Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Chặng đường 10 năm xây dựng Văn hóa nông thôn mới tỉnh Ninh Bình

22/10/2019

Chương trình xây dựng Nông thôn mới là một chương trình trọng tâm của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, diện mạo nhiều vùng nông thôn được đổi thay, hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống đa số nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, tình làng nghĩa xóm được vun đắp...

    Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đời sống nông thôn Ninh Bình đã có nhiều đổi thay và phát triển. Đến hết năm 2018 đã có 90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Hoa Lư và huyện Yên Khánh đạt chuẩn Huyện nông thôn mới và thành phố Tam Điệp hoàn thành xây dựng Nông thôn mới. Theo Kế hoạch trong năm 2019 sẽ có thêm 11 xã phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, 24 Khu dân cư kiểu mẫu và trong thời gian tới sẽ phấn đấu đưa huyện Gia Viễn đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2020, huyện Yên Mô đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2021.

Hoa Lư đón bằng công nhận Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới

    Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, văn hóa giữ vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Thực tế cho thấy, việc xây dựng đời sống văn hóa trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân nông thôn có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Trải qua chặng đường 10 năm triển khai nông thôn mới, đến nay đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần ổn định an ninh chính trị, tạo không khí dân chủ trong nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ, huy động nguồn lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới.

    Để triển khai xây dựng văn hóa Nông thôn mới nói chung góp phần hoàn thành mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Ngành Văn hóa và Thể thao chủ trì và phối hợp với các ngành đoàn thể có liên quan triển khai các hoạt động: nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân nông thôn, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tăng cường đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa nông thôn; phục hồi và bảo tồn các di sản văn hóa ở cơ sở; nhân rộng các mô hình tốt về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp ở cộng đồng; tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân đặc biệt là người già và trẻ em.

    Xác định vai trò quan trọng của yếu tố văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương lồng ghép thực hiện các Tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nội dung xây dựng đời sống văn hóa. Công tác tuyên truyền được tăng cường. Nhiều địa phương, cán bộ và nhân dân phấn khởi, hăng hái tham gia xây dựng đời sống văn hóa nông thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả 100% thôn (xóm, bản, làng) đều có quy ước, hương ước. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Việc đăng ký, bình xét công nhận “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” được phát động, tổ chức triển khai kịp thời, đúng đối tượng, công khai và dân chủ. Phong trào đã thu hút các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. Năm 2008 toàn tỉnh có 146.722/207.170 hộ gia đình nông thôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 70,82%), tính đến tháng 12 năm 2018, toàn tỉnh có 199.976/217.119 (đạt 86,82%) hộ gia đình ở nông thôn đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa. Năm 2008 toàn tỉnh có 875/1.325 làng (xóm, bản) đạt danh hiệu văn hóa (đạt 66,03%), đến nay có  1.222/1.355 (đạt 90,18%) làng (xóm, bản) đạt danh hiệu văn hóa; 90/118 xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới (đạt 76,27%); dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có thêm 11 xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới, nâng số xã đạt tiêu chí về văn hóa là 101/118 (đạt 85,59%).

    Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư, xây dựng mới và sữa chữa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích của người dân nông thôn. Với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, số lượng thiết chế văn hóa thể thao cơ sở của tỉnh Ninh Bình đã có sự phát triển vượt trội. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 115/121 (95,04%) Nhà Văn hóa xã (tăng 37.55% so với giai đoạn trước), 121/121 Khu Thể thao xã (tăng 48,8%); có 1.270/1.355 (93,73%) Nhà Văn hóa thôn, 1.112/1355 (82,07%) Khu Thể thao thôn (tăng 11,66%). Đến nay, đã có 97 xã đạt tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa.

    Đi đôi với phát triển số lượng thiết chế văn hóa ở cơ sở thì việc nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động để phát huy được công năng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã góp phần thay đổi đời sống văn hóa ở nông thôn. Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là nơi sinh hoạt, hội họp cộng đồng ở mỗi khu dân cư, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nơi gắn kết bà con nhân dân với nhau, gắn kết cộng đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu về văn hóa, văn nghệ, rèn luyện nâng cao sức khỏe của đông đảo người dân.

 Nhà Văn hóa – Khu thể thao thôn Minh Hồng xã Xích Thổ huyện Nho Quan

    Để khai thác và phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng, thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn nghệ quần chúng, các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động như: Câu lạc bộ đàn, hát dân ca; Câu lạc bộ gia đình văn nghệ, Gia đình thể thao, cùng với các Câu lạc bộ của các đoàn thể, đã thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng ở cơ sở. Nhiều mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống duy trì hoạt động có hiệu quả: CLB hát Chèo (huyện Yên Mô, Yên Khánh); CLB Ca Trù (huyện Kim Sơn); CLB hát Xẩm (xã Yên Thành, huyện Yên Mô); Nghệ thuật Trống Nhảy (Tân Khẩn, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn); Nghệ thuật Múa trống (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh); Đội Kèn đồng (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn); Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa Sạp; Cồng Chiêng; hát Đúm; Sắc bùa; Hát giao duyên tiếng Mường; Giai điệu Mường xưa...Đến nay, trên 30% số xã của tỉnh có đội văn nghệ; 561 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng tự huy động kinh phí, duy trì hoạt động. Các sản phẩm văn hoá phục vụ nông dân, đặc biệt chú trọng tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. 10 năm qua đã thực hiện gần 300 chương trình nghệ thuật biểu diễn; 825 đợt chiếu phim; củng cố hệ thống Thư viện cấp huyện, Tủ sách, phòng đọc tại các Trung tâm văn hóa xã, Nhà văn hóa thôn, bản; luân chuyển 450.000 lượt sách, báo, tặng 7.000 bản sách cho thư viện, phòng đọc cơ sở; phục vụ 254.790 lượt độc giả tại các địa phương. Hàng năm, duy trì các cuộc thi đấu thể thao, hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cơ sở lên đến tỉnh. Nếp sống văn hóa mới đã và đang hình thành; cảnh quan môi tường nông thôn có nhiều khởi sắc; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần không còn chỗ đứng trong đời sống thường nhật; các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy.

    Có thể nói rằng công tác xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới đã thổi lên làn gió mới, thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, thấm sâu vào mỗi gia đình, thôn (xóm, bản), tình làng, nghĩa xóm được gắn bó; tiếp thêm nhịp điệu, sức sống mới trên các làng quê; hợp thành yếu tố quan trọng thắng lợi của hành trình xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng xã Đức Long, huyện Nho Quan

    Tuy nhiên, với yêu cầu mới của sự phát triển bền vững, chúng ta còn nhiều lo toan, day dứt, bởi: Ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, loay hoay trong việc tìm kiếm các giải pháp và cách thức thực hiện xây dựng đời sống văn hóa nông thôn. Ngoài những khó khăn về nguồn lực, tính bền vững danh hiệu Gia đình văn hóa, Làng (thôn, xóm, bản) văn hóa, Xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới..., thì vẫn còn một yếu tố cốt lõi là nhận thức của cộng đồng, về vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với công tác văn hóa chưa toàn diện và sâu sắc. Một số địa phương mới chỉ coi trọng phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng nhiều đến công tác văn hóa - xã hội, chưa thấy được tầm quan trọng của đời sống văn hóa tinh thần trong phát triển kinh tế. Ở một số thôn, xóm, bản trong các vấn đề cần bàn, có ít nội dung liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa...

    Chúng ta tin tưởng rằng cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương và sự tin tưởng ủng hộ và tham gia của người dân, trong những năm tới công tác xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới nói riêng sẽ có những bước phát triển mới, tạo ra bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên, là cả một quá trình vượt qua những khó khăn và lâu dài, đòi hỏi có sự phấn đấu không ngừng. Song điểm xuất phát trước hết từ nhận thức của từng cá nhân, sự chung sức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, hướng đến lợi ích của từng gia đình, từng thôn (làng, xóm, bản) cùng chung tay xây dựng đời sống văn hoá phát triển hài hòa và bền vững. Hy vọng với sự quyết tâm và đồng thuận, Ninh Bình sớm đạt được các mục tiêu của sự nghiệp xây dựng nông thôn mới./.