ĐÌNH TRÙNG THƯỢNG
11/07/2023Đình Trùng Thượng nay thuộc thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Vào khoảng thế kỷ 17, thôn Tùy Hối tách thành hai thôn Nam Phúc và Phú Nha. Mỗi thôn lập một đình riêng, nên đình còn được gọi là đình Phú Nha. Tên gọi đình Trùng (đình Trùng Thượng và đình Trùng Hạ), bởi có liên quan đến thờ cùng vị Thành hoàng Đông Hải đại vương Nguyễn Phục. Cũng có ý kiến cho rằng gọi đình Trùng, vì hai ngôi đình làm giống nhau, được làm cùng một thời điểm. Dân hai thôn rất tự hào về ngôi đình của mình, nên mới có câu ca; “Núi Thiệu có đổ thì đình Trùng mới xiêu”.
Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, nghệ thuật, đình Trùng Thượng đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng cấp Quốc gia năm 2001.
Không gian cảnh quan đình Trùng Thượng từ hướng Đông Nam.
Đình Trùng Thượng hiện nay thờ nhiều đối tượng: thần biển (Đông Hải đại vương Nguyễn Phục), thần sông (Sóc Giang), các nhân thần (Tô Hiến Thành, hai mẹ con bà Trang Nương - Nguyên Từ Quốc mẫu và Trần Quốc Tảng). Trong đó, vị thần được thờ chính ở đình là Đông Hải đại vương Nguyễn Phục. Theo thần phả, vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470) vua Lê Thánh Tông tiến đánh quân Chiêm Thành, Nguyễn Phục được phong làm Đốc vận quân lương. Nhưng do thuyền lương đến cửa biển Thần Phù và cửa Càn (Yên Mô) gặp bão to sóng lớn, sợ thuyền lương bị đắm chết nhiều người, Nguyễn Phục cho dừng thuyền, cứu được nhiều mạng người. Do đó thuyền lương bị chậm. Ông bị vua Lê xử tội chết. Sau khi chiến thắng Chiêm Thành trở về, biết rõ sự việc, vua Lê phong cho ông làm phúc thần làng Cổ Đà (Yên Mô). Nhiều làng ông đi qua, nhân dân đã lập đền thờ. Tô Hiến Thành là vị đại quan triều Lý, sinh thời có công nhiều với đất nước, gắn bó với vùng đất này và được vua ban thực ấp ở phủ Trường Yên, sau khi ông mất nhiều nơi trong khu vực đã lập đền thờ phụng. Tương truyền, hai mẹ con Trần Quốc Tảng là người đã có công chiêu dân lập ấp, khai mở làng Tùy Hối, được nhân dân phụng thờ.
Di tích nhìn từ mặt đứng hướng Nam tòa Đại bái
Trong một năm, tại đình Trùng Thượng tổ chức nhiều lễ hội khác nhau, trong đó (theo âm lịch) có các ngày: 15 tháng Giêng (Tế Thượng nguyên); 24 tháng Sáu lễ Thượng điền (lên đồng) tế Thần nông; 12 tháng Tám kỉ niệm ngày sinh Trần Quốc Tảng, có lệ rước sắc ở đền Quan Mẫu lên đình, đến cuối ngày lại rước về. Lễ hội chính ở đình Trùng Thượng và đình Trùng Hạ được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 4 tháng Mười, kỉ niệm ngày sinh Quốc Mẫu, hai làng tổ chức so le nhau. Từ ngày mồng 1 thực hiện nghi thức “thay miều” (tức thay áo), ngày mồng 2 tổ chức rước sắc từ đình nọ sang đình kia để thờ (mỗi thôn luân phiên giữ sắc 1 năm). Sau lễ rước sắc, tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, múa rối, đánh cờ người…thu hút được đông đảo người dân tham dự.
Đình Trùng Thượng quay hướng Nam, trông ra sông Hoàng Long uốn khúc. Theo quan niệm của người dân địa phương, đình tọa lạc trên một khu đất cao ráo, trên thế nghiên bút, đằng sau có gò Sứ dài 5 - 6m. Xung quanh là cánh đồng rộng, đình nổi lên như một ốc đảo, hài hòa giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên. Trước cổng đình có khoảng sân rộng lớn, là nơi tổ chức lễ hội hàng năm. Đường liên thôn năm ở phía Đông đình.
Những dấu vết trên kiến trúc, điêu khắc trang trí hiện còn ở đình Trùng Thượng cho thấy từ khi khởi dựng đình vào thế kỷ XVII đã có mặt bằng hình “chữ nhị”, bao gồm Đại bái và Hậu cung. Sau đó, đình đã được bổ sung thêm một số công trình mới như Tả - Hữu vu và Nghi môn kiểu tứ trụ nằm phía trước Đại bái.
Không gian nội thất toà Đại Bái
Tả - Hữu vu có qui mô và phong cách tương đồng nhau, gồm 3 gian, mặc dù mới được tôn tạo lại, nhưng các cấu kiện kiến trúc, hoa văn chạm khắc được làm theo phong cách truyền thống, phù hợp với tổng thể của ngôi đình.
Đại bái làm kiểu 1 tầng 2 mái mới được lợp lại bằng ngói di. Đại bái có 5 gian kiểu tường hồi bít đốc, kết cấu bộ vì kiểu 4 hàng chân cột. Dấu vết để lại cho thấy xưa kia hai bên hồi của Đại bái còn có sàn gỗ. Trong ký ức của những người dân trong làng thì khi dựng đình làng phải nhờ đến sức voi kéo gỗ (hiện còn mồ voi nằm giữa cánh đồng của làng) và sự tích đình Trùng Thượng gắp được cột to, nên cột cái của đình này có đường kính to nhất vùng, cột cái lớn nhất kích thước 0,58m. Các vì nóc ở gian giữa và gian bên phải được làm kiểu vì kèo nọc ngựa. Đây là một kiểu liên kết khá hiếm, với một trụ trốn chống thẳng lên thượng lương, hai bên gắn hai rường cụt để tạo các điểm đỡ hoành tương tự với vì nóc ở Hậu đường chùa Thổ Hà (Việt Yên - Bắc Giang). Đỡ thượng lương ở gian giữa còn có một dép nóc được tạo tác kiểu đấu củng khá lớn. Các vì nóc còn lại được làm kiểu chồng rường biến thể. Liên kết dưới câu đầu ở hai hồi còn có xà lòng, khoảng giữa hai cấu kiện này là những xà vách và các bức cốn được chạm khắc tinh xảo, tạo nét đặc sắc riêng của ngôi đình này. Các vì nách có hai kiểu: kẻ suốt và chồng rường, trong đó các kẻ suốt mới được thay thế vào thời Nguyễn.
Kết cấu trang trí vì nách hồi phải Đại Bái- Phong cách nghệ thuật thế kỉ XVII |
Hậu cung gồm 3 gian 2 dĩ nhỏ, 2 mái, lợp ngói di. Kết cấu khung gỗ gồm 4 hàng chân cột, các vì nóc và vì nách làm kiểu chồng rường (riêng vì nách gian giữa dùng kẻ suốt). Cửa ra vào Hậu cung được làm trên hàng cột cái phía trước, hai bên hồi và phía sau xây tường bao.
Nét đặc sắc làm cho đình Trùng Thượng nổi bật hơn các ngôi đình khác không phải ở kiến trúc, hay qui mô của ngôi đình, mà độc đáo và nổi bật nhất chính là nghệ thuật chạm khắc trên cấu kiện gỗ với những hình tượng phong phú, từ hình linh thú như rồng, phượng, lân,... còn khắc họa hình ảnh con người, hoa lá, cỏ cây theo các tích truyện dân gian.
Rồng là hình tượng phổ biến nhất, được chạm trên nhiều cấu kiện ở Đại bái, tuy nhiên mỗi mảng chạm có những nét đặc sắc khác nhau. Rồng có chỗ được chạm đơn, nhưng có chỗ lại chạm theo kiểu rồng ổ, hoặc được chạm kết hợp với nhiều hình tượng khác. Trên cửa võng ở hàng cột cái phía sau Đại bái, hình rồng được thể hiện với những nét thanh mảnh kiểu rồng chầu mặt trời mang phong cách nghệ thuật giữa thế kỷ XVII. Trên một số đầu kẻ phía trước Hậu cung và gian giữa Đại bái, hình rồng được chạm trong bố cục tứ linh, thể hiện một cách dữ tợn, với phần đầu được chạm kênh bong hẳn ra ngoài mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Trang trí trên vì nóc hồi Đại Bái- Phong cách nghệ thuật thế kỉ XVII
Hình phượng có phong cách nghệ thuật sớm nhất (thế kỷ XVII), được chạm trên ván nong xà dọc cột cái sau gian giữa Đại bái. Đôi phượng được chạm nổi, hình dáng mềm mại, sinh động, đậu trên hai đao mác lớn của rồng. Hình phượng có phong cách nghệ thuật muộn hơn được chạm trên thân kẻ suốt ở Hậu cung, kiểu phượng hàm thư trong bố cục tứ linh, tạo nên sự phong phú về đề tài trang trí và phong cách thể hiện. Ngoài ra, còn đôi hạc được chạm đơn ở hai đầu y môn của Đại bái, bằng kỹ thuật chạm thủng, cánh lớn, chân cao, mỏ cò dài, mắt hình ô van, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Hình lân được chạm nhiều ở Đại bái. Trên các vì nách, vì nóc hồi lân có đặc điểm thân mập mạp, có vẩy hoặc để trơn, đầu to, miệng loe, tai ngắn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Đặc biệt nhất là hình lân chạm trên ván gió, với 6 con lân đang nối đuôi nhau, mỗi con một dáng vẻ, một tư thế, xung quanh chạm đao mác, thú nhỏ.
Hình tượng con người được chạm khắc không nhiều, chỉ có ở Đại bái, nhưng được thể hiện đa dạng. Còn nguyên vẹn nhất là bức chạm hoạt cảnh người đánh hổ trên xà vách hoặc tiên cưỡi rồng với khuôn mặt toát lên vẻ nữ tính, tai chảy dài, tóc vấn cao.
Chạm khắc trên các cấu kiện gỗ tại Đại bái |
Cây cỏ và hoa lá cùng được chạm nhiều trên kiến trúc của ngôi đình này. Hình tre trúc thể hiện trên các cốn ở hồi Đại bái, với thân mập mạp, rõ từng đốt, có chỗ chạm biến thể thành trúc hóa rồng. Hình hoa cúc phù dung được chạm khá mềm mại với những cành lá uốn lượn sang hai bên. Hình hoa sen chạm trên kẻ ở Hậu cung với các chi tiết diễn tả vòng đời của cây sen, dưới đầm sen là những hình con vật như cá, rùa rất sinh động mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Ngoài các đề tài trên, trang trí ở đình Trùng Thượng còn điểm xuyết các đề tài khác như: nghê, chim, vân xoắn… tạo nên sự sinh động, phong phú cho nghệ thuật chạm khắc của ngôi đình này.
Cặp nghê thờ phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII được trưng bày tại di tích. |
Dấu vết sớm nhất hiện còn trên kiến trúc là dòng chữ Hán ghi trên cột cái trước bên phải gian giữa: “Lê triều Đức Nguyên nhị niên, tuế thứ Ất Mão thập nhị nguyệt, thập cửu nhật lập trụ”. Theo thông tin này vào ngày 19, tháng 12, năm Đức Nguyên thứ 2, tức năm Ất Mão (1675) đình bắt đầu dựng cột. Sự kiện này cũng được nhắc lại trong văn bia gỗ được lập năm Tự Đức thứ 30 (1877): “Thôn Phú Nha và thôn Nam Phúc của ta phụng sự thờ cúng, nguyên có 5 gian Tiền đường làm vào năm thứ 2 niên hiệu Đức Nguyên (1675)”. Vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709), đình được làm thêm hệ thống cửa võng ở hàng cột cái ở phía sau Đại bái. Hiện trên cột cái sau bên trái gian giữa Đại bái còn ghi: “Lê Triều Vĩnh Thịnh ngũ niên, thái tuế Kỷ Sửu bát nguyệt, nhị thập nhật tác cử võng”; đồng thời trên y môn ở gian bên phải cũng ghi: “Tuế thứ Kỷ Sửu niên bát nguyệt, cốc nhật cấu tác cử võng sự” (1709). Đến thế kỷ XIX đình được tu sửa lớn. Từ thế kỷ XX trở lại đây, đình đã được tu bổ nhiều lần.
Văn bia gỗ được lập năm Tự Đức thứ 30 (1877)
Ngoài ra, đình Trùng Thượng còn lưu giữ được một số di vật có giá trị: một đế ngai thờ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII; 03 ngai thờ mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XVIII; 01 bài vị mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII; 02 nghê thờ bằng gỗ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII; 10 đạo sắc phong, sắc sớm nhất có niên đại Minh Mệnh thứ 5 (1824); 02 bài vị và ngai thờ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX; Bia gỗ niên đại Tự Đức thứ 30 (năm 1877), ghi sơ lược quá trình xây dựng đình từ thời vua Đức Nguyên thứ 2 (1675), bổ sung vào thời Vĩnh Thịnh và đợt trùng tu đình thời Tự Đức.
Như vậy, đình Trùng Thượng tuy không có qui mô to lớn về tổng thể, nhưng là một trong những ngôi đình có nghệ thuật điêu khắc trang trí vào loại đẹp nhất của Ninh Bình. Đây cũng là ngôi đình hiếm hoi còn giữ được những dòng ghi niên đại tuyệt đối khi khởi dựng đình vào năm Đức Nguyên thứ 2 (1675), cùng với kiểu vì nọc ngựa ở Đại bái có một ý nghĩa quan trọng trong diễn biến các loại hình liên kết kiến trúc gỗ cổ truyền của người Việt. Bên cạnh những giá trị kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc trang trí, đình Trùng Thượng còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị… cùng những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc. Ngôi đình này là điểm tham quan, nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc gỗ cũng như các sinh hoạt văn hóa dân gian khác.
Chú thích:
(1). Lý lịch di tích đình Trùng Thượng, tư liệu Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình, năm 2012.
Nguồn: Sách Di tích và Danh thắng Ninh Bình tập 1, NXB Văn hóa dân tộc.
Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Bài viết khác
- NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ TRÊN CẶP LONG SÀNG TẠI ĐỀN THỜ VUA ĐINH TIÊN HOÀNG
- Cần chính xác trong cách hiểu về di sản văn hóa phi vật thể
- Những giá trị nổi bật của Bảo vật quốc gia – Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh ở Bảo tàng Ninh Bình
- DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG “NGHỀ CÓI KIM SƠN”
- NINH BÌNH CÓ THÊM 02 DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA