Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Tọa đàm về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước

21/03/2023

Sáng ngày 17/3/2023, tại tỉnh Ninh Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Toạ đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Toạ đàm do Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.

Đến dự và trao đổi tại buổi Tọa đàm có các vị đại biểu của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương như: Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Vụ Khoa giáo - Văn xã Văn phòng Chính phủ, Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội Vụ, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Vụ Văn hóa dân tộc, Văn phòng Bộ, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Lãnh đạo một số Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh cùng các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, khoa học pháp lý trao đổi ý kiến.

Quang cảnh Toạ đàm

Sau phần phát biểu khai mạc và đề dẫn, Tọa đàm lắng nghe dự thảo Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg và dự thảo Nghị định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư do Ban Chủ tọa Tọa đàm giới thiệu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL giới thiệu về dự thảo Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg và dự thảo Nghị định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư

Các đại biểu từ các sở, ngành địa phương đã đưa ra ý kiến đóng góp, nêu bật những kết quả thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg tại địa phương mình, đồng thời kiến nghị những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới, những góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo và dự thảo Nghị định.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng những chuyên gia văn hóa, khoa học pháp lý tích cực trao đổi, chia sẻ những thông tin, kiến thức, bài học kinh nghiệm, giải pháp ý nghĩa, thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Thông qua Toạ đàm, các đại biểu có cái nhìn tổng quát hơn về những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời phân tích những nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 24 điều, với những điểm mới về nguyên tắc xây dựng, thực hiện; về phạm vi nội dung, hình thức; vấn đề lấy ý kiến, thông qua, công nhận hương ước, quy ước; về thông tin, tuyên truyền cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai thực hiện… được các chuyên gia nhận định sẽ đem lại những hiệu quả rõ rệt hơn trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, hỗ trợ tích cực hơn cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, để hệ thống hương ước, quy ước trên địa bàn cả nước sẽ là những quy ước, hương ước có điều lệ văn minh, gắn kết với cuộc sống trong tinh thần đoàn kết của nhân dân, mang tính nhân văn, tiến bộ, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Trần Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Toạ đàm

Các chuyên gia tích cực trao đổi ý kiến tại Toạ đàm

Tại tỉnh Ninh Bình, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong các khu dân cư đã được các cấp, ngành quan tâm phối hợp chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Đến nay 143/143 xã, phường, thị trấn đã thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn. 1.679/1.679 thôn, làng, khu phố (đạt 100%) có hương ước, quy ước đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định công nhận. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tự quản, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, hỗ trợ cho hoạt động quản lý Nhà nước, giữ vững ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân./.

Phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình