Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN VĂN HÓA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

22/10/2019

Văn hoá giao thông là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hoá nói chung. Nói đến văn hóa giao thông, thực chất là nói đến cách ứng xử của con người với các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và quan hệ giữa con người với nhau. Văn hóa giao thông của mỗi người không phải tự nhiên có được mà nó hình thành qua quá trình giáo dục lâu dài từ nhỏ trong gia đình, nhà trường và tiếp nhận có chọn lọc hành vi văn hóa giao thông trong xã hội.

    Trong những năm qua, trên phạm vi cả nước trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 người chết và 25.000 người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT), thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Tình hình vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ cũng gia tăng đáng kể, tập trung vào các lỗi như: người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ qui định; vi phạm các qui tắc tránh vượt, đi không đúng làn đường, phần đường; vượt đèn đỏ; không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy; chở quá số người qui định; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng..., nhiều trường hợp khi bị phát hiện, xử lý còn cố tình cản trở, chống lại người thi hành công vụ. Theo thống kê năm 2018, các lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình đã phát hiện, xử lý 39.952 trường hợp vi phạm, phạt 38,9 tỷ đồng, tạm giữ 7.014 phương tiện, tước giấy phép lái xe 5.320 trường hợp.

    Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các Cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện các nội dung về văn hóa giao thông để mọi thành viên trong xã hội có ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, ngày 09/10/2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL về Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ gồm 9 tiêu chí chung và 5 tiêu chí riêng cho một số đối tượng cụ thể. Các tiêu chí được nhìn nhận ở nhiều phía từ các cơ quan quản lý nhà nước đến người tham gia giao thông, cư dân sinh sống ven đường giao thông…

    Đặc biệt, Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ còn quy định những ứng xử cụ thể đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự giao thông: Ứng xử văn minh, không sách nhiễu, tiêu cực khi thi hành công vụ; Hướng dẫn, giúp đỡ người tham gia giao thông, đặc biệt là người tàn tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ…

     Trong 5 năm triển khai thực hiện Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thực hiện và phối hợp tốt với các Sở, ban, ngành có liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Một số kết quả đạt được cụ thể như:

     * Về công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện

      - Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành các văn bản hướng dẫn tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và các văn bản chỉ đạo thực hiện quy định của pháp luật về an toàn giao thông đối với các đơn vị trong ngành, cụ thể:

      + Văn bản số 262/SVHTTDL-NVVH ngày 21/3/2016 về việc tuyên truyền công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016; chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

      + Văn bản số 1162/SVHTTDL-NVVH ngày 24/11/2016 về việc tuyên truyền công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý IV năm 2016; chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền trật tự an toàn giao thông và tiêu chí văn hóa giao thông, hướng dẫn các xã, phường, trị trấn thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền lưu động và cổ động trực quan bằng pano, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích tại các khu trung tâm huyện, thành phố, các trục đường liên xã, liên huyện, các tuyến đường giao thông trọng điểm, khu vực tập trung đông dân cư… và các điểm du lịch.

     + Văn bản số 297/SVHTT-QLVH ngày 29/03/2017 về việc hưởng ứng tuần lễ an toàn giao thông đường bộ lần thứ 4 do Liên hợp quốc kêu gọi với chủ đề “tốc độ”.

     + Văn bản số 622/SVHTT-QLVH ngày 23/6/2017 về việc báo cáo kết quả công tác bảo đảm an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

     * Về công tác tuyên truyền:

    - Triển khai tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, phổ biến các nội dung tại Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL; Hướng dẫn số 3831/HD-BVHTTDL ngày 21/10/2013 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về “Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ” thông qua các hội nghị, cuộc họp của cơ quan, đơn vị.

    - Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình… tiến hành các biện pháp tuyên truyền thiết thực về nội dung các Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ; tổ chức các chương trình hoạt động thiết thực, phong phú, sinh động để tuyên truyền nội dung tiêu chí văn hóa giao thông đến mỗi người dân và cộng đồng.

    - Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thành phố phối hợp với Ban an toàn giao thông các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền các Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức: tuyên truyền cổ động trực quan (làm mới các cụm pano, kẻ vẽ tranh cổ động, căng treo băng rôn, khẩu hiệu…), tuyên truyền miệng, biên tập tin bài thông qua hệ thống đài truyền thanh ba cấp; Lồng ghép nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông với các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương; tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ… để nội dung các Tiêu chí đi vào cuộc sống.

    - Hướng dẫn các phòng văn hóa thông tin, Trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thành phố vận dụng, lồng ghép nội dung tiêu chí văn hóa giao thông gắn với các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, đơn vị văn hóa phù hợp với từng xã, phường, thị trấn.

    - Chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Thanh tra giao thông tiến hành kiểm tra việc thực hiện các Tiêu chí văn hóa giao thông trên địa bàn.

    Một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019 - 2024 như sau:

    Một là, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các tổ chức có trách nhiệm tổ chức việc học tập các quy định về TTATGT trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị của mình.

    Hai là, thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tiến hành các biện pháp tuyên truyền thiết thực về nội dung các Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như: băng zôn, kẻ vẽ pano áp phích, dựng tiểu phẩm sân khấu, viết tin bài, tổ chức liên hoan tuyên truyền… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các nội dung về văn hóa giao thông, để mọi thành viên trong xã hội có ý thức và có trách nhiệm khi tham gia giao thông hoặc tham gia vào những hoạt động có liên quan đến giao thông nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện và hiệu quả.

    Ba là, thường xuyên quan tâm và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người dân nhận thức rõ sự nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của TNGT, từ đó đề cao trách nhiệm, tự giác chấp hành luật giao thông, thực hiện nếp sống "văn hoá giao thông". Tiếp tục làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác đảm bảo TTATGT. 

    Bốn là, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Gia đình văn hoá, Làng Văn hoá, Tổ dân phố văn hoá”, lồng ghép nội dung thực hiện nếp sống văn hoá trong tham gia giao thông vào phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp văn hoá. Trong các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá cần có quy định cụ thể mỗi gia đình, làng, tổ dân phố phải gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhấn mạnh thực hiện văn hóa giao thông là một nội dung quan trọng để trở thành gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá. Các cụm dân cư, tổ dân phố, làng, bản phải tuyên truyền phổ biến các quy định của Nhà nước về TTATGT trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của nhân dân, xây dựng ý thức tích cực tham gia đấu tranh phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ.

 

Nguyễn Thành Đức - Phòng Quản lý Văn hóa