Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

BÀN VỀ VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

19/06/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 1 điểm ( 1 đánh giá )

Với tư cách là một tế bào cơ bản và tự nhiên cấu thành nên xã hội, gia đình giữ vai trò trung tâm trong đời sống con người, là cái nôi nuôi dưỡng đầu tiên và là môi trường gần gũi, quan trọng nhất của mỗi đứa trẻ ngay từ lúc chào đời. Gia đình vừa là tấm lá chắn bảo vệ trẻ em khỏi những tác động tiêu cực từ bên ngoài, vừa là tấm màng lọc mà thông qua đó, trẻ được chọn lọc, tiếp thu những giá trị đạo đức và truyền thống văn hóa tốt đẹp. Nhận thức rõ điều đó, nhiều năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã nghiêm túc, chủ động, tích cực triển khai, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về gia đình, đặc biệt chú trọng lồng ghép công tác gia đình với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nâng cao vai trò của gia đình trong việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức của thế hệ trẻ, góp phần hoàn thành mục tiêu của phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Gia đình là tổ ấm an toàn cho trẻ…

Khi bàn về vai trò của gia đình trong công tác trẻ em, yếu tố đầu tiên cần nhắc tới đó chính là trách nhiệm bảo vệ, không để trẻ bị xâm hại, tước đoạt các quyền và lợi ích chính đáng đã được pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế công nhận. Giống như mọi người dân khác, trẻ em có các quyền cơ bản như: được sống; được chăm sóc, nuôi dưỡng; được học tập, lao động, vui chơi, giải trí; được thể hiện suy nghĩ, nguyện vọng bản thân; được phát triển sở thích, năng khiếu cá nhân;…

Cùng với đó, bảo vệ trẻ em cũng đồng nghĩa với việc thường xuyên quan tâm, theo sát, kịp thời xử lý, ngăn chặn những hành vi tiêu cực tác động tới trẻ khi tham gia học tập, sinh hoạt tại các thiết chế khác như nhà trường và cộng đồng xã hội. Trước bối cảnh nước ta đang chịu nhiều ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, văn hóa thời công nghệ số, sự xuất hiện và không ngừng gia tăng của tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích như: xâm hại tình dục, bạo lực học đường, bạo lực trên mạng xã hội, nghiện chất kích thích, nạn buôn bán người, tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước,…, đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải luôn đề cao việc bảo vệ, trang bị cho con em mình những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết, phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi của trẻ.

Được chăm sóc con là thiên chức của bậc cha mẹ…

Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái là quan hệ huyết thống, mang tính pháp lý, được hình thành tự nhiên và không có một công cụ luật pháp nào có thể xóa bỏ được. Chính vì vậy, chăm sóc con trẻ không chỉ là trách nhiệm mà còn là “bản năng” của mỗi bậc cha mẹ. Khi còn nhỏ, mọi nhu cầu sống cơ bản của trẻ như ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe,... đều phụ thuộc vào người lớn trong gia đình. Ngoài các yếu tố vật chất, họ cũng là những người đảm nhiệm chức năng chăm sóc cho trẻ về mặt trí tuệ, tạo điều kiện giúp trẻ tiếp cận và tham gia các hoạt động nâng cao năng lực, tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung, quan sát, thúc đẩy tư duy và sự sáng tạo.

Việc chăm sóc con cháu nên được xuất phát từ tình yêu thương, tự nguyện; bằng thái độ, cử chỉ chân thành, thấu hiểu; không có sự phân biệt đối xử theo giới tính, độ tuổi, tình trạng hôn nhân của cha mẹ; được diễn ra thường xuyên và có sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt hơn đối với những đứa trẻ thiệt thòi, khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ.

Một gia đình hạnh phúc tạo nên một đứa trẻ hạnh phúc…

Mỗi người con khi được sinh ra thường dành những ánh mắt đầu tiên để hướng về cha mẹ, âm thanh đầu tiên được tiếp nhận là tiếng nói của mẹ cha, là “cánh cò”, “con vạc” trong lời hát ru của ông bà. Sự giáo dục đầu tiên về đời sống gia đình và truyền thống văn hóa dân tộc cũng được khơi nguồn từ đó. Trong hành trình của sự trưởng thành, ký ức tuổi thơ trong vòng tay của gia đình sẽ luôn theo chân các em trên mỗi giai đoạn phát triển. Dù đó là kỷ niệm buồn hay vui, có nhiều hay có ít, tất cả những điều ấy cũng đã trở thành hành trang mà các con sẽ mang theo trên suốt con đường đời.

Có thể khẳng định, gia đình là trường học đầu tiên của thế hệ trẻ và việc xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn hạnh phúc gia đình là yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định tới chất lượng giáo dục của ngôi trường đó. Bởi lẽ nếu được sinh ra trong một gia đình có nề nếp văn hóa, các thành viên thực sự hòa thuận, gắn bó, hết lòng chăm lo lẫn nhau thì đứa trẻ đó sẽ dễ dàng được trưởng thành với những nét tính cách và nếp sống tốt. Khi cảm nhận được đủ đầy tình yêu thương, con trẻ cũng sẽ có một trái tim nồng hậu, một thái độ sống tích cực, hoạt bát, vui vẻ. Nhưng đó cũng là điều thiệt thòi cho những em nhỏ phải lớn lên trong một gia đình thường xuyên có những mâu thuẫn, bất hòa, ưa cãi vã, bạo lực, thiếu thốn sự bảo vệ, chăm sóc, yêu thương trọn vẹn của cả cha và mẹ,… Các em sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc định hướng đúng đắn thái độ, hành vi, cử chỉ của mình. Chỉ ở nơi được thuộc về, con người ta mới sống đúng với bản ngã và toả sáng được những phẩm chất tốt đẹp nhất. Bởi vậy, người lớn trong gia đình hãy tự học cách dung hòa các mối quan hệ, tìm được tiếng nói chung để xây dựng ngôi nhà thực sự trở thành tổ ấm, tạo dựng trường học chân chính của tình thương và lẽ phải, mỗi ngày nuôi dưỡng, bồi đắp trí lực, nhân cách cho con trẻ.

Dù là một cách vô tình hay có ý thức, các con sẽ lặp lại chính những thói quen, cử chỉ, hành vi, lời nói của mọi người xung quanh. Đặc biệt là ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình - những người trẻ được tiếp xúc mỗi ngày. Bởi vậy, để phát huy tốt vai trò của gia đình trong công tác giáo dục trẻ em, mỗi bậc cha mẹ cũng phải tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; trở thành một công dân có ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội; là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo. Sự gương mẫu đó sẽ tạo ra uy tín và lòng kính trọng ở con, giúp con dễ dàng tiếp nhận, tin tưởng và nghe theo những lời khuyên dạy của cha mẹ.

Một thực tế đáng quan tâm hiện nay là do điều kiện kinh tế còn khó khăn, xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh cuốn mọi cá nhân vào vòng xoáy của “cơm, áo, gạo tiền”, thiếu quỹ thời gian cần thiết để sum họp gia đình. Nề nếp sinh hoạt lỏng lẻo đã dần hình thành nên lối sống khép kín, xa cách người thân và chính vì sự giáo dục lơ là, chủ quan của cha mẹ đã khiến con trẻ dễ vấp phải những trắc trở đầu đời. Đã không ít ông bố, bà mẹ chỉ thực sự “tỉnh thức” khi nhận tin xấu về con, ân hận không kịp khi biết con mình đã mắc phải các tệ nạn xã hội, vướng vào vòng lao lý,…

Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng năng lực giáo dục, kiến thức hiểu biết của một số phụ huynh còn hạn chế, chưa thể có được quan điểm và phương pháp nuôi dạy con phù hợp. Các thành viên trong gia đình thường không có sự phân định rõ ràng giữa nghiêm khắc và hành vi bạo lực. Họ dùng uy quyền để áp đặt, dùng lời lẽ cay độc, hành vi hành hạ, đánh đập để ép buộc con trẻ thực hiện những điều mà họ tin là lẽ phải. Kỷ luật là cần thiết, nhưng nếu thái quá, cực đoan sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Hệ lụy đầu tiên của việc “dạy bảo” thô bạo đó chính là những mối quan hệ gia đình rạn nứt, đẩy các con vào thế cô lập, luôn bi quan, tự ti, sợ hãi; dẫn tới những dấu hiệu khủng hoảng về tâm lý, nhiều em trở nên hung hãn, lỳ lợm, chống đối; đau lòng hơn là vấn nạn tự tử ở trẻ đang ngày càng gia tăng. Kinh nghiệm của nhiều bậc cha mẹ cho thấy, con đường ngắn và dễ đi nhất để giáo dục con em mình là con đường tình cảm. Với những vấn đề cần truyền dạy, cha mẹ nên dùng lý lẽ, lời nói dễ nghe, thái độ gần gũi, chân thành để giảng giải và thuyết phục con. Cha mẹ cũng cần chú ý tiếp thu những ý kiến hợp lý của con, mang tới tâm lý bình đẳng, tạo cơ hội cho con được khẳng định lòng tự trọng, tự tôn của mình.

Ở một chiều hướng khác, nhiều bậc cha mẹ lại có sự nhầm lẫn giữa “bao bọc”, “hi sinh” với “nuông chiều”. Bảo vệ, chăm sóc không đồng nghĩa với việc đáp ứng mọi yêu cầu, thay con thực hiện mọi công việc và tước đoạt đi cơ hội được trải nghiệm, trưởng thành của con. Đây được coi là một trong những nguyên nhân lớn nhất tạo nên thái độ sống ích kỉ, ỷ lại, thờ ơ, vô cảm của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Roi vọt không làm nên một đứa trẻ ngoan, nhu nhược cũng không tạo nên được một người con tốt, bạo lực hay quá nuông chiều đều không thể được núp dưới cái bóng của “yêu thương”. Chỉ có giáo dục nghiêm khắc, gương mẫu kết hợp cùng với lòng kiên trì, nhẫn nại, luôn tôn trọng, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của con, thấu hiểu những ưu nhược điểm để bồi đắp, dẫn dắt mới giúp các con phát triển hài hòa, có đủ tự tin, bản lĩnh để nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng một tương lai tốt đẹp.

Trẻ em là thế giới ngày mai nhưng tương lai của trẻ phần lớn lại phụ thuộc vào sự bảo vệ, chăm sóc, giáo dục của gia đình ngày hôm nay. Mỗi chúng ta, mỗi bậc phụ huynh hãy phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tiếp nhận tinh hoa của nhân loại; ra sức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; có sự liên hệ chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội để tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, giúp con em mình có thể trở thành một công dân toàn diện, có đầy đủ đức và tài, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, tốt đẹp hơn, ngày một lan tỏa sự tử tế và tình thương yêu ra trong cộng đồng, xã hội.

Phòng Xây dựng nếp sống Văn hóa