BIA CẦU ĐÔNG (ĐÔNG KIỀU)
01/06/2021Từ Thành phố Ninh Bình đi theo Quốc lộ 1A về phía bắc 5km, tiếp tục đi theo đường 12 C khoảng 5 km du khách sẽ tới cầu Đông (thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), gần cầu Đông là dãy núi Hồ nơi khắc Bia cầu Đông.
Văn bia ghi về việc quyên góp xây dựng cầu Đông, đồng thời gắn với tên tuổi của nhà giáo, nhà thơ, chí sĩ yêu nước Phạm Văn Nghị, được khắc trực tiếp trên vách núi đá vôi đã được mài nhẵn (bia ma nhai), là một loại hình ghi chép văn tự đặc biệt, thường xuất hiện ở những vùng biên ải và những vùng có nhiều núi đá. Do tính chất cố định, bia ma nhai không thể di chuyển được. Điều đó càng khẳng định giá trị chân thực của bia ma nhai.
Bia có độ nghiêng phù hợp hướng vào trong, phía trên có cây cối nên ít bị mưa gió bào mòn hoặc làm ẩm mốc rêu phong, dù đã hơn một thế kỷ trôi qua nhưng những chữ viết trên đó vẫn còn rất rõ. Bia hình chữ nhật có chiều cao 105cm và chiều rộng 111cm, gồm 08 dòng với 75 chữ. Dòng nhiều chữ nhất là dòng thứ nhất, dòng thứ hai và dòng thứ tư có 11 chữ và dòng ít chữ nhất là dòng thứ 08 có 03 chữ (tính từ phải sang trái).
Mặc dù khắc trực tiếp lên đá núi nhưng những nét mác, nét móc, nét phẩy được thể hiện rất rõ ràng và tinh tế. Chữ khắc sâu vào đá chừng 0,3cm và không có hoa văn trang trí.
Phiên âm: Đông Kiều
Tự Đức nhị thập bát niên, cửu nguyệt, cát nhật.
Ninh bình tỉnh, Hộ lý Tuần phủ Đặng đại nhân, Án Sát sứ Đồng đại nhân, An Khánh, Nho Quan, Yên Mô, Gia Viễn huyện Huấn đạo quan. Tỉnh thân tịnh lân tỉnh quan viên, cập huyện nội xã nội kỳ cựu lý dịch nhân đẳng đồng quyên trợ.
Liên Hoa động chủ nhân ký.
Đốc biện Cựu Lý trưởng Nguyễn Văn Uyên.
Dịch nghĩa: Cầu Đông
Ngày tốt tháng 9 năm thứ 28 đời vua Tự Đức (1875) .
Tỉnh Ninh Bình, Hộ lý Tuần phủ Đặng đại nhân, Án sát sứ Đồng đại nhân và quan Huấn đạo các huyện An Khánh, Nho Quan, Yên Mô, Gia Viễn. Các quan viên và Văn thân (thân hào) trong tỉnh và các tỉnh lân cận cùng với lý dịch, kỳ lão trong huyện, trong xã cùng nhau quyên giúp.
Chủ nhân động Liên Hoa ghi.
Đốc biện công việc Cựu Lý trưởng Nguyễn Văn Uyên.
Văn bia này có mặt nơi đây đã 146 năm. Chủ nhân văn bia là Phạm Văn Nghị (文誼, 1805-1884), một chí sỹ yêu nước, một nhà nho chân chính người ở xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định).
Năm 1858 một biến cố lớn đến với lịch sử nước Việt, Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược vào bán đảo Sơn Trà, thực hiên mưu đồ xâm chiếm thuộc địa. Phạm Văn Nghị là người đi đầu trong hàng ngũ sỹ phu Bắc Hà nêu cao ngọn cờ quyết chiến. Ông đã dâng lên triều đình Huế bản Trà Sơn Kháng Sớ, đưa ra những định hướng, những kế sách cơ bản để chống giặc Pháp.
Sau Hiệp ước Giáp Tuất (ngày 15 tháng 3 năm 1874), Phạm Văn Nghị xin về dưỡng lão, ông sống đạm bạc tại Động Liên Hoa (xã trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Tại đây, ông cho xây dựng phủ thờ 2 tướng nhà Đinh, tạc bia ma nhai ở Thạch bàn, hoàn chỉnh 2 tác phẩm quý cho đời sau: Nghĩa trai thi tập và Tùng văn biên tập. Ngoài ra còn rất nhiều văn bia do ông biên soạn, trong đó có bia Đông Kiều.
Trải qua 146 năm, dãi dầu mưa nắng, bia đá có đôi chỗ bị bào mòn song những nét chữ của tiền nhân vẫn còn in sâu khắc đậm trên vách đá Hoa Lư, như muốn nhắn gửi lại cho hậu thế muôn đời về tinh thần vì dân, vì nước.
Nguyễn Thị Kim Cúc - PGĐ
Bài viết khác
- Gia hạn nộp tác phẩm dự thi Cuộc thi Ảnh báo chí “Ninh Bình vì mục tiêu đô thị di sản thiên niên kỷ” đến hết ngày 25/3/2025
- Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh Đình Sào Long, xã Gia Sơn, huyện Nho Quan
- LỄ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH ĐÌNH LÀNG VÔ HỐT, XÃ LẠC VÂN, HUYỆN NHO QUAN, TỈNH NINH BÌNH
- BÀN GIAO BẰNG XẾP HẠNG VÀ HỒ SƠ KHOA HỌC CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP TỈNH 2024
- Ninh Bình có thêm 07 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh