Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

HỘI THẢO KHOA HỌC THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NGHỆ THUẬT HÁT XẨM Ở NINH BÌNH

09/12/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thực hiện Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019 - 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 1274/QĐ-UBND ngày 23/10/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình. Ngày 01/12/2022, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với UBND huyện Yên Mô tổ chức Hội thảo khoa học ‘Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình” tại hội trường UBND huyện Yên Mô.

Dự Hội thảo có các đồng chí Vũ Thanh Lịch - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Tiến sĩ Vũ Diệu Trung, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; đồng chí An Đôn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô; các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân, đại diện các CLB nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành phố; đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố trong tỉnh...

Phát biểu khai mạc và Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao và Tiến sĩ Vũ Diệu Trung, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định: Hát Xẩm là một loại hình âm nhạc dân gian, một lối diễn xướng độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc với lối kể sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn. Các bài hát Xẩm là một kho tàng tri thức dân gian phong phú, đa dạng phản ánh hiện thực cuộc sống của người dân lao động qua từng giai đoạn lịch sử. Nghệ thuật Hát Xẩm đã có thời gian dài phát triển rộng khắp trên các vùng nông thôn đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với nhiều phong cách, mang những nét văn hóa khác nhau của các vùng, miền.

Riêng tại vùng đất Ninh Bình – nơi không chỉ có "báu vật nhân văn sống” - cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được xem là nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX – mà còn lưu giữ khoảng 20 làn điệu Xẩm, trong đó có 8 làn điệu chính, biểu hiện các cung bậc cảm xúc của con người, các sắc thái vui buồn của cuộc sống. Điều đó đã khiến hát Xẩm trở thành một loại hình nghệ thuật đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình, đã và đang được phục hồi và phát triển trong đời sống cộng đồng tại Ninh Bình.          

Nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình vẫn đang được các thế hệ truyền nhân của cố nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu duy trì và truyền dạy cho các lớp trẻ. Từ 2015 đến nay, đã có 14 lớp truyền dạy hát Xẩm được tổ chức, gồm cả các lớp học hát và sử dụng nhạc cụ hát Xẩm cho những người dân yêu thích, các giáo viên âm nhạc trong các trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bản tỉnh. Việc tổ chức kịp thời các lớp truyền dạy có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa đang có nguy cơ thất truyền này. Các lớp học cung cấp một nguồn nghệ sĩ, diễn viên nòng cốt trong các CLB nghệ thuật không chuyên trên địa bàn tỉnh, giúp lan tỏa môn nghệ thuật truyền thống này đến mọi tầng lớp nhân dân. Tính đến nay, toàn tỉnh có 800 CLB nghệ thuật truyền thống sinh hoạt đều đặn, có chất lượng cao ở cả ba loại hình hát Chèo, Hát Xẩm và hát Chầu văn. Trong đó, có 9 CLB chuyên về hát Xẩm và có thực hành hát Xẩm tập trung chủ yếu ở huyện Yên Mô, đang mở rộng và xây dựng thêm một số CLB chuyên về hát Xẩm ở huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn, Tam Điệp.

Trong những năm vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện khoa học, bài bản, phù hợp với thực tiễn các nội dung trong Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Xẩm trên địa bàn tỉnh, làm cho hát Xẩm thực sự quay trở lại thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân Ninh Bình. Hội thảo khoa học hôm nay là một trong những nội dung quan trọng của đề án nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nghệ nhân để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát Xẩm, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp bền vững nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả nghệ thuật này trong đời sống đương đại, đồng thời nâng cao chất lượng của các CLB thực hành hát Xẩm trên địa bàn tỉnh.

         

Đ/c Nguyễn Cao Tấn - Phó Giám đốc Sở Du lịch phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý và nghệ nhân thảo luận những vấn đề thực tiễn về hát Xẩm, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật này trong đời sống hiện nay. Qua đó đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, đánh giá sức sống của nghệ thuật hát Xẩm trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian quan. Từ đó đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh một cách bền vững.

Bà Nguyễn Thị Kim Cương – Nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Ninh Bình phát biểu tham luận tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 25 bài tham luận có chất lượng nội dung cao cùng với những đóng góp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân… Kết quả thu được từ hội thảo là những cơ sở khoa học, khách quan cho việc Sở Văn hoá và Thể thao sẽ đề xuất các giải pháp hiệu quả giúp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm ở tỉnh Ninh Bình, từ đó hướng tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại./.

Phòng Quản lý Di sản Văn hóa