Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học hang Ông Giao, thôn Hang Nước, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp

23/11/2023

Sáng ngày 03 tháng 10 năm 2023, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật hang Ông Giao, thôn Hang Nước, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp. Dự hội nghị có Tiến sỹ Hà Văn Cẩn – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Tiến sỹ Bùi Văn Liêm – Tổng biên tập tạp chí Khảo cổ học, Tiến sỹ Nguyễn Gia Đối – Phó Tổng biên tập tạp chí Khảo cổ học; bà Vũ Thanh Lịch – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; ông Vũ Đình Chiến – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Tam Điệp; các đồng chí lãnh đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; các đồng chí lãnh đạo các phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố; đại diện UBND xã Quang Sơn, đại diện thôn Hang Nước (Xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp) và toàn thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh.

 

Tháng 9 năm 2023, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình; Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã chỉ đạo Bảo tàng Ninh Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật hang Ông Giao thuộc địa phận thôn Hang Nước, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp. Nhóm nghiên cứu gồm các thành viên trong Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Ninh Bình do ông Nguyễn Xuân Khang – Giám đốc Bảo tàng chủ trì khai quật.

Tại đây, nhóm nghiên cứu đã tiến hành mở 2 hố khai quật với tổng diện tích gần 5m2. Địa tầng của 2 hố khai quật tương đối giống nhau, đều gồm 4 lớp với độ sâu khoảng 30 cm so với bề mặt. Lớp 2 là lớp văn hóa với nhiều di cốt động vật và di vật.

Ông Nguyễn Xuân Khang – Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình phát biểu khai mạc hội nghị

Tiến sỹ Phạm Thanh Sơn – cán bộ Viện Khảo cổ học, thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả khai quật

Kết quả khai quật thu được nhiều hiện vật có giá trị gồm:

- Di cốt động vật về cơ bản là tàn tích thức ăn của người tiền sử, bao gồm vỏ nhuyễn thể nước ngọt và nước mặn trong đó nước ngọt chiếm đa số; xương động vật ăn thịt và giáp xác.

- Công cụ đá phát hiện tại 2 hố khai quật không nhiều nhưng khá đa dạng về loại hình gồm công cụ rìa ngang, công cụ hạch, mảnh tước, rìu ngắn, hòn ghè… Chất liệu chế tác công cụ chia sẻ sự tương đồng với nhiều di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh với tình hình chung là sự chiếm đa số của công cụ đá vôi. Đặc điểm chế tác của những công cụ này mang phong cách văn hóa Hòa Bình.

 

- Đồ gốm được phát hiện chủ yếu tại lớp mặt và lớp 1 của 2 hố khai quật với tổng số khoảng 60 mảnh. Theo nhận định ban đầu, đây là những mảnh gốm tiền sử đặc trưng của văn hóa Đa Bút giai đoạn muộn.

- Đồ trang sức là một loại hình di vật đặc biệt được tìm thấy tại hang Ông Giao. Đây là những hạt chuỗi được chế tác, mài và khoan từ vỏ nhuyễn thể đặc trưng của cư dân văn hóa Đa Bút giai đoạn muộn.

Các đại biểu tham gia thảo luận

Hang Ông Giao mặc dù là một di tích có diện tích khiêm tốn nhưng hàm chứa nhiều dữ liệu có thể tìm hiểu rõ hơn tác động của quá trình biển tiến, biến thoái với cư dân Đa Bút ở vùng đồng bằng Ninh Bình và Thanh Hóa. Việc tuyên truyền kết quả nghiên cứu về hang Ông Giao nói riêng và tiềm năng khảo cổ học của thành phố Tam Điệp nói chung là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.

Một số hình ảnh khai quật khảo cổ tại Hang Ông Giao:

Toàn cảnh núi Ông Giao (thôn Hang Nước, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp)

Phía trước hang Ông Giao

Cán bộ đang xác định vị trí khai quật khảo cổ học

Cán bộ đang hướng dẫn dân công phân loại hiện vật

Cán bộ và dân công khai quật lớp bề mặt hố khai quật số 2

Cán bộ và dân công bảo quản sơ bộ hiện vật khai quật.

 

Nguyễn Xuân Khang – Lê Thị Vân Trang