Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

MỘT SỐ GIẢI PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN GỐM NINH BÌNH TRONG KHÔNG GIAN TRƯNG BÀY CỦA BẢO TÀNG NINH BÌNH

19/06/2023

Bảo tàng tỉnh Ninh Bình là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống của con người trên mảnh đất Ninh Bình nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Trong công tác trưng bày của bảo tàng Ninh Bình các tài liệu hiện vật được sử dụng gồm nhiều loại hình và chất liệu khác nhau như đá, gỗ, gốm, giấy, đồ dệt, kim loại, xương, nhựa,…phản ánh quá trình lịch sử của đất và người Ninh Bình với các đặc điểm nổi bật là một vùng đất cổ, sơn thủy hữa tình, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nhà nước Đại Cồ Việt với Kinh đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến, là nơi in dấu ấn của các giai đoạn lịch sử dưới các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn, những đóng góp cho cuộc cách mạng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trong các tài liệu, hiện vật đó, các hiện vật gốm cổ có vai trò quan trong trọng trong nghiên cứu, trưng bày, phát huy giá trị di sản văn hóa Ninh Bình nói chung và di sản nghề gốm Ninh Bình nói riêng.

          Các hiện vật gốm ở bảo tàng Ninh Bình rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật… phản ánh sự tồn tại rất sớm của nghề gốm trên đất Ninh Bình từ các lò gốm cổ ở Bồ Bát (nay nằm ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô) đến sự tồn tại và phát triển của các lò gốm đất nung cung cấp nguyên vật liệu, đồ trang trí kiến trúc cho việc xây dựng Kinh đô Hoa Lư và làng nghề gốm bên dòng sông Bôi, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan. Các hiện vật gốm cổ Ninh Bình có vai trò quan trọng trong nghiên cứu nghề gốm nói chung trong dòng chảy chung của gốm Việt, đồng thời cũng là nguồn sử liệu để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa về đất và người Ninh Bình.

Trong không gian trưng bày của bảo tàng Ninh Bình, các tài liệu, hiện vật được trưng bày theo diễn trình lịch sử. Vì vậy các loại hình hiện vật với các chất liệu khác nhau được trưng bày đan xen theo niên đại mà nó tồn tại. Trong các loại hiện vật được sử dụng trong trưng bày của bảo tàng thì đồ gốm có một vị trí quan trọng trong các loại hiện vật được lựa chọn để đưa ra trưng bày, với số lượng khoảng 200 trong tổng số hơn 1.000 hiện vật đang có mặt trên trưng bày cố định của bảo tàng Ninh Bình. Do diện tích trưng bày chật hẹp, trang thiết bị phục vụ trưng bày cũ kỹ, nghèo nàn, lạc hậu nên chưa thực sự hấp dẫn khách tham quan, chưa làm nổi bật được các giá trị của di sản gốm Ninh Bình. Vì vậy việc trưng bày và phát huy giá trị gốmNinh Bình trong không gian trưng bày bảo tàng cần có nhiều đổi mới cả nội dung, hình thức, thiết kế kiến trúc, kết hợp giữa trưng bày hình ảnh thực và tận dụng công nghệ mới tạo ra không gian vừa thực vừa ảo làm nổi bật các giá trị từ di sản hiện vật gốm.

          Tủ trưng bày hiện vật di chỉ Mán Bạc, thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình trong không gian trưng bày bảo tàng Ninh Bình.

          Bên cạnh việc sử dụng hiện vật gốm trong trưng bày cố định theo các nội dung trưng bày của bảo tàng, cần xây dựng các trưng bày chuyên đề, chuyên sâu về gốm để giới thiệu cụ thể, chi tiết, sâu sắc hơn về các giá trị của di sản gốm cổ ở Ninh Bình trong sự phát triển tiếp nối nghề gốm Ninh Bình trong hiện tại và tương lai. Ví dụ như xây dựng các trưng bày chuyên đề riêng về gốm: “Gốm sơ sử Ninh Bình”, “Gốm thời Đinh, Tiền Lê”, “Độc đáo làng gốm bên sông Bôi”, “Gốm Bồ Bát: truyền thống và hiện đại”…

          Lựa chọn các hiện vật gốm tiêu biểu, độc đáo để trưng bày với tiêu chí ít nhưng hiệu quả. Việc trưng bày này có thể sử dụng tủ kính trong suốt kết hợp đèn chiếu sáng trọng tâm để làm nổi bật hiện vật, kết hợp sử dụng hình ảnh vẽ, phóng lớn các hoa văn trên gốm, sử dụng hình ảnh 3D để khách tham quan có thể có thể quan sát hiện vật từ mọi góc nhìn, các chi tiết hoa văn trang trí cũng như các thông tin cụ thể về hiện vật và tự tương tác các nội dung tham quan mà mình mong muốn...

         

Không gian trưng bày hiện vật Kinh đô Hoa Lư tại bảo tàng Ninh Bình.

          Việc trưng bày hiện vật sẽ hiệu quả, sinh động hơn khi kết hợp trình chiếu các video tái hiện lại quy trình làm ra một sản phẩm gốm từ khâu lựa chọn nguyên liệu, chuẩn bị dụng cụ sản xuất đến kỹ thuật lò nung, quy trình tạo tác hoa văn trên gốm… và các phóng sự về vùng đất, con người, lịch sử của làng gốm và xu hướng tiếp nối nghề gốm trong hiện tại và tương lai.

          Trong các hoạt động trải nghiệm tổ chức cho khách tham quan, để cụ thể hóa một vài khâu trong quy trình sản xuất gốm cần tổ chức cho khách tham quan trải nghiệm làm gốm sau khi đã tham quan trưng bày và giới thiệu về các hiện vật gốm dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân, thợ lành nghề và các bộ phụ trách trải nghiệm tại bảo tàng.

          Xây dựng các tuor chuyên tìm hiểu về nghề gốm ở Ninh Bình theo lộ trình: từ không gian trưng bày gốm tại bảo tàng đến không gian sản xuất gốm tại làng nghề. Việc làm này bảo tàng có thể kết hợp với các cơ sở giáo dục, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp sản xuất gốm và các doanh nghiệp lữ hành để triển khai chuyên nghiệp, hiệu quả.

          Trưng bày thực tế ảo đang là xu hướng mới, mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm thú vị cho khách tham quan. Vì vậy, trong trưng bày của bảo tàng cũng cần tính đến các phương án sử dụng công nghệ số trong công tác trưng bày nói chung và đối với hiện vật gốm cổ nói riêng; Lựa chọn những hiện vật gốm cổ tiêu biểu, độc đáo của Ninh Bình…kết hợp hình thức trưng bày thực và trưng bày tương tác ảo 3D (tương tác thực tại ảo); Số hóa 3D một số hiện vật gốm độc đáo để đưa lên trưng bày như hiện vật vật hình nấm, lọ hoa hình tang trống, bình … thuộc di chỉ Mán Bạc, gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, gạch hoa sen, gạch chim phượng, ngói phủ diềm, ngói âm dương… phát hiện ở khu vực Hoa Lư vv. Việc kết hợp trưng bày thực và ảo sẽ cung cấp cho khách tham quan một phương thức tiếp cận mới, thuận lợi, đa dạng phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, góp phần từng bước hiện đại hóa các hoạt động bảo tàng, cũng là phù hợp với nhu cầu công chúng trong giai đoạn hiện nay.

          Sử dụng công nghệ trong trưng bày bảo tàng cần có sự đồng bộ, bên cạnh trưng bày ảo, công tác thuyết minh tự động cũng là một phương thức được nhiều khách lựa chọn phù hợp với nhu cầu riêng của mình. Giá trị của mỗi hiện vật bảo tàng nằm trong chính cũng câu chuyện riêng về nó, những câu chuyện này theo phương pháp truyền thống sẽ được truyền tải qua hoạt động của thuyết minh viên và  các thông tin tổng quát có trong các etiket. Nhưng ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, bảo tàng có thêm một phương thức truyền đạt khác: Thuyết minh tự động. Những nội dung của hiện vật được biên tập, thu âm và đưa vào trong hệ thống thuyết minh tự động, giúp khách tham quan có thể chủ động tìm hiểu nội dung lịch sử, văn hóa, nghệ thuật...theo nhu cầu cá nhân. Hệ thống cũng cho phép tiếp cận tới rất nhiều ngôn ngữ, giúp cho khách quốc tế tìm hiểu dễ dàng, trong bối cảnh bảo tàng không thể sắp xếp đủ số lượng hướng dẫn viên với đủ các ngôn ngữ vào cùng một lúc… thì đây thực sự là một giải pháp hữu hiệu, tích cực, phù hợp.

 Bảo tàng cần quan tâm đầu tư cho dịch vụ bổ trợ để quảng bá và phát huy các sản phẩm từ nghề gốm: Ví dụ trong các cửa hàng lưu niệm của bảo tàng dành một không gian bày bán các sản phẩm gốm phản ánh đặc trưng, thế mạnh của làng nghề , đồng thời phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách: Các sản phẩm mang sắc trắng độc đáo của Bồ Bát hay sản phẩm đồ đựng nâu cháy của gốm Gia Thủy được thiết kế độc đáo sẽ đem lại cho khách tham quan thêm một lựa chọn trong hành trình trải nghiệm, khám phá của mình.Trưng bày và phát huy giá trị gốm cổ Ninh Bình trong không gian bảo tàng Ninh Bình cần có nhiều sáng tạo trong hình thức thể hiện, kết hợp trưng bày hình ảnh thực và thực tế ảo, giữa các trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề, giữa trải nghiệm làm gốm tại bảo tàng với kết nối tham quan, trải nghiệm tại làng nghề để vừa thu hút khách tham quan, vừa làm nổi bật được các giá trị của di sản hiện vật gốm, đồng thời phù hợp với xu hướng trưng bày mới trong thời đại công nghệ phát triển.

 

Vũ Thị Thu – Bảo tàng Ninh Bình