Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ các địa điểm thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình năm 2022

06/01/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngày 27/12/2022, tại chùa Nhất Trụ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ các địa điểm thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, gồm: Cánh đồng Nội Trong, Cánh đồng Hang Trâu thuộc thôn Tây và Vườn chùa Nhất Trụ thuộc thôn Nam, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự hội nghị có các đại biểu đại diện Cục Di sản văn hóa, TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, TS. Nguyễn Gia Đối – Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đồng chí lãnh đạo Sở, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND huyện Hoa Lư, UBND xã Trường Yên, lãnh đạo các phòng chuyên môn Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Chi hội Di sản văn hóa tỉnh...

Được sự nhất trí chủ trương của UBND tỉnh Ninh Bình,thực hiện Quyết định số 1527/QĐ-BVHTTDL ngày 04/7/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tiến hành khai quật khảo cổ trong thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2022 tại 03 địa điểm: cánh đồng Nội Trong, cánh đồng Hang Trâu và vườn chùa Nhất Trụ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư với tổng diện tích 900m2.

Các đại biểu tham quan thực tế và nghe thuyết minh tại địa điểm cánh đồng Hang Trâu

Việc khai quật nghiên cứu ở các địa điểm này nhằm thu thập tư liệu di tích, di vật khảo cổ, từ đó từng bước làm rõ quy mô, không gian phân bố, mặt bằng kiến trúc, quá trình hình thành, phát triển và kỹ thuật xây dựng… các công trình kiến trúc phân bố ở Kinh đô Hoa Lư cũng như đời sống sinh hoạt thường nhật trong đời sống cung đình thời Đinh - Tiền Lê.

Khu di tích Cố đô Hoa Lư là nơi lưu giữ những vết tích cũ của Kinh đô Hoa Lư thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X. Trong 42 năm đảm nhiệm vị trí là kinh đô của triều Đinh, Tiền Lê và buổi đầu triều Lý, Hoa Lư đã trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá của nhà nước độc lập và tự chủ. Tuy nhiên, trải qua thời gian tồn tại lâu dài, đến nay các công trình ấy không còn trên mặt đất. Đến Hoa Lư hôm nay chỉ còn thấy dấu vết tòa thành đá thiên nhiên hùng vĩ và các ngôi đền tưởng nhớ hai triều đại Đinh - Tiền Lê xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII trở lại đây. Kết quả khai quật khảo cổ tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư những năm qua đã đóng góp thêm những nhận thức mới, quan trọng về vùng đất Ninh Bình giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên và Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X. Quy hoạch chung của Cố đô Hoa Lư gồm Cấm thành, Hoàng thành (thuộc khu Thành Ngoại) và các khu vực phụ trợ (khu Thành Nội và không gian xung quanh). Kết quả khai quật qua các năm 1998, 2009-2010 và 2021 ở Cố đô Hoa Lư ghi nhận những công trình kiến trúc giai đoạn Trường Châu và thời Đinh - Tiền Lê phân bố dày đặc; quy mô và không gian phân bố các công trình kiến trúc rộng lớn.

 

Các đại biểu tham quan thực tế và nghe cán bộ Viện Khảo cổ học thuyết minh tại địa điểm cánh đồng Nội Trong

Kết quả công tác khai quật nghiên cứu khảo cổ học năm 2022 tiếp tục xác định chi tiết hơn không gian phân bố các công trình kiến trúc ở Cấm thành và Hoàng thành Hoa Lư. Các dấu tích khảo cổ ở Nội Trong và Hang Trâu ghi nhận mặt bằng tổng thể Cấm thành Hoa Lư gồm 2 khu vực: Khu trung tâm được nhà Đinh – Tiền Lê xây dựng khi lựa chọn nơi đây làm kinh đô, cũng chính là trung tâm Khu di tích Cố đô Hoa Lư hiện nay. Khu Hậu cung nằm về phía nam khu trung tâm, là nơi vốn có các kiến trúc thuộc trị sở Trường Châu trước thế kỷ X, sau đó được nhà Đinh - Tiền Lê tiếp tục tái sử dụng (từng phần hoặc lấy vật liệu kiến trúc).

Giữa hai khu này ngăn cách với nhau bằng một vườn cây ở thời Đinh, nhưng đến thời Lê thì được chuyển đổi chức năng thành một nền sân đất đắp rộng. Các công trình kiến trúc trong Cấm thành có thể có nhiều hướng khác nhau nhưng đều quy tụ về kiến trúc trung tâm hoặc những trục đường dẫn về kiến trúc trung tâm. Kiến trúc trung tâm (Chính điện) nằm ở giữa Đền vua Đinh và Đền vua Lê hiện nay; một phần của kiến trúc đã xuất lộ qua cuộc khai quật năm 2021.

Các đại biểu tham quan thực tế và nghe cán bộ Viện Khảo cổ học thuyết minh tại địa điểm vườn chùa Nhất Trụ

Chùa Nhất Trụ được biết đến với tư cách là ngôi quốc tự đầu tiên của nhà nước Đại (Cồ) Việt - nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên của dân tộc. Ngoài cột kinh Phật bằng đá được vua Lê Đại Hành dựng năm 996, đợt khai quật khảo cổ năm 1991 do Bảo tàng tỉnh Hà Nam Ninh thực hiện đã phát hiện những dấu tích có thể là móng trụ của một công trình kiến trúc có quy mô lớn nằm gần cột kinh bằng đá hiện còn. Đợt khai quật năm 2022 đã tiếp tục phát hiện lớp đất sét đắp nền thời Tiền Lê và hệ thống gia cố móng chân cột của 02 kiến trúc khác nhau nằm trong lớp sét đắp. Những dấu tích kiến trúc đã thu thập qua các đợt khai quật đã góp phần xác định trong không gian chùa Nhất Trụ xưa bao gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc khác nhau.

Tại các khu vực Nội Trong, Hang Trâu và vườn chùa Nhất Trụ đã phát hiện nhiều vật liệu xây dựng gạch, ngói chủ yếu thuộc hai giai đoạn trước và sau thế kỷ X; một số đồ gia dụng chủ yếu là đồ gốm men thời Tống thế kỷ IX-XI và đồ sành mang đặc trưng thế kỷ X được sản xuất tại chỗ. Ngoài ra, cũng phát hiện được một số hiện vật khảo cổ có niên đại thời Trần và Lê Sơ chủ yếu nằm ở bề mặt nền sân ở chùa Nhất Trụ.

Một số hiện vật thu được tại 03 địa điểm khai quật khảo cổ năm 2022

Sau khi nghe Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý (Chủ trì khai quật) thay mặt đoàn công tác báo cáo sơ bộ những kết quả của đợt khai quật khảo cổ học lần này, các đại biểu đã tham gia phát biểu đề xuất, kiến nghị như: Cần tăng cường công tác bảo vệ hiện trạng di tích tại khu vực nghiên cứu ở các địa điểm Nội Trong và Hang Trâu, tiếp tục mở rộng nghiên cứu khảo cổ học khu vực Cố đô Hoa Lư, nhất là không gian phân bố quanh chùa Nhất Trụ (ngôi quốc tự đầu tiên của đất nước) để làm dày thêm tư liệu, phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, nhằm góp phần khẳng định giá trị đặc biệt của Khu di tích, xứng đáng với tầm vóc là kinh đô của nhà nước Đại (Cồ) Việt – nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Phòng Quản lý Di sản Văn hóa