Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

ĐOÀN CÔNG TÁC TẠP CHÍ A-LUN-MAY (BAN TUYÊN HUẤN ĐẢNG NHÂN DÂN CÁCH MẠNG LÀO DÂNG HƯƠNG TẠI ĐỀN THƯỢNG THÁI SƠN (ĐỀN THỜ NHỒI HOA CÔNG CHÚA)

14/08/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc và trao đổi nghiệp vụ tại Việt Nam, sáng 10/8, Đoàn đại biểu Tạp chí A-lun-may đã đến dâng hương tại Đền Thượng Thái Sơn (Đền thờ Nhồi Hoa công chúa Lào), xã Sơn Lai, huyện Nho Quan.

Dự lễ dâng hương, có đồng chí Vi-La-Vôn Phăn-Tha-Vông, Ủy viên Thường trực, Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân nhân cách mạng Lào, phụ trách chỉ đạo tạp chí A-lun-may làm Trưởng đoàn; cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ tạp chí; đồng chí PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện Nho Quan, lãnh đạo UBND xã Sơn Lai, huyện Nho Quan.

Theo sử sách cũ ghi lại vào thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông, có một vị công chúa nước Lào, phiên âm tiếng Việt là Nhồi Hoa theo lệnh vua cha đem vài trăm con voi sang huấn luyện giúp Đại Việt đánh giặc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, trên đường trở về, không may công chúa Nhồi Hoa lâm bệnh và qua đời tại khu vực đồi Đền (thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan). Ghi nhận công lao to lớn của công chúa, vua Lê Thánh Tông đã cho quân về xây dựng lăng mộ và lập đền thờ công chúa ngay tại đó. Hiện nay, khu di tích gồm hai di tích, nhân dân thường gọi là đền Thượng và đền Hạ Thái Sơn, tại đền còn lưu giữ khá nhiều các hiện vật, các sắc phong, đồ thờ tự thời Nguyễn, trong đó ban thờ tại hậu cung có ảnh công chúa Nhồi Hoa chạm trên gỗ

Đền thờ công chúa Nhồi Hoa là đền thờ đầu tiên của người nước ngoài tại Việt Nam, di tích trở thành địa danh văn hóa, tâm linh của nhân dân trong vùng và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2007. Hàng năm nhân dân trong vùng đã tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 3/3 âm lịch với những hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của hai nước Việt - Lào. 

Ngôi đền thờ Công chúa nước Lào là di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt minh chứng hiện thực về tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt – Lào son sắt, thuỷ chung.

Phòng QLDSVH