Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Trưng bày “Không gian Chợ Tết xưa” – Xuân Quý Mão 2023 tại Bảo tàng Ninh Bình

13/01/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình về việc tổ chức các hoạt động trong đợt chào mừng Mừng Đảng – Mừng Xuân Quý Mão 2023; được sự cho phép của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao; ngày 06/01/2023, Bảo tàng Ninh Bình long trọng tổ chức trưng bày chuyên đề “Không gian Chợ Tết xưa”.

Tới dự khai mạc có các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình; lãnh đạo các phòng Văn hóa, thông tin; Trung tâm Văn hóa, thông tin và truyền thanh các huyện, thành phố; lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc; các thầy cô giáo và các em học sinh trường THCS Trương Hánh Siêu (thành phố Ninh Bình); các đồng chí phóng viên Đài Phát thánh – Truyền hình, Báo Ninh Bình.

Các đồng chí lãnh đạo tham gia cắt băng khai mạc trưng bày

Đã từ rất lâu trong đời sống văn hóa của người Việt, Tết Nguyên đán (Tết cổ truyền) là ngày lễ lớn nhất trong các lễ hội truyền thống, là thời khắc thiêng liêng giao thời giữa năm cũ và năm mới. Trải qua một chặng đường dài của lịch sử, với biết bao thế hệ, nhiều phong tục tập quán đã bị mai một nhưng vẫn có những nét đẹp văn hóa của Tết xưa còn được giữ gìn cho đến ngày nay. Không khí Tết, phong tục tập quán ngày Tết thể hiện đậm nét trong các phiên chợ Tết.

Chợ Tết là những phiên chợ họp vào dịp Tết (thường từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp), phục vụ cho nhu cầu mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết. Chợ Tết được diễn ra nhiều nơi từ các đô thị cho tới vùng nông thôn, đến các vùng núi rừng, vùng cao. Một trong những phong tục vui Xuân của người Việt Nam là đi chợ Tết để cầu duyên, cầu tài lộc, mua may bán đắt. Chợ Tết xưa mang nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Để tái hiện lại không  gian "Chợ Tết xưa", Bảo tàng Ninh Bình sắp xếp và trang trí các gian hàng theo phong cách dân gian:

+ Cổng chợ: Tái hiện công chợ Tết được trang trí câu đối, đại tự,     hoa và mái lá cổ truyền.

+ Gian ông đồ: Ông đồ và tục cho chữ, viết thư pháp ngày Xuân.

+ Gian bán hàng gốm, sành sứ: Trưng bày các sản phẩm: Bát, đĩa, đũa, ấm chén, hộp đựng mứt Tết, dao, thớt…

+ Gian nông sản: Trưng bày các sản phẩm: Gạo nếp/tẻ, đỗ lạc, mộc nhĩ, nấm hương, măng, miến, rau các loại (Su hào, cải bắp, chuối xanh, súp lơ…).

+ Gian bánh kẹo: Trưng bày các sản phẩm: Mứt, các loại kẹo (kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo trứng chim…).

+ Gian đồ lưu niệm, vàng mã: Trưng bày các sản phẩm: Các loại tiền, vàng (Tiền xanh, đỏ, vàng, đô la, địa phủ…), hương, đèn, nến…

+ Gian bán hàng ẩm thực: Trưng bày các sản phẩm: Bánh chưng, bánh mật, bánh nếp, bánh lá, bánh tẻ, bánh cối, bánh đa…

+ Gian đồ dùng sinh hoạt, nông, ngư cụ: Trưng bày các sản phẩm: Rổ, rá, giần, sàng, thúng, mủng, nơm, rế, xoong, nồi…

+ Không gian trải nghiệm gói bánh chưng (Tổ chức gói và nấu bánh chưng.

+ Không gian chế biến lương thực: Xay lúa, giã gạo, dần, sàng, sảy…

+ Không gian hoa và cây cảnh: Các loại cây và hoa dịp Tết; đặc biệt là quất, đào..

+ Không gian tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống: Chơi đu, kéo co, ô ăn quan, nhảy dây, múa sạp, bịt mắt bắt vịt…

Tham gia phiên chợ Tết xưa tại Bảo tàng Ninh Bình, quí khách không chỉ được tham quan, trực tiếp mua bán các mặt  hàng  Tết, trực tiếp trải nghiệm các trò chơi dân gian, quí khách có thể hòa mình vào không gian Tết xưa với những bức ảnh check–in độc đáo trong trang phục cổ truyền.

Trưng bày “Không gian Chợ Tết xưa” diễn ra từ ngày 06/01/2023 đến ngày 13/01/2023 (Tức từ ngày 15 đến ngày 22 tháng Chạp năm Nhâm Dần).

Sau đây là một số hình ảnh:

Cổng chợ

Gian ông đồ cho chữ

Gian hàng đồ Gốm – Sứ

Gian hàng Nông sản

Gian hàng bánh kẹo Tết

Không gian trải nghiệm gói bánh chưng

Không gian tổ chức múa sạp

Không gian tổ chức chơi ô ăn quan

Không gian tổ chức chơi đu

Không gian tổ chức trò chơi “Bịt mắt bát vịt”

Không gian tổ chức nấu bánh chưng

Không gian trưng bày cây cảnh

 

                                                                                         Nguyễn Xuân Khang