Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Hội nghị góp ý kiến Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

10/05/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng 06/5, tại tỉnh Ninh Bình, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội nghị góp ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Chủ trì Hội nghị là 03 đồng chí: Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo các cơ quan ban ngành ở Trung ương và địa phương.

Đồng chí Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến, tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý và trình các cơ quan thẩm quyền, xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội. Tiếp đó, Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý đã trình bày những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 Điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam điều hành nội dung thảo luận với 04 bài tham luận, 07 lượt phát biểu ý kiến góp ý ở nhiều góc độ, lĩnh vực nghiên cứu về Dự thảo Luật đến từ các cơ quan, ban, ngành trung ương và địa phương. Trong đó, nổi bật có các nội dung như: kinh nghiệm và kỹ năng xử lý bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em; vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; phát huy vai trò của các cấp Hội trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tư vấn, hoà giải về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở. Các đại biểu thống nhất về sự cần thiết trong việc sửa đổi Luật, bổ sung quy định mới nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế Nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Các đồng biểu chủ động, tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết Hội nghị đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu tham dự. Đồng thời, đồng chí cũng nhấn mạnh các bài tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tổng hợp, tiếp thu và biên tập thành nguồn tư liệu để cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật và Ủy ban Xã hội của Quốc hội có cơ sở tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, đảm bảo chất lượng trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (dự kiến vào tháng 5/2022)./.