Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH ĐỀN NÚI MUÔI, XÃ GIA LẠC, HUYỆN GIA VIỄN, TỈNH NINH BÌNH

19/04/2024

Sáng ngày 09/04/2024, tại Nhà văn hóa thôn Mai Sơn, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với đền núi Muôi.

Về dự lễ đón nhận có Đồng chí Vũ Thị Dược – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn; đại diện phòng Văn hóa huyện Gia Viễn, phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; các đại biểu UBND xã Gia Lạc, cùng đông đảo nhân dân xã Gia Lạc về tham dự.

Đồng chí An Thị Mùi – Chủ tịch UBND xã phát biểu tại lễ đón bằng

Đền núi Muôi là nơi thờ cúng, tưởng niệm: Mẫu Tam phủ và bà Trần Thị Nguyệt Anh, một nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Bà là người thôn Lê Đò (nay là thôn Mai Sơn). Cha của bà là ông Trần Trang Bí bị thái thú Tô Định bắt và giết hại. Đến năm 40, bà Trần Thị Nguyệt Anh cùng với bà Vương Thị Tiên (người làng Sầy, thuộc huyện Nho Quan) tòng quân theo nghĩa quân của Hai Bà Trưng quyết tâm đánh tan quân Tô Định để đền nợ nước, trả thù nhà. Khi được tin Hai Bà Trưng thất trận, nhảy xuống sông Hát Giang tuẫn tiết, hai bà Trần Thị Nguyệt Anh và Vương Thị Tiên cùng gieo mình xuống sông Đáy tự vẫn ngày 12/10/43. Để tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân lập đền thờ cúng, phụng tự từ hàng nghìn năm nay, và tôn làm Bà chúa Mẫu bản phương của thôn.

Về kiến trúc Đền núi Muôi nằm trong không gian đậm nét văn hóa làng quê vùng đất Gia Lạc, xây dựng trên khu đất cao, rộng 200m2 , dưới chân núi Muôi. Đền được xây theo kiến trúc chữ Đinh, gồm 3 gian tiền đường và 1 gian hậu cung nối liền, tường hồi bít đốc. Di tích được xây dựng nhìn về hướng Nam, các ban thờ trong di tích cũng quay theo hướng này.

Di tích đền núi Muôi

Tại đền núi Muôi còn lưu giữ được 02 đạo sắc phong thời Nguyễn. Các đạo sắc được làm bằng giấy dó. Trên các đạo sắc phong ngoài chữ Hán còn in hình rồng, vân mây. Trên mỗi đạo sắc tại phần lạc khoản đóng dấu ấn của vua trong khung hình vuông. Tại di tích còn lưu giữ được hai sắc phong: Sắc phong có niên hiệu Khải Định năm thứ 02 (1917), và sắc phong niên hiệu Khải Định thứ 09 (1924)

Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội chính sau (tính theo âm lịch): Lễ giỗ Mẫu Tam Phủ (mùng 01 tháng 03), Lễ húy kỵ bà Trần Thị Nguyệt Anh (Ngày 08 tháng 08), Lễ Khai xuân (Ngày mùng 06 tháng Giêng), Tết Thượng nguyên (Ngày rằm tháng Giêng), Lễ Kỳ phúc (Ngày 23 tháng Chạp). Các ngày lễ đều có phàn lễ và phần hội.

Đại biểu trao bằng xếp hạng cho đại diện di tích

 Các đại biểu dâng hương tại di tích

Đền núi Muôi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã làm phong phú thêm hệ thống cơ sở thờ sự được công nhận tại xã Gia Lạc nói chung và huyện Gia Viễn nói riêng. Làm giàu đẹp thêm tín ngưỡng thờ Mẫu có từ xa xửa và được truyền lại qua nhiều đời cho tới nay, là di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Chính quyền và nhân dân xã Gia Lạc tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vốn có tại đền núi Muôi.

 

Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao