Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

GIÁO DỤC VĂN HÓA GIA ĐÌNH TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

22/10/2019

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, xây dựng nông thôn mới nhằm làm cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên, hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, môi trường xanh, sạch, đẹp; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khơi dậy tinh thần, ý thức tự lực, tự cường, tự vươn lên của mọi người dân. Xây dựng môi trường sống ở nông thôn ổn định, hòa thuận và dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Do vậy, chương trình này đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung nỗ lực cần giải quyết, trong đó vấn đề cơ bản và lâu dài là phải xây dựng gia đình văn hóa, ấm no hạnh phúc, bởi vì hạt nhân của xã hội là gia đình, gia đình tốt thì xã hội mới tốt và nông thôn như là một xã hội thu nhỏ được tạo lập bởi nhiều gia đình. Điều này cho thấy tầm quan trọng to lớn của việc xây dựng gia đình văn hóa trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Ninh Bình, Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn thời gian qua đã lan tỏa rộng khắp với những chuyển biến tích cực. Việc giáo dục đạo đức, lối sống gia đình được quan tâm, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình được phát huy, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ thuần phong mỹ tục của dân tộc và động viên cộng đồng chung tay trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện; Hàng năm Sở Văn hóa và Thể thao chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hoạt động “Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; hướng dẫn xây dựng và duy trì hoạt động Mô hình phòng chống bạo lực gia đình; triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”…; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, phát triển bền vững; Giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng nuôi dạy con …; nêu gương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng đến giá trị đạo đức của gia đình; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội diễn văn nghệ, biên soạn kịch bản truyền thanh… về chủ đề xây dựng gia đình hạnh phúc; tổ chức các hội nghi biểu dương, khen thưởng tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biêu tiêu biểu trên địa bàn. Có thể kể đến những mô hình hoạt động có hiệu quả như: Mô hình “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp; Mô hình “Dòng họ tự quản”; “Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc” của Công An tỉnh); phong trào xây dựng “Gia đình nông dân hạnh phúc” của Hội Nông dân; phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của Hội Người Cao tuổi tại các địa phong trong tỉnh…, đã khơi dậy các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình ở nông thôn, tạo nên nền nếp, gia phong, tôn ti trật tự, sự êm ấm của gia đình như: tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, thủy chung son sắt; tình thương yêu, sự hy sinh vô bờ bến của các bậc sinh thành với con cháu; sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của cháu con đối với ông bà, cha mẹ; đó là tình thương yêu đùm bọc, gắn bó keo sơn, giúp đỡ nhau vô tư giữa anh chị em ruột thịt; đó là tinh thần cố kết cộng đồng, dòng họ, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, đùm bọc nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, tạo nên mối quan hệ bền chặt trong xóm, ngoài làng, trở thành giá trị cao đẹp, làm nên sức mạnh của mỗi địa phương, dân tộc.

Kết quả, các gia đình ở nông thôn chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; các thành viên trong gia đình tích cực hưởng ứng tham gia và đóng góp các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đoàn kết tương thân tương ái, bảo đảm an ninh chính trị, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Hàng năm, số lượng, chất lượng gia đình văn hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Số hộ gia đình nông thôn đạt và duy trì danh hiệu Gia đình văn hóa tăng từ 71,02% (năm 2010 - năm khởi đầu phát động xây dựng nông thôn mới) lên 86.35% (năm 2018); số khu dân cư ở nông thôn đạt danh hiệu văn hoá từ 61,87% (năm 2010), lên 89,74%) (năm 2018). Hiện nay tỉnh Ninh Bình có 90/118 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 2/6 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới (huyện Hoa Lư huyện Yên Khánh), thành phố Tam điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, việc xây dựng, giữ gìn những giá trị văn hóa của gia đình nói chung, đặc biệt là gia đình ở nông thôn đang phải đối mặt với sự tác động mạnh mẽ, trái chiều từ vòng quay của xã hội hiện đại. Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn. Các thành viên trong gia đình ít quan tâm đến nhau hơn. Một số thành viên trong các gia đình nông thôn, nhất là giới trẻ, vì sinh nhai cuộc sống, đã ly hương, từ bỏ nghề nông để về nơi thị thành tìm kiếm việc làm. Gia đình với nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, cùng bổ sung cho nhau những thiếu hụt của mỗi lớp tuổi đời nay đã có nguy cơ tan vỡ. Xu hướng thích ra ở riêng ngay từ khi mới lập gia đình ngày càng trở nên phổ biến. Mỗi gia đình nhỏ luôn cố tìm cho mình một tổ ấm riêng và trong tổ ấm ấy, thành viên nào cũng cố tìm cho mình một không gian riêng. Vì quyền tự do cá nhân được tôn trọng, nên khoảng cách giữa các thành viên gia đình có phần xa cách hơn. “Nếp nhà” vùng thôn quê thanh bình có nguy cơ bị mai một đi. Tình trạng ly hôn, ly thân, các vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em đang gây lo lắng, bức xúc trong đời sống thường ngày ở nông thôn...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng gia đình văn hóa, đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới cần:

Có sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và toàn thể nhân dân trong chỉ đạo tổ chức thực hiệncông tác gia đình; Đưa mục tiêu Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam vào thực tiễn đời sống kinh tế xã hội của mỗi địa phương, đơn vị; gắn việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng gia đình văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết văn hóa” vào chỉ tiêu thi đua của các cấp, ngành; tạo động lực vật chất, tinh thần cho quá trình xây dựng nông thôn mới.

Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và nhân dân về pháp luật, các quy định liên quan đến gia đình; về vai trò, ý nghĩa của công tác gia đình và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp, bản sắc của gia đình Việt Nam trong thời đại mới. Coi trọng việc đổi mới nội dung, gắn nội dung giáo dục gia đình với thực tiễn cuộc sống của người dân, nhất là lớp trẻ, từ học tập lao động đến vui chơi, giải trí. Phát huy tối đa hiệu quả của các hình thức tuyên truyền: trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, đặc biệt quan tâm đẩy mạnh thực hiện việc tuyên truyền trực tiếp đến tận cơ sở thông qua sinh hoạt thôn, xóm,... và sinh hoạt Câu lạc bộ tại cộng đồng. Biên soạn tài liệu tuyên truyền về xây dựng đời sống gia đình và giáo dục giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình làm tài liệu tuyên truyền ở cơ sở.

Quan tâm củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực chất các hoạt động của công tác gia đình. Kịp thời biểu dương khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Coi trọng bồi dưỡng các nhân tố mới, nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình nói chung và của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, đặc biệt chú trọng giáo dục lý tưởng, lẽ sống và rèn luyện đạo đức cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, đơn vị cần là một chủ thể tích cực thấm nhuần những giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, với nền nếp gia phong, ý thức cộng đồng, tôn trọng hương ước, tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương, đất nước… Mỗi người nghiêm túc tự soi rọi bản thân trong cuộc sống thường nhật, thường xuyên trau dồi, rèn luyện nhân cách, bảo tồn và phát huycác giá trị đạo đức và văn hóa tốt đẹp của gia đình, để gia đình phát triển bền vững, trở thành niềm vui và hạnh phúc của mỗi người.

Vũ Thị Lý

Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình