Tọa đàm khoa học “Tư vấn về Chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ”
01/10/2024Sáng ngày 10 tháng 9 năm 2024, tại khách sạn Hoàng Sơn (thành phố Ninh Bình), Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Tư vấn về Chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ”.
Mục đích của toạ đàm nhằm tập hợp các nghiên cứu khoa học liên ngành về kinh thành Hoa Lư; đồng thời cung cấp thêm những tư liệu mới, những cơ sở khoa học quan trọng trong việc phỏng dựng, phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung. Tham khảo kinh nghiệm trong nước và quốc tế, nhất là kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong việc bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng các kinh đô cổ, đề xuất các ý tưởng, giải pháp có tính khả thi, có thể triển khai thực hiện việc phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung, đóng góp vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố Trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo.
Khung cảnh Tọa đàm
Dự và chủ trì Tọa đàm có đồng chí PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo các Viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, lãnh đạo Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố của tỉnh.
PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trình bày báo cáo tham luận trung tâm.
Tọa đàm đã tiếp nhận 03 báo cáo trung tâm về phương án phỏng dựng, phục dựng kiến trúc cung điện Hoàng thành Hoa Lư và trên 07 ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lịch sử, văn hóa, di sản. Từ nhiều lĩnh vực và với những cách tiếp cận khác nhau nhưng các ý kiến tham luận đều tập trung vào những vấn đề chính gắn với chủ đề Tọa đàm, đó là:
1. Giá trị lịch sử văn hoá của kinh đô Hoa Lư, trong đó trọng tâm là di sản khảo cổ học.
2. Kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới về bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản kinh đô cổ.
3. Các phương án bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản kinh thành Hoa Lư; trong đó nhấn mạnh đến việc áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến.
4. Những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện các sản phẩm cụ thể và yêu cầu về nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản kinh thành Hoa Lư.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trình bày Báo cáo tham luận.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, nhấn mạnh: Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm, dưới 3 triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý, nhưng có vị trí, vị thế quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc. Qua đó đã hình thành nên vị thế của Cố đô Hoa Lư trong tâm thức, tinh thần của nhân dân. Sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nhiều công trình vật chất và dấu ấn tinh thần Hoa Lư đã được dịch chuyển ra Thăng Long... Trải qua thời gian, nhiều di sản của kinh đô Hoa Lư đã mai một dưới tác động thời gian, biến động lịch sử - xã hội. Vì vậy, đặt ra yêu cầu cần phải tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phỏng dựng, phục dựng, phục hồi, bảo tồn di sản hóa các kiến trúc, cảnh quan riêng có, giá trị văn hóa đặc sắc của Cố đô Hoa Lư gắn với giáo dục truyền thống, bảo tồn di sản, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Đối tượng nghiên cứu phục dựng, phỏng dựng là: Cung điện, Hoàng thành Hoa Lư, Trường thành Hoa Lư; di sản cảnh quan Hoa Lư, các kiến trúc nhà cửa, dinh thự, công quán, cầu cống, cảng thị của Kinh thành Hoa Lư (các kiến trúc trong Kinh thành Hoa Lư như "đài", "vọng", "quán", "lầu", "cầu"... phục vụ cho đời sống Hoàng cung Đinh - Tiền Lê - Lý; các "quân doanh", "cảng thị", "hàng quán" của đời sống quân thành và thị thành; phục dựng gắn với công viên hóa các làng nghề như gốm Bồ Bát (có sản xuất, thương mại, biểu diễn…); nghề thủ công truyền thống, các sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng – tôn giáo, nghệ thuật…
NNC Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thảo luận trao đổi tại tọa đàm.
Những năm qua, khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư đã được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các tầng lớp nhân dân quan tâm thực hiện nhiều dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng cơ chế quản lý, bước đầu ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày hình ảnh, tài liệu, hiện vật gốc thu được từ các cuộc khai quật khảo cổ nhằm tái hiện sinh động một phần kinh đô Hoa Lư, góp phần nâng cao trải nghiệm của người dân và các du khách trong nước, quốc tế. Nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật … của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã và đang được thực hiện giúp đẩy mạnh đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô. Tuy nhiên, công tác tu bổ, tôn tạo khu di tích còn chưa đồng bộ, việc phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư chưa xứng đáng với tầm vóc của kinh đô Hoa Lư lịch sử. Công tác nhận diện, định hình về không gian, diện mạo của Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung còn nhiều khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Việc phỏng dựng, phục dựng kinh đô Hoa Lư là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư, xây dựng các sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch có chất lượng phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, lấy di sản làm nền tảng, trong đó di sản Hoa Lư đóng vai trò nòng cốt.
PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu Tổng kết bế mạc Tọa đàm.
Tại Tọa đàm có 03 báo cáo khoa học được trình bày tại Hội trường và nhiều ý kiến thảo luận trao đổi tại tọa đàm của các chuyên gia, nhà khoa học. Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các nhà lãnh đạo quản lý địa phương xác định được các ý tưởng, giải pháp có tính khả thi để có thể sớm triển khai thực hiện phỏng dựng, phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung, đóng góp vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh.
Toạ đàm khoa học “Tư vấn về Chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ” là hoạt động nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư”; đồng thời có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh hướng tới xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Bài viết khác
- ĐẢNG BỘ SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO TỔ CHỨC LỄ TRAO TẶNG HUY HIỆU 30 ĐẢNG
- HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC VĂN HÓA, THỂ THAO 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2024
- Công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Bình
- HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC VĂN HÓA, THỂ THAO QUÝ I VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM QUÝ II NĂM 2024
- THƯ VIỆN TỈNH NINH BÌNH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024