Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

HOẠT ĐỘNG PHONG TRÀO TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH NĂM 2019

20/02/2020

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Ninh Bình trong những năm vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều nội dung đã đi sâu vào cuộc sống. Phong trào đã góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tiêu cực, tạo môi trường văn hoá lành mạnh; góp phần ổn định tình hình chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, tạo ra bầu không khí dân chủ góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững và ổn định.

Với thành tích chung đó, năm 2019, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần vào hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả cụ thể như sau:

Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các ngành thành viên BCĐ, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố tích cực triển khai thực hiện phong trào, theo đó: Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc triển khai phong trào trên địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch tuyên truyền Phong trào; Liên đoàn Lao động các cấp tỉnh Ninh Bình tổ chức 2.970 cuộc tuyên truyền với 183.050 lượt người tham gia, cấp phát cho CĐCS 3.825 bản với 116 đầu tài liệu tuyên truyền; Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức 1.196 buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt CLB thu hút 148.000 lượt phụ nữ dự nghe; viết 947 tin, bài, phóng sự; biểu dương 451 tập thể, 1.218 cá nhân điển hình...; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình thực hiện tuyên truyền qua các tin, bài, phóng sự, phỏng vấn, các chuyên mục, tọa đàm, truyền hình, phát thanh trực tiếp, bài viết về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nêu gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh thực hiện tuyên truyền trực quan về phong trào tại trụ sở cơ quan, đơn vị và 8/8 huyện, thành phố đã căn cứ vào nhiệm vụ được phân công xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn truyền thông về Phong trào. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện tuyên truyền về Phong trào thông qua hệ thống truyền thanh 3 cấp, đồng thời lồng ghép trong hoạt động của hệ thống các đoàn thể chính trị tại cơ sở: Mặt trận Tổ quốc, Phụ nữ, Nông dân, Người cao tuổi... Cổng thông tin điện tử tỉnh, các trang web, tạp chí, bản tin, trang fanpage của Sở Văn hóa và Thể thao, các Sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo và các huyện, thành phố cũng đã đưa nhiều tin, bài… về Phong trào, bắt kịp xu hướng tiếp nhận thông tin đa chiều, đa kênh của nhân dân và cán bộ, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa trong gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Nhờ đó, năm 2019 việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn tỉnh có: 252.593/288.390 (đạt 88,97%) số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 1.521/1679 (đạt 90,59%) làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 881/1.058 (đạt 77,32%) cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 101/118 (đạt 85,59%) xã được công nhận Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; có 11/24 (đạt 45,83%) phường, thị trấn được công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn minh đô thị; 141/145 xã có Nhà văn hóa (đạt 97,2%), có 135/145 xã có Khu thể thao (đạt 93,1%); có 1.597 nhà Văn hóa dùng cho 1633 thôn/xóm/phố, nâng tỉ lệ số thôn/xóm/phố có nhà văn hóa (đạt 97,3%); có 1.222/1.679 thôn, phố có khu thể thao (đạt 72,78%). Trong đó, toàn tỉnh có 145 sân thể thao cơ bản, 670 sân cầu lông, 450 sân bóng đá, 70 sân quần vợt. Trong năm 2019 đã xây dựng mới 50 sân Bóng chuyền hơi.

Nhà Văn hóa làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô (nguồn Internet)

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cơ sở ngày càng phát triển, các tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập và tổ chức sinh hoạt thường xuyên, góp phần khai thác, bảo tồn cvăn hó dân gian truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người và bồi dưỡng năng khiếu cho thanh, thiếu niên. Năm 2019, toàn tỉnh có: 837 tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng thu hút gần 5000 diễn viên, hội viên không chuyên tham gia, tổ chức hơn 3000 buổi hoạt động, 97 liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ thu hút  hơn 62 nghìn lượt người xem. Nhiều mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống duy trì hoạt động có hiệu quả: CLB hát Chèo (huyện Yên Mô, Yên Khánh); CLB Ca Trù (huyện Kim Sơn); CLB hát Xẩm (xã Yên Thành, huyện Yên Mô); Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa Sạp; Cồng Chiêng; hát Đúm; Sắc bùa; Hát giao duyên tiếng Mường; Giai điệu Mường xưa… Tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 630 cuộc thi đấu TDTT ở cơ sở; số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 29,7%; Tỷ lệ số gia đình thể thao đạt 25,8%; có trên 650 CLB TDTT cơ sở; số trường thực hiện giáo dục thể chất đảm bảo chất lượng là 100%, học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể 85%; số trường hoạt động ngoại khoá thường xuyên là 84,5%.

Luyện tập văn nghệ của Câu lạc bộ Thúy Sơn thành phố Ninh Bình (Nguồn: Internet)

Các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đến nay 100% quy ước, hương ước được công nhận năm 2019 có nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn biểu hiện tiêu cực diễn ra trong xã hội. Năm 2019, toàn tỉnh có 6.160/6192 (chiếm 99,48%) đám cưới thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có 5893 (chiếm 95,17%) đám cưới không mời thuốc lá; có 4804/4804 đám tang thực hiện nếp sống văn minh (đạt 100%), trong đó có 1335 (chiếm 27,79%) đám tang thực hiện hỏa táng, điện táng. Về lễ hội, trên địa bàn tỉnh hiện có 225 lễ hội, công tác quản lí lễ hội được quan tâm, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong các lễ hội nghi thức phần lễ được thực hiện đảm bảo trang nghiêm, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội cũng tích cực triển khai các nội dung phong trào. Góp phần thay đổi diện mạo đời sống văn hoá tinh thần ở nông thôn. Cuộc sống của người dân trong các khu dân cư ngày càng ổn định và từng bước phát triển, có môi trường cảnh quan sạch đẹp. Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng, làm kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, lối ứng xử nhân ái, tình làng nghĩa xóm được phát huy. Điều này đã góp phần tích cực tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực sự trở thành một nhân tố không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong năm 2020, để Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức thúc đẩy các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm vào cuộc với các hoạt động của phong trào; tổ chức thực hiện Phong trào gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền. Chỉ đạo, thực hiện nâng cao chất lượng phong trào gia đình văn hóa, làng, thôn, bản, tổ dân phố; cơ quan, đơn vị doanh nghiệp văn hóa; xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn Văn minh đô thị. Tập trung củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo các cấp. Tổng kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2016 – 2020.

Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình