Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

CHÙA NHẤT TRỤ

07/07/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chùa nằm tại khu vực thành Ngoài của kinh đô Hoa Lư xưa, tọa lạc tại thôn Nam, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, cách đền thờ vua Đinh và vua Lê khoảng 150m về phía Bắc. Tên của chùa có từ xa xưa, gắn với một hiện vật đặc biệt được lưu giữ tại chùa, đó là cột (trụ) kinh đá - hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt.

Không gian cảnh quan chùa nhìn từ hướng Tây

Sau khi thống nhất các sứ quân, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt, các vua triều Đinh và Tiền Lê luôn coi trọng Phật giáo, các nhà sư như Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận được tham dự công việc triều chính, luận bàn chính sự, thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, tiếp các sứ giả nhà Tống... Triều đình ban phẩm hàm cho các vị tăng sĩ. Đây là một thời kỳ thịnh đạt của Phật giáo Việt Nam. Tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư hiện còn bảo tồn được nhiều ngôi chùa cổ, theo truyền thuyết có từ thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X), như: chùa Am, chùa Đìa, chùa Ngần, chùa Nhất Trụ, chùa Bà Ngô… Trong đó, chùa Nhất Trụ là ngôi cổ tự có giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1997.

Tam quan chùa nhìn từ hướng Tây

Chùa Nhất Trụ không chỉ là tự viện quan trọng của Phật giáo tại Ninh Bình, mà còn là không gian văn hóa tín ngưỡng, địa điểm tổ chức hội hè, tế lễ hàng năm của nhân dân địa phương, đặc sắc nhất là lễ Khao tống thuyền rồng được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Vào ngày này, trước sân chùa lập đàn tế, đèn nến sáng trưng. Phía dưới bàn thờ là một chiếc thuyền lớn được đan bằng tre, xung quanh dán giấy màu xanh, vàng, đỏ, tím, trắng, đầu thuyền uốn thành hình đầu rồng dán giấy màu vàng, vảy màu bạc, kim tuyến. Trong lòng thuyền đặt tiền vàng, giấy sớ. Sau khi nhà sư hành lễ, thuyền rồng được dân làng rước ra bến trước cửa đền thờ vua Đinh để thả xuống sông cùng với chiêng, trống, thanh la, não bạt vang động. Thuyền được thả trôi sông sau khi nhà sư châm hóa giấy sớ. Đây là lễ cúng Phật cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu cho nhân dân trong vùng bình an, thịnh vượng.  

Không gian Hậu cung chùa Nhất Trụ

Chùa toạ lạc trên khoảng đất rộng gần một mẫu Bắc Bộ, gần sông Sào Khê, trông về hướng Tây. Ngay phía trước chùa là đình làng Yên Thành thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Tam quan chùa xây gạch, có 3 cửa, phía trên xây kiểu 2 tầng 8 mái, dán ngói vẩy. Cửa giữa lớn nhất, mặt ngoài có đắp đại tự bằng chữ Hán “Nhất Trụ tự” (chùa Nhất Trụ), tầng trên treo quả chuông lớn. Các hạng mục kiến trúc chính trong khuôn viên gồm: chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách, lầu thờ Khổng Tử, nhà che cột kinh, khu vườn tháp và các công trình phụ trợ khác. Di tích đã được tu bổ, tôn tạo tổng thể trong những năm gần đây, tuy nhiên chỉ còn chùa chính giữ được kiến trúc gốc thời Nguyễn. Chùa chính bố cục hình “chữ đinh”, gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường có 1 tầng 2 mái, xây kiểu tường hồi bít đốc, 5 gian. Các bộ vì nóc gian giữa  kiểu giá chiêng, vì nách dùng kẻ ngồi, các cấu kiện chủ yếu được bào soi gờ chỉ, đầu xà lòng có chạm văn triện, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Thượng điện 3 gian thờ dọc, nối liền với gian giữa Tiền đường, vì nóc kiểu ván mê không chạm khắc, vì nách dùng kẻ, đặc biệt có dép nóc đỡ thượng lương tạo tác hình vân xoắn và bông sen đẹp và lạ, ít gặp trong các di tích khác. Thượng điện là không gian cho việc bài trí tượng Phật với các lớp tượng: Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm tọa sơn, Thích Ca sơ sinh…

Không gian nội thất tòa Tiền đường

Hệ thống hiện vật ở chùa Nhất Trụ tương đối phong phú và đa dạng, với hàng chục pho tượng và các đồ thờ tự khác.

Đặc biệt nhất trong đó là cột kinh Phật, được đặt trong nhà che dạng lầu 2 tầng 8 mái, nằm chếch về phía Bắc sân chùa, ngay phía sau Tam quan. Cột kinh Phật được làm hoàn toàn bằng đá xanh, gồm 6 bộ phận lắp gá vào nhau dựng thẳng đứng trên mặt đất, gồm: tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen. Các bộ phận này lắp ghép vào nhau bằng mộng tròn, hoàn toàn không có chất kết dính, nhưng vững chắc. Thực tế, thân cột kinh Phật chùa Nhất Trụ đã bị nghiêng về phía Bắc khoảng 7cm so với trục thẳng đứng, song vẫn đứng vững trước mưa gió từ bao đời nay. Tổng chiều cao của toàn cột kinh Phật là 416cm. Phía dưới cùng (hiện chìm sát mặt đất) là tảng vuông mỗi cạnh dài 140cm, dày 30cm, lỗ mộng tròn chính giữa đường kính 29cm để lắp cột. Bao quanh lỗ mộng là một vòng cánh sen đơn có 22 cánh thon gọn như một bông hoa sen mãn khai ôm lấy đế tròn phía trên, có thể đây là tiền đề cho những chân tảng đá chạm cánh sen trong các ngôi chùa từ thời Lý về sau. Đế tròn bên trên chân tảng có hình dáng trên to dưới nhỏ, đường kính phía dưới 66cm, phía trên 76cm, dày 32,5cm. Bên dưới đế có ngõng tròn, phía trên có lỗ mộng để gá lắp với các bộ phận khác. Thân cột kinh hình bát giác, cao 237cm, to dần về phía trên, đường kính từ 61cm đến 65cm, trên các mặt chạm khắc kinh, kệ, lạc khoản bằng chữ Hán. Hai đầu cột đều có ngõng tra vào đế và thớt. Tiếp đó là thớt bát giác, số đo qua tâm từ mặt này sang mặt đối diện là 69cm, dày từ 10cm đến 13cm, mặt dưới phẳng, mặt trên có lỗ mộng tròn. Phía trên thớt bát giác là đấu bát giác, đường gờ miệng uốn lượn tạo thành 8 đỉnh nhọn. Chính giữa là mặt phẳng tròn để dựng chóp. Bên dưới thu nhỏ hơn đường kính của thớt, mặt trên phình to với đường kính tương tự thớt. Chiều cao của đấu đo ở đỉnh các cạnh là 26cm. Trên cùng là đỉnh hình búp sen cao 75cm, nhọn dần lên trên[1]. Tổng thể cột kinh như một búp sen khổng lồ đang vươn lên, mang đậm bản sắc triết lý Phật giáo[2].

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ

Trên 8 mặt của thân cột khắc đầy chữ Hán, nhưng trải qua thời gian hơn 1000 năm, nửa dưới và ba mặt nửa trên cột đã bị mờ hoàn toàn. Năm mặt nửa trên còn lại cũng không còn nguyên vẹn. Cột kinh ước khoảng 2.500 chữ, số chữ hiện có thể nhận dạng dấu vết là 1.200 chữ trong đó đa số chữ bị mờ khó đọc. Tuy nhiên cũng có thể nhận thấy nội dung phần văn tự cột đá này gồm lạc khoản, kệ, kinh. Số chữ hiện còn đọc được rõ ràng gồm 178 chữ. Minh văn chữ Hán còn lại trên thân cột kinh cho ta biết, nội dung của văn tự là kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà la ni và Kinh Thủ Lăng Nghiêm[3]. Cột Kinh Phật chùa Nhất Trụ có dòng lạc khoản: “Đệ tử Thăng Bình hoàng đế… Đại Thánh Minh Hoàng đế, Lê tổ thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên lai…” (dịch nghĩa: Người theo đạo Phật là Thăng Bình hoàng đế - [tức vua Lê Đại Hành]… Đại Thánh Minh hoàng đế tổ họ Lê, tự mình kế tiếp mệnh trời, cả định non sông lên ngôi đến nay là 16 năm...). Thông tin trên cho biết cột kinh được dựng năm 995.

Kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà la ni và Kinh Thủ Lăng Nghiêm khắc trên cột.

Cột kinh Phật là hiện vật độc bản do vua Lê Đại Hành cho dựng trong khuôn viên chùa Nhất Trụ thuộc phạm vi Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X, là dấu tích vật chất ít ỏi còn hiển hiện của kinh đô Hoa Lư vàng son một thuở. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Đô cũ nhà Đinh, nhà Lê: Ở xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ về phía Tây Bắc huyện Gia Viễn, …lúc bắt đầu xây dựng cũng rất hoa lệ, nay những nơi ấy đều là thôn xóm của dân, chỉ còn một cái cột đá, lớn 2 quầng, cao 1 trượng, bốn bên có ngấn chữ lờ mờ không nhận rõ được, có lẽ là di tích của chùa Nhất Trụ” [4].

Từ năm 1962 - 1963 đến nay, đã phát hiện nhiều chục cột kinh bằng đá có hình thức tương tự cột kinh chùa Nhất Trụ, tập trung chủ yếu ở ven bờ hữu ngạn sông Hoàng Long, gần chùa Bà Ngô, khu vực ngoại thành kinh đô Hoa Lư xưa, thường quen gọi là cột kinh Đinh Liễn (do Nam Việt Vương Đinh Liễn lập), trên các cột kinh này đều khắc bài kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà la ni[5]. Tuy nhiên, cột kinh chùa Nhất Trụ có kích thước to lớn vượt trội, có cấu tạo độc đáo, nghệ thuật chạm khắc chữ trên đá tinh tế, nghệ thuật chế tác đá đỉnh cao.

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ có giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa, là tư liệu vật chất minh chứng cho sự thịnh trị của đạo Phật ở Việt Nam thế kỷ X. Hiện vật là tư liệu quý giá không chỉ của Phật giáo mà của cả lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là tài liệu nghiên cứu khảo cổ học quan trọng, là tư liệu vật chất phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, thời kỳ hào hùng mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. Cột kinh này đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Một hiện vật đáng quan tâm nữa, đó là quả chuông đồng treo ở gian hồi bên phải Tiền đường. Chuông cao 1,5m, đường kính 65cm, nặng hơn 1 tạ. Quai chuông tạo hình đôi bồ lao, thân chắc khỏe có điểm các đám mây cuộn, vẩy tròn kép, vây lưng nhọn, đầu có sừng mập và ngắn,  râu mép  cuộn xoắn. Minh văn chữ Hán trên chuông còn rõ nét, thân chuông khắc niên đại Cảnh Thịnh thứ 7 (năm 1799), phía dưới có trang trí hình tứ linh. Đây là một trong không nhiều quả chuông thời Tây Sơn còn giữ được niên đại đầy đủ, rõ ràng, không bị tẩy xóa.

Chuông niên đại Cảnh Thịnh thứ 7 (1799)

Ngoài ra, dưới lòng đất chùa Nhất Trụ còn lưu giữ nhiều dấu vết vật chất của thời đại Đinh - Tiền Lê. Kết quả thám sát khảo cổ học năm 1991 của Bảo tàng Hà Nam Ninh tại đốc phía Nam chùa, trước nhà Tổ, đã phát hiện móng đá ở độ sâu 0,6m so với mặt sân hiện tại. Bên dưới móng đá là bè gỗ lim gồm 4 lớp phiến gỗ xếp chồng lên nhau, cùng với đó là những mảnh gạch có trang trí hoa sen, chim phượng, vò 6 núm…, có thể đây là móng của công trình kiến trúc Phật giáo chùa Nhất Trụ thời Đinh - Tiền Lê ở thế kỷ X[6].

Chùa Nhất Trụ, ngôi cổ tự có lịch sử trên ngàn năm, là di tích nổi bật trong số các di tích thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, là di tích mang đậm truyền thống lịch sử văn hóa, một trong những chứng tích của kinh đô Hoa Lư phồn hoa trong lịch sử dân tộc Việt Nam vào thế kỷ X, là minh chứng thêm cho mảnh đất ngàn năm văn vật Cố đô Hoa Lư.

Chú thích:

 (1) Thực tế chóp trên cùng đã bị mất, chóp hình búp sen là cấu kiện mới thêm vào.

  (2) Thuyết minh bảo vật quốc gia Cột kinh chùa Nhất Trụ. Tài liệu hồ sơ lưu tại Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình.

 (3) Đặng Công Nga. Cột kinh chùa Nhất Trụ. Tạp chí Văn hóa Ninh Bình, số 2, năm 1996, Tr….

 (4) Quốc sử quán Triều Nguyễn – “Đại Nam Nhất thống chí – Tập 3” NXB Thuận Hóa 2006, tr305

  (5) Hà Văn Tấn. Về tín ngưỡng cột kinh Phật đỉnh Tôn thắng ở thế kỷ X. Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001-2006). Nxb Chính trị quốc gia, H., 2006, tr. 309-312.

  (6) Nguyễn Văn Trò. Di tích lịch sử văn hóa về hai triều Đinh - Tiền Lê ở Ninh Bình. NXB Văn hóa dân tộc. H, 2007, tr. 79

Nguồn: Sách Di tích và Danh thắng Ninh Bình tập 1, NXB Văn hóa dân tộc.

Phòng Quản lý Di sản văn hóa