CHÙA ĐẨU LONG - Phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình
17/10/2023Chùa tọa lạc trên địa bàn tổ dân phố Đẩu Long, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Chùa Đẩu Long là một ngôi cổ tự, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1994.
Tên chữ của chùa là Đẩu Long tự, chữ “Đẩu” có nghĩa là “Sao Đẩu”, vì chùa nằm ở phía bắc làng Phúc Am xưa, hướng có sao Đẩu ứng chiếu, chữ “Long” ở đây có nghĩa là “rồng” vì địa thế đất của chùa như hình con rồng. Nhân dân trong vùng thường gọi là chùa Đẩu, gọi tắt của tên Đẩu Long.
Tổng thể chùa nhìn từ hướng Tây
Chùa Đẩu Long là nơi thờ Phật, bên cạnh chùa còn có phủ thờ Tam vị Thánh Mẫu như nhiều chùa ở miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, tại chùa còn thờ cúng “cửu vị nhà thần” (9 vị thần) như nhân dân thường gọi. Tại di tích có đôi câu đối:
Cửu vị anh linh phù quốc thái
Thiên thu hương hỏa độ dân an
(Chín vị (thần) linh thiêng phù hộ đất nước Ngàn năm hương hỏa giúp dân an)
Các vị thần được thờ tự tại chùa vốn được thờ ở nhiều đền, miếu của làng Phúc Am xưa, bao gồm: Đức Thánh Cả (Quý Minh Đại vương), Định quốc công Nguyễn Bặc (một trong “tứ trụ” triều Đinh), Lê Đại Hành hoàng đế, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Thánh Mẫu (Nguyên Từ Quốc mẫu), Phổ Hộ đại vương, Trương Hán Siêu.
Trung lâu nhìn từ hướng Tây Bắc
Làng cổ Phúc Am xưa thuộc tổng Yên Đăng, huyện Yên Khánh, phủ Yên Khánh. Địa vực của làng trải rộng từ bờ Bắc sông Vân Sàng đến làng Cam Giá ở phía Bắc, phía Đông giáp sông Đáy, nay thuộc địa giới của 4 phường trung tâm thành phố Ninh Bình. Phía Đông của làng, giáp sông Đáy có cánh đồng Bến, vốn là cảng biển Phúc Thành thời Đinh -Tiền Lê ở thế kỷ X, nơi vua Lê Đại Hành xuất quân đi kháng Tống bình Chiêm, còn ghi dấu bởi ngôi đền Đồng Bến thờ ngài. Phía Tây của làng là cánh đồng Hiềm, nơi được cho là địa điểm diễn ra cuộc quyết chiến giữa Định quốc công Nguyễn Bặc - khai quốc công thần nhà Đinh với Lê Hoàn, đền Hiềm cổ kính với những pho tượng đá rêu phong là nơi thờ cúng Nguyễn Bặc và Đức Thánh Cả - Quý Minh đại vương. Phía Bắc của làng có núi Kỳ Lân, một thắng cảnh nổi tiếng, dưới chân núi có các đền, miếu thờ Phổ Hộ đại vương (chưa rõ sự tích), Trần Hưng Đạo và Thánh Mẫu. Làng Phúc Am còn là quê hương của Thái phó Trương Hán Siêu, nhà văn hóa lớn thời Trần.
Không gian nội thất chùa Đẩu Long
Đặc biệt, làng Phúc Am còn gắn với nhiều câu chuyện, truyền thuyết về một nhân vật thời Trần - Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Trần Quốc Tảng (1252 - 1313) là tông thất nhà Trần, con trai thứ ba của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông là một tướng lĩnh quân đội nhà Trần, cùng với cha đã chỉ huy quân dân Đại Việt, lập được nhiều chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 (năm 1285) và thứ 3 (năm 1288), được phong tước vị Hương Nhượng vương, Tiết độ sứ. Đây là nhân vật lịch sử in đậm dấu ấn với di tích chùa Đẩu Long và nhân dân trong vùng. Tại làng Phúc Am, ngài được thờ ở chùa Đẩu Long và đền Lăng. Vùng đất làng Phúc Am xưa, vốn gần hành cung Vũ Lâm, là nơi chiến trường xưa quân dân nhà Trần đã chiến đấu chống giặc Nguyên xâm lược. Tại di tích còn lưu giữ tảng đá mài lớn có dấu gươm đao, tương truyền là hòn đá mài gươm của quân đội thời Trần. Hòn đá này nhìn thực chất là một chân tảng kê cột, bề mặt vẫn còn dấu vết vòng tròn kê cột. Chất liệu đá mài này thường xuất hiện trong các kiến trúc thời Lý. Truyền thuyết tại làng Phúc Am cho biết, Hưng Nhượng vương đã từng chiêu dân, lập cảnh chùa Đẩu Long và có thời gian tu tập tại chùa. Bài văn tế ở chùa Đẩu Long vào ngày 30 tháng 8 âm lịch hàng năm cũng ghi rõ: “Thái úy đại tướng quân tặng phong quốc khảo Hưng Nhượng đại vương”. Trước đây ở gần chùa Đẩu Long có khu đất rộng hơn một mẫu Bắc Bộ, nhân dân thường gọi là “bờ lăng”, còn gọi là “đất cấm địa nhà Trần”. Đầu năm 1975, trong khi san đất làm sân vận động thị xã Ninh Bình ở đây, đã phát lộ một ngôi mộ thời Trần, nhân dân cho là lăng mộ của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng (1).
Ban thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng |
Ban thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn |
Chùa Đẩu Long tọa lạc trên mảnh đất rộng rãi giữa trung tâm thành phố Ninh Bình, xung quanh là khu dân cư. Vốn là một chùa cổ có lịch sử hàng ngàn năm, tuy nhiên trải qua thời gian, chùa bị phá hủy nặng nề trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các công trình bị sập đổ… Chùa hiện nay mới được xây dựng lại trong những năm gần đây. Chùa quay hướng chính Tây, gồm nhiều kiến trúc khác nhau từ ngoài vào trong: Tam quan, sân cảnh, vườn tháp, Tam Bảo, Trung lâu, Nhà tổ, Phủ Mẫu, nhà Địa Tạng, Hàn Lâm viện và các công trình phụ trợ khác. Kiến trúc nổi bật là tòa Tam bảo với Trung lâu phía trước, ở vị trí trung tâm của chùa. Trung lâu kiến trúc hình vuông, gồm 16 cột, 3 tầng 12 mái. Mái trung lâu dán ngói âm dương, có các góc đao uốn cong duyên dáng. Toàn bộ công trình đều bằng bê tông cốt thép giả gỗ theo kiến trúc truyền thống. Chính giữa Trung lâu treo quả chuông lớn mới đúc. Tiếp liền với Trung lâu là tòa Tam bảo, cấu trúc kiểu chữ Đinh với hai tòa Tiền đường và Thượng điện. Toàn bộ công trình đều bằng bê tông cốt thép, với cột, kèo, hoành xà bê tông giả gỗ, mái dán ngói nam. Tòa Tiền đường kết cấu 5 gian 2 chái, bài trí ban thờ Hộ pháp, Thánh Hiền, Thánh Tổ, thập điện diêm vương. Thượng điện tiếp liền với Tiền đường, gồm 3 gian chạy dọc. Hai bên Thượng điện có am thờ nhỏ là nơi bài trí ban thờ Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng (bên phải) và Hưng Đạo Đại vương (bên trái). Có thể nói, chùa Đẩu Long tuy mới được phục dựng trong những năm gần đây, nhưng vẫn kế thừa được nét kiến trúc truyền thống của ngôi chùa Việt.
Chân tảng đá mài lưu giữ tại di tích
Chùa Đẩu Long là một trong những di tích nổi tiếng của thành phố Ninh Bình. Di tích chứa đựng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa, ngoài thờ Phật, chùa còn thờ cúng những nhân vật lịch sử có công lớn với đất nước, những nhân vật từng gắn bó với lịch sử mảnh đất Ninh Bình, như: Nguyễn Bặc, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tảng, Trương Hán Siêu… Di tích còn là một công trình có kiến trúc cảnh quan đẹp, lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý có giá trị lịch sử và văn hóa.
(1). Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Thông báo khoa học năm 1988, tr.87.
Nguồn: Sách Di tích và Danh thắng Ninh Bình tập 1, NXB Văn hóa dân tộc.
Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Bài viết khác
- NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ TRÊN CẶP LONG SÀNG TẠI ĐỀN THỜ VUA ĐINH TIÊN HOÀNG
- Cần chính xác trong cách hiểu về di sản văn hóa phi vật thể
- Những giá trị nổi bật của Bảo vật quốc gia – Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh ở Bảo tàng Ninh Bình
- DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG “NGHỀ CÓI KIM SƠN”
- NINH BÌNH CÓ THÊM 02 DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA