Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Hội thảo khoa học “Nghề gốm cổ Ninh Bình, truyền thống và hiện đại”

05/05/2023

Thực hiện Kế hoạch số 122/KH-BTC ngày 01/02/2023 của Ban Tổ chức Hội thảo khoa học “Nghề gốm cổ Ninh Bình, truyền thống và hiện đại”. Sáng ngày 20/4/2023, tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham (Hoa Lư, Ninh Bình), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo "Nghề gốm cổ Ninh Bình, truyền thống và hiện đại".

Dự hội thảo, về phía Đại học học Quốc gia Hà Nội có GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển; PGS.TS Vũ Văn Quân, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, đồng Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Toàn cảnh Hội thảo

Về phía tỉnh Ninh Bình, Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo: Đ/c Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Đ/c Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh;  Đ/c Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao và các Sở, ban ngành của tỉnh; Lãnh đạo UBND huyện Yên Mô, huyện Nho Quan; đại biểu các tổ chức Hội và các địa phương, nghệ nhân sản xuất gốm.

Cùng dự hội thảo có PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Ninh Bình tại Hà Nội;  cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hóa trong nước, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu của tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 32 bài tham luận của 40 tác giả là các chuyên gia khảo cổ, lịch sử, di sản văn hóa, công nghiệp văn hóa… Nội dung các bải tham luận tập trung vào hai nội dung chính là Di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử và Nghề gốm Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị.

Tại báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Quân nhấn mạnh: “Theo các nghiên cứu khảo cổ học hiện biết, đồ gốm Ninh Bình được đánh giá là đồ gốm sớm nhất ở Việt Nam, có niên đại khoảng 8.000 – 9.000 năm cách ngày nay; Bước vào thời kỳ sơ sử, cộng đồng dân cư thời đại kim khí tại Mán Bạc đã tạo dựng một nền văn hóa đồ gốm rực rỡ, trở thành một bộ phận quan trọng của đỉnh cao gốm tiền sơ sử ở miền Bắc Việt Nam; Giai đoạn đầu của thời kỳ tái lập nền độc lập thời Đinh – Tiền Lê, hoạt động sản xuất gốm tại Ninh Bình phát triển nhanh chóng. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, Ninh Bình luôn đóng vai trò như là một trung tâm gốm Việt Nam”.

Nhà khoa học tham luận tại Hội thảo

 

Hội thảo có 12 tham luận được trình bày tại hội trường, chia làm 2 phiên thảo luận. Các báo cáo tham luận đã tập trung thảo luận hai vấn đề lớn về di sản gốm và mục tiêu phục hồi, phát huy di sản gốm Ninh Bình trong hiện tại, tương lai. Mỗi tác giả, nhóm tác giả đều cung cấp nhiều luận chứng khoa học về di tích, di vật liên quan đến di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử; khái quát hóa quá trình thực tiễn nhiều cam go và những thành quả nhất định của việc khôi phục các làng gốm cổ trong và ngoài nước; gợi ý về mô hình phù hợp nhằm khôi phục và phát huy nghề gốm Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế văn hóa hiện nay. Các tham luận, đều từ góc nhìn riêng của mình đã góp phần xác định giá trị, quan sát thực tiễn và xây dựng mô hình nhằm tham vấn tỉnh Ninh Bình đưa nghề gốm cổ dần bước vào quỹ đạo phát triển kinh tế văn hóa hiện nay.

Đồng chí Tống Quang Thìn, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn nhấn mạnh: Ninh Bình là vùng đất linh thiêng, đầy huyền tích, huyền sử, có bề dày lịch sử nghìn năm, kết tinh thành văn hóa đặc trưng của quê hương Cố đô. Ninh Bình cũng luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực chăm lo cho văn hóa, đặc biệt là công tác khảo cổ học để làm rõ hơn vị thế và dấu ấn của vùng đất, con người Ninh Bình trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Qua hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những ý kiến tâm huyết, chuyên sâu của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, Ban liên lạc đồng hương tỉnh Ninh Bình tại Hà Nội. Những ý kiến tại hội thảo là cơ sở quan trọng để tỉnh xây dựng, hoạch định các chính sách phát triển nghề gốm, khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương. Thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao và các Sở, ngành có liên quan tham mưu xây dựng Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của di tích khảo cổ học Mán Bạc; phát triển nghề gốm Bồ Bát, tạo ra sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa của Ninh Bình.

Hội thảo khoa học “Nghề gốm cổ Ninh Bình - truyền thống và hiện đại”, là một trong những sự kiện khoa học quan trọng của tỉnh Ninh Bình nhằm bổ sung, củng cố, làm rõ các luận cứ khoa học, lịch sử, văn hóa của quá trình hình thành và phát triển nghề gốm nói riêng, vùng đất Ninh Bình nói chung (bao gồm đồ gốm, đồ sành, đồ sứ, vật liệu kiến trúc) qua các giai đoạn lịch sử trên vùng đất Ninh Bình; Nghiên cứu và làm sáng tỏ vai trò, vị trí của di tích khảo cổ học Mán Bạc và làng gốm cổ Bồ Bát trong lịch sử hình thành, phát triển nghề gốm và vùng đất, con người Ninh Bình, từ đó đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy truyền thống nghề gốm cổ Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội và văn hóa tại địa phương.

 

Hình ảnh một số hoạt động diễn ra tại hội thảo:

 

 

Bài và ảnh: Phòng Quản lý Di sản văn hóa