Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

01/06/2021

I. Khái quát về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index)

Cải cách hành chính là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhà nước (thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức…) nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại.        

 PAR Index (viết tắt tiếng Anh: Public Administration Reform Index) là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) được Bộ Nội vụ ban hành tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 về phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" với mục tiêu: Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khác quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần để xác định PAR INDEX được thực hiện theo ba nhóm phương pháp. Thứ nhất là tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, các tỉnh theo thang điểm đã quy định. Thứ hai là Bộ Nội vụ thẩm định điểm các bộ, tỉnh tự đánh giá, chấm điểm với sự tư vấn của Hội đồng thẩm định. Thứ ba là điểm đánh giá qua điều tra xã hội học từ việc lấy ý kiến người dân, DN hay còn gọi là đối tượng thụ hưởng cải cách hành chính.

II. Thực trạng và giải pháp

Trong những năm vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm công tác CCHC và đã có sự chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội được đề ra từ đầu năm, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của tỉnh nhà.
Nhằm chủ động tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Ninh Binh đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Theo kết quả công bố tại báo cáo của Bộ Nội vụ, tỉnh Ninh Bình xếp thứ 8/63 tỉnh thành phố.

Theo công bố của UBND tỉnh, năm 2019 có 18/20 sở, ban, ngành được xếp loại tốt về chỉ số CCHC. Trong đó có một số đơn vị đạt được điểm cao như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nội vụ; Sở Tài chính, Sở Công thương; Sở Giáo dục và Đào tạo, Các sở: Văn hóa và Thể thao; Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra tỉnh là những đơn vị còn có điểm chỉ số cải cách hành chính thấp.

Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ TTHC đã triển khai có phát sinh hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích thấp tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích thấp; Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến ở mức độ 3, 4 chưa cao; Tỷ lệ giải quyết TTHC quá hạn vẫn chưa đạt 100%. Công tác tuyên truyền CCHC mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu của UBND tỉnh; Chưa có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong công tác CCHC mang tính đột phá.

Một số giải pháp trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

 Công tác CCHC phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Theo đó, Lãnh đạo Sở  chịu trách nhiệm tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC được giao tại chương trình, kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh.
        Việc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo chất lượng, cần được đầu tư nghiên cứu có tầm chiến lược; Xác định rõ kết quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng phòng, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ; Trên cơ sở đó thường xuyên đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện để chấn chỉnh kịp thời hạn chế, thiếu sót.

Thứ hai, cải cách TTHC cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
       Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kiểm soát, cập nhật, bổ sung kịp thời việc ban hành các TTHC mới. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các tục hành chính, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện tốt việc công bố, công khai các quy trình, TTHC trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình.

Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính của Sở. Tập trung phấn đấu giảm thời gian thực hiện TTHC trong lĩnh vực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao quản lý. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới cách thức giải quyết TTHC, đảm bảo thực hiện việc giải quyết TTHC đúng thời hạn.

 Thứ ba, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả
         Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị của Sở Văn hóa và Thể thao đảm bảo sự thống nhất trong triển khai các chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu cải cách theo  Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;

Thực hiện tinh giản biên chế theo hướng thực chất, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
         Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa và Thể thao theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ chuyên môn, năng lực công tác, trách nhiệm với công việc

Tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn cao, nâng cao chất lượng, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, theo đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả công tác cán bộ; Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo quá trình, đảm bảo tính liên tục, đa chiều, theo nhiều tiêu chí và mức độ hoàn thành công việc được giao.

  Thực hiện nghiêm các quy định trong công tác cán bộ về quản lý công chức, viên chức; Công tác luân phiên, luân chuyển, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; Về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ, về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cấp ủy trong công tác cán bộ, về tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo quy định

Thứ năm, Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu xây dựng Chính quyền điện tử

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các đơn vị;  Chú trọng 100% việc xử lý công việc, công tác báo cáo và giải quyết TTHC được thực hiện trên môi trường mạng qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

          Khai thác có hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; tổ chức tuyên truyền để người dân biết khai thác thông tin và tiện ích từ nhiều nguồn, kênh khác nhau, nhất là qua mạng lưới internet, phát huy được hiệu quả của chính quyền điện tử đến người dân và tổ chức; tổ chức tuyên truyền, linh hoạt trong việc vận động người dân sử dụng dịch vụ Bưu chính công ích để đỡ tốn thời gian, công sức khi thực hiện TTHC.

 Thứ sáu, cải cách hành chính tài chính công.

Thực hiện rà soát, đánh giá lại chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 16/2015/NĐ-CT ngày 14/02/2015 của Chính phủ;

Thực hiện tốt quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công; thường xuyên rà soát, điều chỉnh cho phù hợp vớ i chế độ, chính sách mớ i của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tế của đơn vị đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) tiết kiệm, hiệu quả; 4

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát việc quản lý NSNN, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thu - chi ngân sách nhà nước, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống tài chính và tăng cường chủ động của các đơn vị dự toán: Ban hành quy định về điều hành dự toán NSNN tỉnh Ninh Bình; các biện pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thu chi NSNN; triển khai các chính sách cải cách về tiền lương và các chính sách an sinh xã hội;…

Thực hiện tốt công tác cải cách tài chính công theo Kế hoạch của UBND tỉnh như: Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế tài chính, đồng thời đánh giá mức độ tác động của cơ chế tự chủ tài chính và khoán kinh phí hành chính tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Thứ bảy, tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính

Tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về quan điểm, mục tiêu, nội dung, sự cần thiết phải thực hiện cải cách hành chính và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính./.