Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình với công tác triển khai Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/02/2020 về việc “Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình”

27/03/2020

Ngày 04/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ thị đã chỉ rõ: những năm gần đây, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã đạt được những kết quả nhất định: nhận thức của cộng đồng, chính quyền và tổ chức, đoàn thể ngày một nâng cao, các biện pháp phòng, chống, phê phán, lên án hành vi bạo lực gia đình đã và đang triển khai ở cộng đồng ngày càng phát huy hiệu quả; số vụ bạo lực gia đình có xu hướng giảm, nhận thức của người dân đang dần thay đổi theo hướng tích cực và xuất hiện những tấm gương điển hình, tiên tiến.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: tình trạng bạo lực gia đình còn diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau đặc biệt là đối với người cao tuổi và trẻ em; tính chất của các vụ bạo lực gia đình ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường. Nguyên nhân: chưa xác định rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp chính quyền, đoàn thể; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, phong phú, đa dạng và sâu rộng; cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Bạo lực gia đình đã và đang ảnh hướng đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an ninh, trật tự xã hội, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chung tay chủ động phối hợp, xây dựng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình: tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; biểu dương kịp thời những tấm gương điển hình có đóng góp cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh công tác bảo trợ xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình; tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch có liên quan đến công tác phòng chống bạo lực gia đình; xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình; xây dựng đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em đặc biệt là ở cơ sở; xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tiếp tục nhân rộng và duy trì các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngay khi chỉ thị ban hành, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản số 121/UBND-VP6 ngày 25/02/2020 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác Gia đình tỉnh ban hành Kế hoạch số 239/KH-BCĐ ngày 03/3/2020 yêu cầu các ngành thành viên Ban chỉ đạo tỉnh và Ban chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

 Trong đó, nhấn mạnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung của Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình. Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và can thiệp, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình. Phát huy hiệu quả hoạt động của Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, tổ hòa giải, vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở.

Để các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh thực sự phát triển mạnh mẽ, đi vào đời sống nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Sở Văn hóa và Thể thao: Hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Chỉ đạo, hướng dẫn, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình. Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình của tỉnh. Tổ chức Tập huấn nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác gia đình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Tăng cường thực hiện nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình trong các cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục, đào tạo, ngoại khóa phù hợp với trình độ đào tạo của các cấp học.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình khi hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, công tác người cao tuổi. Tăng cường công tác bảo trợ xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Công an tỉnh: hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Sở Y tế: chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trong việc chăm sóc y tế, tư vấn sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Sở Thông tin – Truyền thông, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng thời lượng, tần suất truyền thông về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; biểu dương những tấm gương điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Sở Tư pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Hướng dẫn, kiểm tra đối với hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình theo đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn Ninh Bình tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chương trình, kế hoạch có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các hội viên, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở trong phòng ngừa, phát hiện, tố giác, ngăn chặn phòng chống bạo lực gia đình.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo triển khai kịp thời và có giải pháp cụ thể triển khai công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; chỉ đạo, kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình cấp huyện, cấp xã; chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; tiếp tục duy trì triển khai có hiệu quả mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; Theo dõi, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân, từng gia đình trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chương trình hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020 nói riêng và góp phần vào thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh nói chung trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình