Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Festival Ninh Bình 2022 - Nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa di sản văn hóa của dân tộc

22/11/2022

Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 19/11/2022 đã được tổ chức thành công tốt đẹp với nhiều hoạt động sôi nổi mang tính kết nối và lan tỏa văn hóa, tỉnh Ninh Bình đã thực sự sống trong không khí lễ hội sôi động, hân hoan với chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch diễn ra luân phiên, đan xen đầy màu sắc và ấn tượng, thấm đẫm tinh thần di sản văn hóa truyền thống dân tộc. ‘Sắc màu di sản” hội tụ tại Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến

“Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản” được tổ chức với phương châm các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có di sản văn hóa tiêu biểu cùng tham gia trên tinh thần kết nối, giao lưu, chia sẻ và quảng bá đến đông đảo nhân dân và du khách trong nước, quốc tế; mang di sản văn hoá ở mọi vùng miền, mọi quốc gia tiếp cận gần hơn với người dân và du khách; tạo mối liên hệ khăng khít, cộng cảm giữa các vùng, miền có di sản trong việc chung tay giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hóa.

 Tham dự Festival Ninh Bình 2022 có 15 tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau, tỉnh Ninh Bình và đoàn nghệ thuật tỉnh Udomxay (Nước CHDCND Lào) cùng sự góp mặt của các hoa hậu là đại diện của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới tổ chức tại Việt Nam.

          Festival Ninh Bình năm 2022 bao gồm 05 hoạt động mang tính kết nối và lan toả cao. Trong đó chương trình nghệ thuật khai mạc Festival tổ chức vào tối ngày 17/11/2022 được xây dựng như một bức tranh sinh động, hòa điệu của các di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, các di sản văn hoá tiêu biểu của quốc gia, của các tỉnh, thành phố, đại diện các vùng, miền trong nước và quốc tế tham gia sự kiện.

Chương trình nghệ thuật Khai mạc Festival Ninh Bình 2022. Ảnh: Sở VH&TT

Phát biểu tại Khai mạc Festival Ninh Bình 2022, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã nhấn mạnh: “Chúng ta vui mừng đón nhận sáng kiến của tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival di sản Ninh Bình lần thứ nhất, năm 2022 nhằm từng bước xây dựng một thương hiệu văn hoá đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hoá căn cốt của dân tộc, thể hiện sức sống, sức lưu truyền, lan toả của tinh hoa văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tạo cơ hội để kết nối di sản văn hoá từ các địa phương trong cả nước và các nước láng giềng anh em, góp phần gắn kết các tỉnh anh em”.

Đ/c Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Khai mạc Festival Ninh Bình 2022. Ảnh: Sở VH&TT

Ca khúc chèo “Ninh Bình tiếng vọng yêu thương” của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Sở VH&TT

Trình diễn nghệ thuật ca trù và múa rối nước. Ảnh: Sở VH&TT

Hát quan họ Bắc Ninh: Ngồi tựa mạn thuyền. Ảnh: Sở VH&TT

Trình diễn Trò Xuân Phả (Thanh Hóa). Ảnh: Sở VH&TT

Trình diễn Múa cung đình “Lục cúng Hoa Đăng” (Huế). Ảnh: Sở VH&TT

Trình diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử. Ảnh: Sở VH&TT

 

 

Ngày thứ hai của Fesitval đã diễn ra một loại các hoạt động đặc sắc, ý nghĩa. Triển lãm di sản văn hoá và lịch sử truyền thống diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 19/11/2022 với sự tham gia của 11 tỉnh, thành phố, trưng bày các mô hình, hình ảnh, hiện vật, sản phẩm văn hóa tiêu biểu, mang đặc trưng văn hoá của các vùng, miền trong cả nước. Tại đây, nhân dân và du khách đã được tham quan, tiếp cận những thông tin cơ bản, khái quát về các di sản được UNESCO vinh danh như: di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình, Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long của Hà Nội, Thành nhà Hồ của Thanh Hóa, các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như: Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nhã nhạc Cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Đờn ca tài tử Nam bộ… và nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu khác.

Không gian Triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Sở VH&TT

Chương trình Lễ hội đường phố với chủ đề “Hành trình theo miền di sản” được tổ chức vào tối ngày 18/11/2022 với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật, các nghệ nhân dân gian đến từ các tỉnh, thành phố đại diện các vùng, miền trong cả nước, tỉnh Udomxay - Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các địa phương của tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, Lễ hội đường phố có sự góp mặt và trình diễn của các hoa hậu là đại diện của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới được tổ chức tại Việt Nam. Các phần trình diễn của các đoàn trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình đã tạo nên không gian văn hoá sôi động, hấp dẫn, cuốn hút người dân và du khách cùng tham gia và trải nghiệm về các loại hình di sản văn hoá nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng mang dấu ấn của nhiều vùng văn hoá khác nhau trong nước và trên thế giới.

Các hoa hậu tham gia trình diễn tại lễ hội đường phố. Ảnh: Báo Ninh Bình

Tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ thuật thành phố Hà Nội. Ảnh: Báo Ninh Bình

Đoàn nghệ thuật tỉnh Udomxay, Lào trình diễn tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Báo Ninh Bình

Tiếp nối Lễ hội đường phố là chương trình Đại nhạc hội tổ chức tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế. Chương trình Đại nhạc hội gồm tiết mục âm nhạc mang âm hưởng truyền thống và hiện đại qua phần thể hiện của nhiều ca sỹ trẻ được yêu thích đã thu hút được đông đảo nhân dân và du khách đón xem và thưởng thức.

Tại chương trình Bế mạc Festival được tổ chức vào tối ngày 19/11/2022 trong không gian mang đầy màu sắc di sản văn hóa tại sân khấu Phố cổ Hoa Lư, nhân dân và đông đảo du khách đã được hòa mình vào chương trình nghệ thuật "Giao lưu - Kết nối - Lan tỏa" với sự trình diễn của các nghệ nhân, nghệ sỹ thuộc các tỉnh, thành phố, các đoàn nghệ thuật tham gia Festival.

Tiết mục biểu diễn của Nhà hát chèo Ninh Bình. Ảnh: Báo Ninh Bình

Tiết mục biểu diễn không gian cồng chiêng Tây Nguyên (Gia Lai). Ảnh: Báo Ninh Bình

Phát biểu tổng kết Bế mạc, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Festival cho biết: Là địa phương chủ nhà của Festival, với tinh thần tích cực, chủ động, trọng thị và hiếu khách của một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với B Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam, các tỉnh, thành phố bạn và Đại sứ quán các nước tại Việt Nam trong công tác chuẩn bị và tổ chức các sự kiện; đã dành sự quan tâm đặc biệt, huy động toàn lực với tinh thần đoàn kết, nỗ lực cao nhất để Festival Ninh Bình diễn ra an toàn, thành công, nhân dân và du khách được hưởng thụ không gian văn hóa truyền thống và hiện đại, sôi nổi và lắng đọng, để Festival Ninh Bình thực sự là điểm hẹn văn hoá.

Có thể khẳng định với lần đầu tiên được tổ chức, Festival Ninh Bình đã thực sự mang lại sự mới lạ, một cách nhìn, một cách tiếp cận khác về các di sản văn hoá truyền thống.

Bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa của dân tộc

Nước ta hiện có khoảng 7 vạn di sản được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 14 di sản được UNESCO ghi danh. Riêng tỉnh Ninh Bình đã có gần 400 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 81 di tích quốc gia, 03 di tích quốc gia đặc biệt và là địa phương duy nhất ở Việt Nam sở hữu Di sản thế giới hỗn hợp, bảo gồm cả tiêu chí văn hoá và thiên nhiên. Đây là nguồn lực quan trọng để Ninh Bình đẩy mạnh phát triển du lịch văn hoá nói riêng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân.

Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam phát biểu tại Khai mạc Festival đã nhấn mạnh: Chúng ta mong và tin rằng thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Festival này, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm dành ưu tiên xây dựng văn hoá, con người tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và của “vùng đất cố đô Ninh Bình” nói riêng.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó trưởng ban thường trực BTC Fesitval cho biết: “Thông qua việc tổ chức Festival Ninh Bình năm 2022, chúng tôi mong muốn và hy vọng sẽ tiếp tục truyền tải ngọn lửa đam mê và tinh thần trách nhiệm trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá đến đông đảo nhân dân và du khách, làm cơ sở để cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng các dân tộc, các quốc gia, các vùng lãnh thổ trên thế giới cùng kết nối, cùng lan toả, trao cho nhau sự hiểu biết và hưởng thụ các giá trị di sản văn hoá tiêu biểu của dân tộc, của nhân loại.

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó trưởng ban thường trực BTC Fesitval phát biểu khai mạc Triển lãm, Lễ hội đường phố  và chương trình Đại nhạc hội. Ảnh: Báo Ninh Bình

Thành công của Festival Ninh Bình năm 2022 chính là tiền đề, cơ sở quan trọng để tỉnh Ninh Bình hướng tới xây dựng “Festival Ninh Bình” trở thành sự kiện văn hóa lớn, một thương hiệu quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế; nơi hội tụ, kết nối, kết tinh, tôn vinh, lan tỏa các giá trị di sản văn hoá tiêu biểu của dân tộc và nhân loại. Festival Ninh Bình dự kiến sẽ được tổ chức định kỳ 02 năm một lần, với sự tham gia của các địa phương, các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và du khách, góp phần quảng bá hình ảnh, thúc đẩy giao lưu, hợp tác, phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Thành Đức, Phòng Quản lý văn hóa