Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Lễ hội Hoa Lư: Điểm nhấn về giá trị văn hóa, lịch sử

22/10/2019

Lễ hội Hoa Lư năm 2019 sắp diễn ra với các hoạt động phong phú, sôi nổi và hấp dẫn. Để lễ hội diễn ra đúng thời gian, đảm bảo chất lượng và ý nghĩa lịch sử, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Lễ hội Hoa Lư năm 2019, sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

 

Đông đảo nhân dân và du khách về dự Lễ hội Hoa Lư năm 2018.

Đông đảo nhân dân và du khách về dự Lễ hội Hoa Lư năm 2018.

PV: Thưa đồng chí, ý nghĩa, giá trị nổi bật của Lễ hội Hoa Lư và những nét mới trong tổ chức Lễ hội những năm gần đây là gì?

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Lễ hội Hoa Lư là lễ hội hàng năm được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, với vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là Lễ hội truyền thống lớn nhất của tỉnh, được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Văn hóa Cố đô Hoa Lư. Lễ hội nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao đóng góp to lớn của các bậc đế vương, các bậc tiền nhân đã có công xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc.

 Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc; quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, về đất và người Cố đô Hoa Lư- Ninh Bình; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Lễ hội Hoa Lư, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 20/11/2015 về việc ban hành Kịch bản Lễ hội trường Yên (nay là Lễ hội Hoa Lư). Do vậy, các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội về cơ bản theo kịch bản đã được phê duyệt nhằm thể hiện nét đặc trưng văn hóa của vùng đất cố đô xưa. Một số nghi lễ đã bị thất truyền đã được phục dựng lại như nghi thức Tế Cửu khúc – 9 bài ca nghi lễ nhằm ca ngợi công đức Vua Đinh Tiên Hoàng.

Trong những năm gần đây, trong khuôn khổ Lễ hội đã có một số nghi lễ, hoạt động mới được người dân quan tâm, hưởng ứng. Tiêu biểu như: Lễ Cầu Quốc thái dân an và Lễ hội hoa đăng; các cuộc thi như: “Thi Thư pháp”, “Thi mâm ngũ quả tiến Vua”, đặc biệt trong năm 2019 sẽ tổ chức “Thi Kéo chữ Thái Bình”; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng đặc sắc trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, mời các Đoàn nghệ thuật, các tổ, đội văn nghệ quần chúng tham gia biểu diễn tại Lễ hội như: Trống nhảy (huyện Kim Sơn), Múa trống (huyện Yên Khánh), biểu diễn Công chiêng (huyện Nho Quan), biểu diễn Múa rối nước; các hoạt động dịch vụ mới như hội chợ thương mại, trưng bày triển lãm, quảng bá du lịch… 

Sự đổi mới nội dung lễ hội truyền thống là rất khó khăn, nhất là một Lễ hội có từ lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Ninh Bình. Song việc đổi mới dựa trên nền tảng của nét văn hóa lễ hội dân gian, tạo điều kiện, lôi cuốn, phát huy vai trò của nhân dân, để người dân trực tiếp tham gia các hoạt động của Lễ hội nhiều hơn đã mang lại hiệu quả cao, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, thu hút ngày càng đông đảo du khách thập phương về trẩy hội. Đây là mạch chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức Lễ hội trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đổi mới nội dung, hoạt động truyền thông quảng bá luôn được quan tâm đổi mới và mở rộng. Song song với các hình thức truyền thông truyền thống và chỉ triển khai trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: các trang thông tin điện tử, truyền hình, Báo, mạng xã hội, đặc biệt là phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia được thực hiện thường xuyên đã góp phần tuyên truyền rộng rãi về Lễ hội, về hình ảnh đất và con người Cố đô Hoa Lư- Ninh Bình đến du khách thập phương và bạn bè quốc tế.

PV: Lễ hội Hoa Lư năm 2019 có những hoạt động cơ bản nào thưa đồng chí?

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Hướng tới kỷ niệm 1051 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, Lễ hội Hoa Lư năm 2019 đã được UBND tỉnh Ninh Bình quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai ngay từ những ngày đầu năm, với việc ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND, ngày 28/1/2019 về việc tổ chức Lễ hội Hoa Lư năm 2019, đã chỉ rõ các hoạt động cơ bản của Lễ hội như sau: Nội dung phần lễ có 11 hoạt động: Lễ mở cửa đền, Lễ rước nước, Lễ mộc dục, Lễ dâng hương, Lễ tiến phẩm, Lễ rước kiệu, Nghi thức Thượng Long, Tế lễ cổ truyền, Tế Cửu khúc, Lễ Cầu Quốc thái dân an và Lễ hội hoa đăng, Lễ tạ.

Nội dung phần hội: Trọng tâm là Lễ khai mạc với phần nghi lễ và chương trình nghệ thuật chào mừng trong đó không thể thiếu màn trình diễn “Trống hội Hoa Lư”, màn diễn “Lễ đăng quang Hoàng đế”, “Cờ lau tập trận” và màn diễn “Kéo chữ Thái Bình”; Các hoạt động văn hóa, văn nghệ: biểu diễn múa lân, múa rồng, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, múa rối nước, chiếu phim, các chương trình giao lưu nghệ thuật quần chúng trong đó có biểu diễn trống, biểu diễn cồng chiêng; Hội trại thanh niên: tổ chức các cuộc thi dựng và trang trí trại, cắm hoa nghệ thuật, kéo co, thi nấu cơm nhanh, ném còn…

Các trò chơi dân gian được tổ chức trong Lễ hội là Cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm, bắn cung, bắn nỏ; Các hoạt động thể thao: giao lưu bóng chuyền, giải vật dân tộc; Các hoạt động thi, trưng bày, triển lãm, quảng bá: Thi và trưng bày mâm ngũ quả tiến Vua, thi “Kéo chữ Thái Bình”, thi Thư pháp, thi chèo thuyền khéo, trưng bày hình ảnh hiện vật Kinh đô Hoa Lư, triển lãm ảnh nghệ thuật “Non nước Ninh Bình”, trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản tiêu biểu của tỉnh, hoạt động quảng bá du lịch.

PV: Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho Lễ Hội Hoa Lư năm 2019 đã được triển khai thế nào thưa đồng chí?

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch và thành lập Ban tổ chức Lễ hội, Ban tổ chức đã ban hành chương trình hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và tổ chức hội nghị để triển khai Kế hoạch. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương đã tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ đã được phân công. Đến nay, về cơ bản công tác chuẩn bị đã và đang trong quá trình được thực hiện, đảm bảo nghiêm túc, chu đáo, đúng tiến độ, cụ thể:

Công tác tuyên truyền về Lễ hội đã được tập trung đẩy mạnh: Ban tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn tuyên truyền; Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn tuyên truyền trực quan trên địa bàn tỉnh, lên maket băng rôn tuyền trên địa bàn thành phố Ninh Bình; UBND huyện Hoa Lư xây dựng maket cụm pano tuyên truyền trên địa bàn huyện; Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình tỉnh sản xuất các trailer phát sóng trên truyền hình, banner tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Đài. Khai thác, đăng tải phát sóng các phóng sự, phim tài liệu về vai trò, vị thế của Vua Đinh Tiên Hoàng và Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Các hoạt động phần Lễ được quan tâm chuẩn bị chu đáo, Uỷ ban nhân dân dân huyện Hoa Lư phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao rà soát và tiến hành các bước chuẩn bị chu đáo các nghi thức phần Lễ, đặc biệt quan tâm đến việc duy trì và bảo tồn nghi thức Tế Cửu khúc sau khi được phục dựng.

Hoạt động phần hội: Ban tổ chức Lễ hội đã xây dựng chương trình Lễ khai mạc và kịch bản Chương trình nghệ thuật; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã xây dựng chương trình và đang tổ chức tập luyện; các hội thi, hội trại đã xây dựng kế hoạch, ban hành điều lệ và phổ biến đến các cơ quan có liên quan chuẩn bị tham gia sôi nổi; các hoạt động trưng bày, triển lãm quảng bá cũng đã hoàn thành các bước chuẩn bị cơ bản cho việc tham gia tại Lễ hội.

Công tác hậu cần đã được triển khai ngay từ những ngày đầu với việc kiểm tra, rà soát, chuẩn bị các điều kiện liên quan cho việc tổ chức Lễ hội như: lọng vàng, ô che, cờ các loại (cờ Tổ quốc, cờ Thái Bình, cờ Thiên Phúc, cờ hội); trang phục của người khiêng kiệu, múa rồng, cầm cờ, đội bát âm, người chèo thuyền; trống, kiệu, chấp kích, bắt bửu đã được hoàn thành; hoàn thành cải tạo, tu sửa các hạng mục có liên quan phục vụ hoạt động của Lễ hội; chỉnh trang hệ thống cây xanh, thảm hoa, trong khuôn viên di tích; xây dựng phương án cấp điện và phương án dự phòng nguồn điện, khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn, ổn định lưới điện trong thời gian diễn ra Lễ hội.

 Cục quản lí thị trường Ninh Bình bố trí lực lượng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo giá cả, chất lượng thị trường, dịch vụ khu vực Lễ hội và vùng lân cận. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ luôn được quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo cho hoạt động an toàn của Lễ hội.

Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Lư năm 2019, về cơ bản được tiến hành chu đáo, đúng tiến độ đề ra. Trong thời gian tới, để tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện cho Lễ hội, Ban tổ chức chú trọng một số nội dung sau: Tập trung tuyên truyền về vị trí, vai trò và giá trị to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc và Lễ hội Hoa Lư 2019 gắn với tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của tỉnh; tập trung chỉ đạo và triển khai các nội dung hoạt động phần lễ và phần hội, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho Lễ khai mạc và các nghi thức Lễ trong khuôn khổ Lễ hội; tiếp tục triển khai các phương án, kiểm tra đôn đốc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, giá cả thị trường…tại khu vực tổ chức các hoạt động Lễ hội. Tất cả các nội dung trên nhằm hướng đến mùa Lễ hội Hoa Lư năm 2019 trang nghiêm, an toàn và lành mạnh, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách thập phương về dự hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Trích nguồn Báo Ninh Bình