Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG “NGHỀ CÓI KIM SƠN”

07/05/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 5 điểm ( 1 đánh giá )

Ngày 25/04/2024 Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ký quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề thủ công truyền thống Nghề Cói Kim Sơn, nâng tổng số Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lên 07 di sản.

Huyện Kim Sơn nằm ở phía Đông Nam tỉnh Ninh Bình, đất đai thổ nhưỡng và địa hình của huyện Kim Sơn được chia làm hai vùng rõ rệt, gồm vùng đồng bằng và ven biển. Với hệ thống sông ngòi dày đặc, trong đó có 3 sông lớn gồm sông Đáy, sông Càn và sông Vạc đổ ra biển ở cửa Đáy tạo nên lượng phù sa rất lớn cho vùng đất Kim Sơn, góp phần vào quá trình bồi tụ lấn biển của vùng đất này.  

Cánh đồng Cói ở Kim Sơn vào mùa thu hoạch

 

Căn cứ sử sách, các thần tích, dấu tích khảo cổ và truyền thuyết tại địa phương, thời gian hình thành các làng chuyên làm nghề Cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình gắn liền với quá trình thau chua rửa mặn và công cuộc khai hoang lấn biển thành lập huyện Kim Sơn của Dinh Điền sứ Nguyễn Công Trứ.

 

Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn có 23 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề cói, trong đó một số làng nghề tiêu biểu bao gồm: làng nghề Trí Chính, làng nghề Kiến Thái và làng nghề Thủ Trung (xã Kim Chính); làng nghề Đồng Bắc, làng nghề Hướng Đạo (xã Đồng Hướng); làng nghề Ninh Mật, làng nghề Yên Thổ (xã Yên Mật); làng nghề Yên Bình, làng nghề Yên Lộc, làng nghề Tây Bắc, làng nghề Mỹ Hợp, làng nghề Tân Khẩn và làng nghề Văn Hải (xã Thượng Kiệm)…

Hình ảnh trong một xưởng đan cói ở Kim Sơn

Huyện Kim Sơn có hơn 5.000 doanh nghiệp và hộ cá thể tham gia trồng, sơ chế và sản xuất những sản phẩm liên quan đến cói. Sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa, còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hàn Quốc,… với những đơn đặt hàng lớn và ổn định. Các sản phẩm như: chiếu đậu, chiếu cải, đồ lưu niệm là những mặt hàng cung cấp đến tất cả các vùng miền của đất nước.

Trong suốt chiều dài lịch sử, nghề cói Kim Sơn luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội xã hội của người dân huyện Kim Sơn. Bởi, sản phẩm từ nghề cói Kim Sơn là một sản phẩm đặc biệt phục vụ nhu cầu quan trọng không thể thiếu trong đời sống thường ngày.

Nghề cói ở Kim Sơn có lịch sử hình thành lâu đời, tồn tại và được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Tuy có những bước thăng trầm nhưng nghề cói vẫn đang phát triển và làm thay đổi điện mạo đời sống kinh tế - xã hội của một vùng đất, thu hút mọi lứa tuổi lao động nghề nghiệp, gắn kết từng gia đình, dòng họ, xóm làng. Đây chính là nét đẹp văn hóa truyền thống thiêng liêng, bền vững có được trong quá trình khai hoang lấn biển, mang cốt cách riêng của người dân Kim Sơn.

Chiếu cói và các sản phẩm từ cói là kết tinh của nghề trồng cói và kỹ thuật đan/dệt của đôi bàn tay người thợ cói. Các nghệ nhân ở các làng nghề vừa là người giữ gìn, trao truyền những kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, đặc biệt là kỹ thuật dệt/đan chiếu độc đáo để làm ra những sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.

Sau khi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với quá trình bảo tồn, phát triển các làng nghề, kết hợp chặt chẽ với các loại hình du lịch làng nghề, du lịch sinh thái; đổi mới cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực và quan tâm đúng mức và tôn vinh tài năng các nghệ nhân làng nghề cói, đặc biệt là những nghệ nhân đã và đang dệt chiếu.

Phòng Quản lý Di sản văn hoá

Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình