Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường phối hợp thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

08/06/2022

Phát triển toàn diện trẻ em là mục tiêu hàng đầu để đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi, quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như: Luật trẻ em (năm 2016), Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030…

Bằng quyết tâm cao trong nhận thức và hành động về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình luôn tích cực triển khai nhiệm vụ trong phạm vi chuyên môn của ngành có liên quan đến công tác trẻ em. Thực hiện lồng ghép, đưa các nội dung về công tác trẻ em vào các chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của ngành nhằm tạo lập môi trường gia đình, xã hội an toàn, lành mạnh, để trẻ em được chăm sóc, bảo vệ và có điều kiện phát triển tốt nhất trong gia đình, được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh, góp phần vào sự hình thành và phát triển nhân cách của các em.

 Theo đó, Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 28/01/2022 về phát triển thể dục, thể thao cho mọi người giai đoạn 2022 - 2026; Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 30/12/2021 triển khai thực hiện Kết luận số 90-KL/TU ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững; Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 05/4/2022 về thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 05/4/2022 về thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh… trong đó có nội dung chú trọng về giáo dục và bảo vệ trẻ em trong gia đình, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Ngày 17/05/2021, Sở ban hành Kế hoạch số 614/KH-SVHTT về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra, hàng năm, Sở ban hành các văn bản chỉ đạo với nội dung về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ; triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em.  

Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trẻ em và về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng được Sở tăng cường lồng ghép chặt chẽ trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của ngành, đặc biệt là nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong gia đình với những hình thức đa dạng, nội dung phong phú, tập trung cao điểm trong những đợt kỷ niệm có liên quan đến gia đình như ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6), ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em (25/11), Tháng hành động vì trẻ em. Song song với đó, Sở hướng dẫn các địa phương thực hiện việc tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đảm bảo dành thời gian hoạt động cho trẻ em theo đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao dành cho trẻ em nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh phù hợp với trẻ em.

Nhằm tạo lập môi trường gia đình, xã hội an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực đối với trẻ em và đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích cơ bản hợp pháp cho trẻ, Sở tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh. Các nội dung về bảo vệ, phòng, chống bạo lực với trẻ em tại gia đình được lồng ghép có hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện, duy trì có hiệu quả Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại 143/143 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh với 1.551 nhóm PCBLGĐ, 1.410 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững; 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình. Cùng với đó, tại các xã, phường, thị trấn thành lập 143 đường dây nóng, 1.169 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân khi xảy ra BLGĐ; thường xuyên bám sát tình hình dân cư, phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã có xu hướng giảm đáng kể. Trong đó, những vụ bạo lực gia đình với trẻ em chiếm tỷ lệ nhỏ, được phát hiện và xử lý kịp thời.

Thêm vào đó, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh ngày càng được phát huy công năng phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí cho trẻ em. Các địa phương nỗ lực thực hiện việc bố trí tối thiểu 30% thời gian hoạt động ở khu vực đồng bằng, 20% thời gian hoạt động ở khu vực miền núi dành cho việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho trẻ em tại các thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đến nay, toàn tỉnh đã có 142/143 xã, phường, thị trấn có Nhà Văn hóa (đạt 99,3%), có 148 Khu thể thao được sử dụng cho 140 xã, phường, thị trấn (đạt 97,9%); có 1.599/1.679 thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố có Nhà văn hóa gắn với sân thể thao, khu thể thao đơn giản (đạt 95,24%). Hệ thống sân bãi dành cho hoạt động thể dục thể thao cho nhân dân, khu vui chơi cho trẻ em đảm bảo an toàn, sạch đẹp với trên 670 sân thi đấu cầu lông; 145 sân thể thao cơ bản; 450 sân bóng đá; 70 sân quần vợt; 280 sân bóng chuyền; 235 sân bóng rổ; 25 bể bơi cố định… Phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn toàn tỉnh cũng được đầu tư và phát triển rộng khắp. Các địa phương luôn chú ý bồi dưỡng, tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Đặc biệt duy trì hoạt động có hiệu quả những mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu như: các CLB hát chèo (huyện Yên Khánh), hát Xẩm (huyện Yên Mô), CLB Ca Trù (huyện Kim Sơn); Các CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa Sạp; Cồng Chiêng; hát Đúm; Sắc bùa; Giai điệu Mường xưa;… trong đó có sự tham gia tích cực của các em có năng khiếu nghệ thuật, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể và những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ sinh hoạt vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao phục vụ trẻ em. Một số hoạt động tiêu biểu như: Thư viện tỉnh hàng năm cấp mới miễn phí trên 100 thẻ bạn đọc thiếu nhi. Bổ sung và xử lý nghiệp vụ gần 500 bản sách; mở cửa phòng đọc Thiếu nhi phục vụ trên 1.000 lượt bạn đọc trẻ em trong dịp hè. Đưa xe Thư viện lưu động đa phương tiện đi luân chuyển sách và phục vụ lưu động tại các điểm trường và điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, luân chuyển trên 50.000 lượt sách, báo đến với trên 20.000 lượt bạn đọc là học sinh, giáo viên và nhân dân. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh hàng năm phát động cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, nhận được trên 1.000 bài dự thi và nhiều hoạt động, sự kiện ý nghĩa khác. Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề và chương trình “Đưa hiện vật bảo tàng tới trường học” tới các trường THCS trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh thu hút sự quan tâm của trẻ, góp phần giáo dục đạo đức, lý tưởng sống, tình yêu quê hương, đất nước cho trẻ. Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư đón tiếp và hướng dẫn trên 12.000 lượt học sinh tham quan, học tập mỗi năm. Nhà hát Chèo Ninh Bình xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện tổ chức biểu diễn múa rối nước phục vụ các em thiếu nhi trong dịp hè. Trung tâm Văn hóa tỉnh triển khai thực hiện chiếu lưu động phim, tài liệu, phóng sự ngắn có nội dung tuyên truyền về chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em gắn với các buổi chiếu phim truyện tại các xã/thị trấn; thực hiện và hướng dẫn Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu tạo sân chơi lành mạnh và bồi dưỡng năng khiếu cho các cháu thiếu niên nhi đồng....

 

 

Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức chiếu phim chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 (Ảnh: Trung tâm Văn hóa tỉnh)

 

Xe thư viện lưu động đa phương tiện của Thư viện tỉnh phục vụ các em học sinh tại Trường Tiểu học Phạm Thận Duật, Yên Mô (Ảnh: Thư viện tỉnh)

 

 

Đoàn thiếu nhi tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh (Ảnh: Bảo Tàng tỉnh)

Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục tăng cường thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Sở Văn hóa và Thể thao chủ động đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ sau:

Một là, đy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ em trong việc phát huy quyền của trẻ và thực hiện công tác trẻ em.

Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác gia đình và PCBLGĐ, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chủ động, tích cực tham mưu, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các Chiến lược, Chương trình, Đề án phát triển văn hóa, gia đình trong tình hình mới nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh trong mỗi gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư, qua đó tạo môi trường văn hóa gia đình, xã hội lành mạnh cho trẻ. Đặc biệt đa dạng hóa và phát triển chất lượng hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ gia đình, văn hóa, thể thao tại cơ sở, huy động sự tham gia của các thành viên, trở thành diễn đàn để chia sẻ kiến thức, cách làm hay... để trẻ nhận được sự quan tâm, chăm sóc đúng cách của cha mẹ, gia đình, người chăm sóc; đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện để các em được tự tin tham gia vào các hoạt động, phát triển tối đa nhân cách, tài năng, khả năng về trí tuệ, thể chất…

Ba là, tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, xã, phường, thị trấn, cán bộ tham mưu, thực hiện Phong trào, công tác gia đình và PCBLGĐ, qua đó nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại cơ sở phục vụ trẻ em.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao dành cho trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em đảm bảo an toàn, lành mạnh phù hợp với lứa tuổi và tâm, sinh lý trẻ em.

Để hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” , xuất phát từ những hành động nhỏ nhất, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Văn hóa và Thể thao nói riêng cũng như các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân hãy cùng chung tay thể hiện sự quan tâm đến trẻ, ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực gia đình, xây dựng một xã hội bình yên, gia đình hạnh phúc, môi trường văn hóa lành mạnh để trẻ em được nâng niu, che chở và phát triển toàn diện, vì một tương lai tươi sáng./.

Phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình