễn – thiền sư Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình có sự khác biệt rõ rệt. Nổi bật là vùng đất huyện Gia Viễn, nơi được cho là quê hương của đức Thánh Nguyễn, có đến 17 di tích thờ ngài (chiếm 70% số di tích thờ đức Thánh Nguyễn trên địa bàn tỉnh). Ngay trong địa bàn huyện Gia Viễn, các di tích thờ ngài tập trung tại các vùng phía Tây Nam huyện, ven sông Bôi (sông Hoàng Long) là chủ yếu.

    Xem xét bản đồ phân bố các di tích thờ cúng thiền sư Nguyễn Minh Không trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ngoại trừ một di tích thờ cúng ở huyện Yên Mô có niên đại khá muộn (miếu Trung làng Bồ Vi, thị trấn Yên Thịnh), thì tất cả các di tích còn lại đều tập trung ven sông Hoàng Long (với hai chi lưu là sông Bôi và sông Lạng), sông Đáy. Về phương diện văn hóa, đây chính là vùng đất quê hương và là nơi tu hành của ngài. Điều này nói lên tính chất quan trọng của các dòng sông, vừa là vùng sinh dưỡng, vừa dòng chảy văn hóa chủ yếu, đặc biệt là vai trò của sông Hoàng Long và sông Đáy, xa hơn là sông Hồng đối với sự nghiệp của thiền sư Nguyễn Minh Không.

    Hệ thống các di tích thờ cúng đức Thánh Nguyễn – thiền sư Nguyễn Minh Không trên địa bàn tỉnh Ninh Bình khá đa dạng về loại hình, trong đó có những cụm di tích có cả đình – đền – chùa như Điềm Xá (Gia Thắng, Gia Tiến huyện Gia Viễn), đình – chùa – nghè Liên Huy (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn), chùa và động Địch Lộng (xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn)… Cụ thể các di tích theo từng loại hình như sau:

Bảng 2: Danh mục các ngôi chùa thờ đức Thánh Nguyễn

Stt

Tên di tích

Địa chỉ

Nơi thờ

Thánh Nguyễn

1

Chùa và động Địch Lộng

Gia Thanh, Gia Viễn

Thờ ở đình

2

Chùa Bái Đính

Gia Sinh, Gia Viễn

Có đền thờ

3

Chùa Lạc Khoái

Xã Gia Lạc, Gia Viễn

Có miếu thờ

4

Chùa Nhội

(Trung Oanh Tự)

Xã Trường Yên, Hoa Lư

 

5

Chùa và động Am Tiên

Xã Trường Yên, Hoa Lư

 

6

Chùa Liêm Thượng

(Thiên Hương tự)

Xã Xích Thổ, Nho Quan

Phối thờ ở Tiền đường

 

Bảng 3: Danh mục các ngôi đền thờ đức Thánh Nguyễn

Stt

Tên di tích

Địa chỉ

Vai trò

Thờ chính

Phối thờ

1

Đền Thánh Nguyễn

Xã Gia Thắng và Gia Tiến, Gia Viễn

x

 

2

Đền núi Kiếm Lĩnh

Gia Tiến, Gia Viễn

 

x

3

Đền Cửa Sông

(Nghè Liên Huy)

Gia Thịnh, Gia Viễn

x

 

4

Đền Kênh Gà

Gia Thịnh, Gia Viễn

x

 

5

Đền Thánh Nguyễn

(Đền Chợ)

Gia Sinh, Gia Viễn

x

 

6

Động Hoa Lư

Xã Gia Hưng, Gia Viễn

x

 

7

Đền Thượng

Xã Ninh Xuân, Hoa Lư

x

 

Bảng 4: Danh mục các ngôi đình thờ Thánh Nguyễn

Stt

Tên di tích

Địa chỉ

Vai trò

Thờ chính

Phối thờ

1

Đình Nam Phúc

Gia Trấn, Gia Viễn

 

x

2

Đình Kẽm Chè

Gia Hòa, Gia Viễn

x

 

3

Đình làng Chỉnh Đốn

Gia Minh, Gia Viễn

 

x

4

Đình Đồi Ngô Đồng

Gia Phú, Gia Viễn

x

 

5

Đình làng Kính Chúc

Gia Phú, Gia Viễn

x

 

6

Đình Thượng Ngô Đồng

Xã Gia Phú, Gia Viễn

x

 

7

Đình Trai

Gia Hưng, Gia Viễn

x

 

8

Đình làng Ngọc Nhị

Gia Thủy, Nho Quan

x

 

 

Bảng 4: Danh mục các ngôi miếu thờ Thánh Nguyễn

Stt

Tên di tích

Địa chỉ

Nhân vật thờ

Thờ chính

Phối thờ

1

Miếu Làng

Gia Phú, Gia Viễn

x

 

2

Miếu thờ Đức thánh Nguyễn

Thanh Lạc, Nho Quan

x

 

3

Miếu Trung Làng Bồ Vy

TTr Yên Thịnh, Yên Mô

x

 

 

Qua tìm hiểu các di tích thờ cúng đức Thánh Nguyễn – thiền sư Nguyễn Minh Không có thể nhìn nhận vai trò của ngài trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong vùng. Ngoài các ngôi chùa có thờ ngài, tại các ngôi đền, đình, miếu có liên quan, đại đa số ngài là nhân vật thờ tự chính (thờ một mình hoặc cùng các nhân vật thờ cúng khác). Điều đó cho thấy vai trò tâm linh quan trọng của đức Thánh Nguyễn trong đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng.

Là một thiền sư có vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, thiền sư Nguyễn Minh Không được thờ tự tại nhiều ngôi chùa trên đất Ninh Bình. Một số tài liệu cho biết, trong quá trình tu hành, ngài đã tạo dựng đến 500 ngôi chùa. Đó có thể là một cách nói thậm xưng, nhưng cũng nói lên vai trò của thiền sư Nguyễn Minh Không trong việc mở mang cảnh chùa, tạo chốn thờ Phật ở nhiều nơi, trong đó có vùng đất quê hương ngài. Hầu hết các chùa thờ đức Thánh Nguyễn – thiền sư Nguyễn Minh Không trên đất Ninh Bình thờ ngài với tư cách người khởi dựng ngôi chùa (chùa Bái Đính, chùa Lạc Khoái, chùa động Am Tiên, chùa động Địch Lộng). Ngay đền Đức Thánh Nguyễn (xã Gia Tiến, Gia Thắng, huyện Gia Viễn) cũng được cho là xây dựng trên nền ngôi chùa Viên Quang do thiền sư Nguyễn Minh Không khởi lập từ thời Lý. Bởi vậy, ở các chùa liên quan, hầu hết có nơi thờ thiền sư Nguyễn Minh Không riêng (đền thờ ở chùa Bái Đính, miếu thờ ở chùa Lạc Khoái, đình ở chùa Địch Lộng) hoặc có ban thờ ngài ngay trong chùa (chùa động Am Tiên, chùa Liêm Thượng… )

          Ở các ngôi đền, miếu, thiền sư Nguyễn Minh Không được người dân thờ tự với tư cách một vị thánh – đức Thánh Nguyễn. Các đạo sắc phong còn lưu giữ tại các di tích này đều tôn xưng ngài với các tôn hiệu “Thượng đẳng thần”, “tôn thần”, “chi thần”. Là vị quốc sư triều Lý, nhưng những truyền thuyết, huyền thoại còn lưu truyền về thiền sư Nguyễn Minh Không mang nhiều màu sắc kỳ bí, với những phép thuật cao siêu, rất gần gũi với tâm thức dân gian của người Việt. Người dân thờ ngài, tôn ngài là bậc Thánh, với ước nguyện cầu mong với pháp lực siêu nhiên của ngài, phù trợ cho nhân dân cuộc sống yên ấm, trừ tai diệt họa, mưa thuận gió hòa. Đền Thánh Nguyễn ở Điềm Giang – Điềm Xá quê ngài từ lâu đã nổi tiếng là nơi linh thiêng, cầu đảo linh nghiệm (truyền thuyết cho rằng Thái úy Tô Hiến Thành thời Lý là con cầu tự tại đền). Nghè Liên Huy (xã Gia Thịnh), còn gọi là Đền Cửa Ông, nằm phía đông chùa Đại Bi, mặt quay hướng đông nhìn ra ngã ba sông Hoàng Long, còn giữ được nhiều nét kiến trúc và mảng chạm khắc hoa văn thời Lê, từ lâu vẫn có tiếng là linh ứng. Động Hoa Lư, còn gọi là Thung Ông, vì nơi đây vốn thờ tự đức Thánh Nguyễn Minh Không. Đền Thượng (Ninh Xuân, Hoa Lư) tương truyền có từ thời Lý, khi nhân dân chọn được khu đất dựng đền thờ Thánh Nguyễn thì tự nhiên có bè gỗ lim trôi dạt vào vị trí di tích ngày nay, nhân dân dùng bè gỗ đó để dựng đền. Miếu Trung làng Bồ Vi (thị trấn Yên Thịnh, Yên Mô), được dựng trên vùng đất vốn được khai mở từ thời vua Lê Thánh Tông, do đây là vùng đất dữ, nhân dân trong làng hay gặp phải hạn lớn như mất mùa, dịch bệnh, gia súc, gia cầm chết hàng loạt..., nhân dân nơi đây xây dựng miếu Trung thờ đức Thánh Nguyễn Minh Không, với ước muốn ngài phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân an cư lạc nghiệp…, nhân dân trong làng có người ốm đau, gia súc gia cầm ốm đến đây xin dấu về đều có tác dụng.

Ở các đình làng, người dân thờ thiền sư Nguyễn Minh Không với tư cách một vị thánh bảo trợ, cũng có khi như thành hoàng làng. Ở đình Đồi thôn Ngô Đồng, ngài được thờ tự với tư cách một vị thành hoàng làng. Theo truyền lại thì đất Ngô Đồng xưa thuộc đất phát tích của Thánh Nguyễn, người dân đã xây dựng đình thờ Thánh tại mảnh đất cạnh sông Hoàng Long. Trong một số trường hợp, ngài được thờ tại các ngôi đình cùng vị Thành hoàng làng đã được thờ trước đó, như di tích đình làng Chỉnh Đốn (xã Gia Minh, Gia Viễn) thờ thành hoàng Trần Phú Hữu (vị tướng thời Trần), đình làng Nam Phúc (xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn) thờ thành hoàng tôn hiệu Đại quốc Bình thông Tôn thần, miếu Làng (xã Gia Phú, Gia Viễn) thờ Thành hoàng làng là Đức Thánh Hiển…

Trong các di tích thờ cúng đức Thánh Nguyễn – thiền sư Nguyễn Minh Không, ít có di tích thờ riêng mà thường được thờ chung cùng một số nhân vật thờ tự khác. Tại vùng đất Uy Viễn, Liên Huy xưa (đình Trai, đình làng Ngọc Nhị, động Hoa Lư, đình Thượng Ngô Đồng, đình làng Kính Chúc…), ngài  được thờ chung với các nhân vật thời Đinh và Lý như Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Đinh triều Bảo Quang Hoàng thái hậu, Lý Thái Tổ Cao hoàng hậu. Tại vùng đất Điềm Giang, Điềm Xá (xã Gia Thắng, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn), ngài được thờ tự cùng với Thái úy Tô Hiến Thành, với truyền thuyết Tô Hiến Thành được sinh ra nhờ cầu tự ở đền thờ Thánh Nguyễn. Ngoài ra, tại nhiều đình làng, ngài được thờ tự cùng các vị thành hoàng làng, cùng các vị thần khác.

Tìm hiểu các tư liệu Hán Nôm, các bản thần tích, thần phả, bài vị trong các di tích thờ đức Đức Thánh Nguyễn – thiền sư Nguyễn Minh Không, có thể nhận thấy tôn xưng của ngài hầu hết là “Minh Không thiền sư”. Tại đền Thánh Nguyễn hiện còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm, trong đó có hơn 40 bản sắc phong các triều đại, tôn hiệu của ngài được ghi nhận phổ biến là Lý triều Minh Không đại quốc pháp (thiền) sư. Các sắc phong tại đình Trai (xã Gia Hưng, Gia Viễn) và đình Ngọc Nhị (xã Gia Thủy, huyện Gia Viễn) tôn hiệu ngài là Minh Không Đại quốc pháp thiền sư thượng đẳng thần. Tại di tích động Hoa Lư còn bia đá niên hiệu Đức Long thứ hai (1630) triều Lê Thần Tông ghi tôn hiệu của ngài là Quốc pháp Minh không thiền sư đại vương Thượng đẳng thần. Tại đình Đồi thôn Ngô Đồng (xã Gia Phú, huyện Gia Viễn), sắc phong ghi tôn hiệu ngài là Nguyễn Minh Không Đại Quốc pháp thiền sư…

Cùng với các bản thần tích, thần phả còn lưu giữ, tại các di tích thờ cúng thiền sư Nguyễn Minh Không còn tồn tại nhiều truyền thuyết dân gian liên quan đến cuộc đời, hành trạng của ngài. Hầu hết các thần tích, thần phả còn lưu giữ tại các di tích thờ ngài trên địa bàn tỉnh đều cho rằng ngài có tên thật là Nguyễn Chí Thành, con ông Nguyễn Sùng người làng Điềm Giang – Điềm Xá (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) và bà Dương thị người làng Phả Lại (tỉnh Bắc Ninh), được phong là Quốc sư triều Lý. Bên cạnh là vị thiền sư hoằng dương Phật pháp, ngài còn là người tinh thông y thuật, chuyên tâm tìm kiếm các vị thuốc nam để chữa bệnh cứu người. Tại xã Gia Sinh, khu vực chùa Bái Đính cổ còn tồn tại địa danh thôn “Sinh Dược”, thung lũng Sinh Dược tương truyền là nơi tìm kiếm, gây trồng cây thuốc của thiền sư Nguyễn Minh Không. Động Hoa Lư (thung Lau, xã Gia Hưng, Gia Viễn) tương truyền là nơi ông mở lò đúc đồng.

Tại các di tích thờ cùng đức Thánh Nguyễn – thiền sư Nguyễn Minh Không trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó nổi bật là các lễ hội, nghi thức thực hành tín ngưỡng, tôn giáo. Đáng chú ý, hầu hết các di tích thờ chính thiền sư Nguyễn Minh Không, hoặc thờ ngài với tư cách thành hoàng làng đều tổ chức lễ kỵ đức Thánh Nguyễn hoặc lễ hội vào ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch hàng năm (đền Đức Thánh Nguyễn – Gia Thắng, Gia Tiến; đình Kẽm Chè – xã Gia Hòa; miếu Làng, đình thôn Ngô Đồng, đình Kính Chúc – xã Gia Phú; đền Thượng thôn Xuân Áng Ngoại – xã Ninh Xuân, Hoa Lư…). Tại các di tích hiện còn tồn tại một số lễ hội, nghi thức đặc sắc như Hát Kệ ở đền đức Thánh Nguyễn (Gia Thắng, Gia Tiến – Gia Viễn), lễ “tống thuyền rồng” ở chùa Lạc Khoái (xã Gia Lạc, Gia Viễn), lễ hội chọi trâu ở đình Trai (xã Gia Hưng, Gia Viễn), hội Vật truyền thống ở miếu Trung làng Bồ Vi (Khánh Thịnh, Yên Mô)… Ngoại trừ lễ hội chùa Bái Đính và hội đền đức Thánh Nguyễn có quy mô vùng, còn hầu hết lễ hội tại các di tích thờ đức Thánh Nguyễn – thiền sư Nguyễn Minh Không trên địa bàn tỉnh mang tính chất lễ hội làng, không mang tính vùng hoặc liên làng.

Nhìn chung, các di tích thờ cúng thiền sư Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình, bên cạnh là minh chứng vật chất về một nhân vật văn hóa – lịch sử quê hương Ninh Bình có ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử, văn hóa của đất nước, còn thể hiện sự ghi nhớ công lao của nhân dân đối với “vị anh hùng văn hóa”, với y thuật cứu người, đem Phật pháp giáo hóa chúng sinh, dùng phép thuật dời non lấp bể tạo dựng cuộc sống thuận lợi cho người dân. Đó còn là niềm tự hào với truyền thống của quê hương, nhắc nhớ và giáo dục các thế hệ người Ninh Bình về một miền quê văn hiến.

Trong những năm qua, cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, các di tích liên quan thiền sư Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình đã được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tốt. Ngành Văn hóa tỉnh đã tiến hành kiểm kê các di tích nhiều đợt, bước đầu phân loại, đánh giá giá trị ban đầu. Các di tích có giá trị tiêu biểu đã được xây dựng hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng, làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị. Hiện có 17 di tích liên quan thiền sư Nguyễn Minh Không đã được xếp hạng, gồm 07 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 10 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích đã xếp hạng đều thành lập Ban quản lý di tích, được khoanh vùng bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hầu hết các di tích liên quan thiền sư Nguyễn Minh Không trên địa bàn tỉnh được nhân dân, các cấp chính quyền địa phương quan tâm giữ gìn, bảo vệ, trùng tu tôn tạo trong thời gian qua, giữ được cảnh quan kiến trúc và yếu tố nguyên trạng. Nhiều di tích được tiến hành tu bổ quy mô lớn như đền Thánh Nguyễn, chùa Lạc Khoái, động Hoa Lư, đình Trai… Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích liên quan thiền sư Nguyễn Minh Không trên địa bàn. Cần đưa công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác, là một phần trong kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cần có sự tham gia tích cực của các cộng đồng dân cư địa phương, sự chung tay góp sức của các tầng lớp xã hội, tích cực thực hiện xã hội hoá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đem lại lợi ích cho việc quản lý, bảo tồn di tích và lợi ích của cộng đồng. Góp phần giữ gìn và quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa liên quan thiền sư Nguyễn Minh Không, phát huy những giá trị, truyền thống đó, biến thành sức mạnh, góp phần thực hiện xây dựng văn hóa và con người Ninh Bình trong thời kỳ mới./.

Nguyễn Xuân Trường

Phòng Quản lý Di sản văn hóa