Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

DẤU ẤN VĂN HÓA ĐÔNG SƠN TRÊN ĐẤT NINH BÌNH QUA SƯU TẬP HIỆN VẬT “ĐỒ ĐỒNG ĐÔNG SƠN” ĐANG LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG TỈNH.

24/05/2022

Trong số khoảng 40.000 tài liệu hiện vật, hình ảnh có giá trị đang lưu giữ trong kho cơ sở và trưng bày cố định tại bảo tàng Ninh Bình, hiện vật đồ đồng Đông Sơn là một trong những nhóm hiện vật mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất và con người Ninh Bình. Các bằng chứng vật chất cho thấy, Ninh Bình là một vùng đất cổ, có sự tồn tại của các nền văn hóa  cổ, trong đó có nhiều dấu ấn của  nền Văn hóa Đông Sơn. Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa cốt lõi của người Việt, tồn tại cách ngày nay khoảng 2.000 – 3.000 năm, chủ yếu ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam, trên lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Thời kỳ này, người Việt cổ đã đạt đến đỉnh cao trong kỹ thuật chế tác đồng thau với loại hình và số lượng tăng vọt so với thời kỳ trước đó.

Với địa hình tự nhiên nhiều đồi núi, hang động, lại có cả đồng bằng ven biển, ven sông, Ninh Bình là nơi từ sớm đã xuất hiện dấu tích của loài người. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra xương và răng hóa thạch cách ngày nay 3 – 4 vạn năm tại thung Lang (Tam Điệp), Tràng An (Hoa Lư)… Đây chính là dấu tích của các cư dân là chủ nhân của văn hóa hậu kỳ đồ đá cũ.

Năm 1966, Viện Khảo cổ học đã khai quật hang Đăng Đắng hay còn gọi là động Người Xưa (Cúc Phương, Nho Quan) và phát hiện 39 công cụ lao động bằng đá, lớp vỏ nhuyễn thể dày 2 mét và 3 ngôi mộ được chôn theo tư thế nằm co, niên đại cách ngày nay 7000 – 8000 năm thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá mới, cùng thời với văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn.

Tại di chỉ khảo cổ học núi Một (Tam Điệp), các nhà khảo cổ cũng phát hiện một số rìu đá có niên đại cách ngày nay 4000 năm thuộc hậu kỳ đá mới.

Di chỉ khảo cổ học Mán Bạc (Yên Mô) được khai quật 5 lần từ năm 1999 đến năm 2005, đã phát hiện được hàng nghìn hiện vật thời đại đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 3000 - 3500 năm cùng thời với văn hóa Phùng Nguyên.

Như vậy có thể thấy ở Ninh Bình phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học thể hiện sự phát triển liên tục và tiếp nối của dấu tích loài người từ hậu kỳ đá cũ đến hậu kỳ đồng thau. Điều đó cho phép nhận định sự tồn tại của nền văn hóa Đông Sơn thuộc sơ kỳ đồ sắt trên cơ sở phát triển từ hậu kỳ đồng thau đó tại Ninh Bình. Dù chưa phát hiện được di chỉ nào thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn nhưng những hiện vật tìm thấy được đều cho phép khẳng định sự tồn tại của nền văn minh rực rỡ đó. Hiện vật thuộc nền văn hóa này tại Bảo tàng Ninh Bình có nguồn gốc phong phú bao gồm: Nhân dân phát hiện trong lòng đất Ninh Bình, các nhà sưu tập hiến tặng và công an tỉnh Ninh Bình bàn giao tang vật của các vụ án buôn bán vận chuyển trái phép cổ vật.

Năm 1969, một trống đồng được phát hiện tại thôn Mống, xã Yên Quang, huyện Nho Quan. Năm 1990, khi san đất làm vườn, người dân ở khu vực nông trường Đồng Dao đã phát hiện một chiếc rìu đồng và một mũi tên đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Năm 1998, ba em học sinh đã phát hiện ra một trống đồng trong hang đá có nước tại thôn Thạch La, xã Thạch Bình huyện Nho Quan. Năm 2002, khi đánh đá để xây dựng nhà tại núi Thoi, thôn Đá Hàn, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, người dân đã phát hiện ra một số di vật bằng đồng như dao găm, mũi lao, mũi tên, rìu… Những hiện vật này đều còn nguyên vẹn và đựng trong một chiếc bình bằng đồng, được xác định thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Năm 1993, Công an tỉnh Ninh Bình đã bàn giao một chiếc trống và một mặt trống cho Bảo tàng lưu giữ. Đây là tang vật của một vụ buôn bán trái phép cổ vật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Năm 1996, người dân ở đội 5 (đội Thống Nhất) – xí nghiệp Nông Công nghiệp Đồng Giao tìm thấy ở khu vực công trường một số hiện vật bằng đồng gồm một chiếc giáo, 2 mũi lao, 2 chiếc cuốc và 9 chiếc rìu có niên đại văn hóa Đông Sơn.

Ngoài những hiện vật được phát hiện trên địa bàn tỉnh, vào các năm 2010, 2011, Bảo tàng Ninh Bình còn được các nhà sưu tập cổ vật hiến tặng nhiều hiện vật có niên đại thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn cung cấp những tư liệu quan trọng, bổ sung vào nguồn hiện vật của Bảo tàng Ninh Bình.

Đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Ninh Bình gồm 127 hiện vật với 5 loại hình gồm: Nhạc cụ (trống, chuông), vũ khí (dao găm, mũi lao, mũi tên mũi giáo, mũi mác…), công cụ sản xuất (rìu, lưỡi hái, thuổng, cuốc), đồ trang sức (vòng tay), dụng cụ sinh hoạt (thạp, muôi, nồi, ang...).

Nhạc cụ có 7 hiện vật, vũ khí có 35 hiện vật, công cụ sản xuất có 39 hiện vật, đồ trang sức có 29 hiện vật, dụng cụ sinh hoạt có 17 hiện vật.

 

    Những hiện vật đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Ninh Bình phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng, thể hiện sự phát triển của một nền văn hóa đã tồn tại trên vùng đất Ninh Bình. Đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng chủ yếu được tìm thấy ở vùng Gia Viễn, Nho Quan, Tam Điệp là vùng đất cổ của Ninh Bình với địa hình chủ yếu là đồi gò bán sơn địa. Điều đó chứng tỏ Ninh Bình không chỉ là nơi xuất hiện dấu tích của loài người từ sớm mà còn là nơi có lịch sử phát triển liên tục từ những nền văn hóa đầu tiên của loài người (Hòa Bình) đến nền văn hóa đặc trưng của người Việt cổ (Đông Sơn). Dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn trên đất Ninh Bình càng cho thấy nơi đây là một mảnh đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời, là nơi “đất lành” để cho các thế hệ mai sau viết tiếp những trang sử hào hùng mà cha ông để lại.

 Bộ sưu tập Đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Ninh Bình minh chứng cho sự tồn tại của văn hóa Đông Sơn trên địa bàn tỉnh, góp thêm luận điểm chứng minh đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, xứng đáng là niềm tự hào của người dân Ninh Bình nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.

 

Vũ Thị Thu