Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

LINH KHÍ DỤC THÚY SƠN

17/02/2025
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Độc, lạ là cảm nhận chắc cũng của nhiều người khi Ban tổ chức chọn Hoa Lư Ninh Bình làm địa điểm khai mạc lần thứ 23 Ngày Thơ Việt.

Cái mới cái lạ không phải lần đầu Ngày Thơ Việt “xa giá” ngoài địa danh Miếu Văn và Hoàng thành Thăng Long. Mà như có cú hích của tiền nhân, nói theo Nguyễn Trãi trong Cáo Bình Ngô “ Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy”

Đã đành khí thiêng Cố đô Hoa Lư hội tụ vấn vít ngàn năm, nơi bay lên bát ngát những vần thơ uẩn súc đĩnh đạc với âm hưởng chủ đạo độc lập tự chủ của nhị vị Quốc sư cố vấn cho hoàng thượng Đinh Tiên hoàng là Pháp Thuận và Khuông Việt- Ngô Chân Lưu từng làm các sứ thần phương Bắc kinh ngạc.

Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lí thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh (Việc nước như mây cuốn/ Trời Nam vẫn thái bình/ Thong dong nơi triều chính/ Xứ xứ bặt đao binh)

Cái lạ độc đáo là xứ Ninh Bình Hoa Lư có hẳn một quả núi đá nằm sát đường thiên lý, ấy là Dục Thúy Sơn- núi Non nước còn gọi là Núi Bài Thơ.

Vách đá Non nước hiện còn lưu hơn 40 bài thơ của các danh nhân Đại Việt.

Có cái tên Dục Thúy sơn, tác giả là một lương đống triều Trần kiêm thi sĩ Trương Hán Siêu. Ngài quê ở Yên Mô ngay cạnh Hoa Lư đây.

Ngài tả phù hữu bật suốt 4 đời Vua Trần. Các vua đều yêu quý kính trọng gọi bằng Thầy.

Chiều thu ấy sau hai cuộc ( lần thứ 2 và thứ 3) tung hoành xông pha trận mạc cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, ngài ghé quê Ninh Bình. Xa xa, từ trên thuyền, bóng hình ảo diệu của ngọn núi có tên là Non Nước khởi đột ngột tại ngã ba sông Vân và sông Đáy. “ Mà sao lạ nhường kia, các ngươi có thấy hệt hình con chim trả ( bói cá) đương tắm gội đó không?” Ngài thốt lên. Theo hướng chỉ của ngài, các quan hầu cận đều trầm trồ hưởng ứng tán thưởng ngọn núi xinh xắn đương toát lên cái sắc xanh huyền ảo của loài chim trả khi lồ lộ khi ẩn hiện giữa trời thu, sông thu .

Trời tạnh ráo. Gió thu hây hây. Ngài sai cột thuyền dưới chân Non Nước. Những sải bước của vị tướng trở nên chầm chậm…

Ngài dừng bước trước một khoảng đá đưa bần tay xoa nhẹ đoạn cất giọng trầm trầm. “ Cũng lâu rồi sau Bài phú sông Bạch Đằng, ta chưa viết gì…” Viên quan văn lễ phép gật đầu xác nhận. Và như hiểu ý chủ nhân, y nhanh nhẩu bày ra mấy thứ văn phòng tứ bảo những giấy những bút, thỏi mực cùng nghiên. Nhưng ngài chỉ đón lấy vuông giấy Tuyên ( xuyến chỉ) rồi thư thả ướm lên khoảng đá kia. Ngó viên quan văn với động thái mài mực quen thuộc, ngài bất giác mỉm cười khi nghĩ đến câu “ mài mực ru con, mài son đánh giặc” Là động tác mài mực nó nhẹ nhàng khéo léo như mẹ ru con. Còn mài son thì phải động tác mạnh bạo quyết liệt như người lính trận vậy!

Đầu ngọn bút lông thỏ trong tay ngài được dầm sâu vào nghiên. Và tức khắc, khi thư thả khi vùn vụt dưới tay ngài những con chữ thảo đá khải lần lượt thành hình.

DụcThúy Sơn

Sơn sắc thượng y y,

Du nhân hồ bất quy ?

Trung lưu quang tháp ảnh,

Thượng giới khải nham phi.

Phù thế như kim biệt,

Nhàn danh ngộ tạc phi.

Ngũ hồ thiên địa khoát,

Hảo phóng cựu ngư ky

Rồi ngài thong thả ướm bài thơ trên giấy Tuyên lên khoảng đá. Quay lại viên quan văn hầu cận, ngài buông mỗi câu “ cứ thế, cứ thế nhé?”

Cứ thế, cứ thế! Nghĩa là bài thơ sẽ được khắc, cẩn đục vào đá. Như ngôn ngữ hội họa hiện đại là theo tỷ lệ 1: 1. Người được chọn khắc đã đành là phải thông rành chữ nghĩa nhưng tối quan trọng là làm sao phải chuyển tải cho được thần thái chữ của tác giả của người viết.

Và bài thơ có tên Dục Thúy Sơn ( núi chim trả tắm) của danh tướng- thi sĩ Trương Hán Siêu từ thời Trần ấy đã lừng lững chĩnh chiện trên vách đá Non Nước nơi hợp lưu của sông Vân sông Đáy hàng thế kỷ. Cái tên Dục Thúy sơn cũng đã bầu nên cái tên Núi Bài thơ dằng dặc đeo bám thân ái với địa danh của xứ Hoa Lư Ninh Bình với Đại việt.

Sắc núi vẫn (xanh) mượt mà

Người đi chơi sao không về

Giữa dòng sáng ngời bóng tháp

Thượng giới mở cánh cửa hang

Có cách biệt với cuộc đời trôi nổi như ngày nay

Mới biết rõ cái danh hờ trước kia là không đúng

Trời đất ở Ngũ hồ rộng thênh thang

Hãy tìm lại tảng đá ngồi câu khi trước

Ngoài âm hưởng chủ đạo xiển dương khung cảnh đất nước quê hương thanh bình sau bao giặc giã tao loạn. Bài thơ của Trương Hán Siêu độc đáo có hai câu dường như là thứ “ lý lịch trích ngang” của cuộc đời vị danh tướng này. Sinh thời hồi trẻ, Trương Hán Siêu không phải là người mộ đạo ( Phật). Thậm chí ngài còn phản đối bài bác. Có lẽ được thân gần các vua Trần, tâm tính ngài đã đổi khác.

Phù thế như kim biệt,

Nhàn danh ngộ tạc phi.

(Có cách biệt với cuộc đời trôi nổi như ngày nay

Mới biết rõ cái danh hờ trước kia là không đúng)

Dục Thúy Sơn có nhiều bản dịch. Nhưng có lẽ bản của học giả Trần Văn Giáp được nhiều người tấm tắc.

Non xanh xanh vẫn như xưa,

Du nhân đi mãi vẫn chưa thấy về!

Sóng in bóng tháp bồ đề,

Mở toang cửa động liền kề chân mây.

Đời lênh đênh trước khác nay,

Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to.

Mênh mông trời đất Năm hồ,

Vòm câu cũ, kíp thăm dò nơi đâu.

Kỳ lạ gần trăm năm sau ( lấy con số tròn) Ức Trai Nguyễn Trãi sau cuộc bình giặc Minh cũng có chuyến du sơn đến Non Nước và Dục Thúy sơn. Ngài bồi hồi lặng ngắm bài thơ Dục Thúy sơn của tiền nhân Trương Hán Siêu. Ngài chống gậy men theo vách đá lên tận đỉnh Dục Thúy chiêm bái tháp Nghinh Phong do Trương Hán Siêu xây cất. Tầm mắt không chỉ dừng ở những khóm cúc Trương Thiếu Bảo ( tên hiệu của Trương Hán Siêu) may còn sót lại… Nhà thơ có thói quen trồng hoa cúc trên núi Thúy. Những vần thơ về hoa cúc vaãn thắm tận giờ “Trời thu lắm gió lại nhiều mưa/ Khóm trĩu hoa thu thật chẳng ngờ/ Tạo hóa phải chăng thương quạnh vắng/ Dành bông hoa lạnh tặng già nua” (Theo bản dịch Đào Phương Bình). Nhỡn lực của Ức Trai như bao quát tận cùng.

Ngài thong thả gậy trúc hạ sơn. Và dừng bước chỗ Trương Hán Siêu từng đề Dục Thúy Sơn. Và bài thơ của Ức Trai được cẩn trên đá cách đó không xa.

Hải khẩu hữu tiên san ;

Tiền niên lũ vãng hoàn.

Liên hoa phù thủy thượng ;

Tiên cảnh trụy trần gian.

Tháp ảnh trâm thanh ngọc ; Ba quang kính thúy hoàn.

Hữu hoài Trương thiếu bảo,

Bi khắc tiển hoa ban.

(Nơi cửa biển có ngọn núi tiên ;

Năm trước đã nhiều lần đi về ở đấy.

Như hoa sen nổi trên mặt nước ;

Như cảnh tiên rớt xuống trần gian.

Bông tháp như hình trâm ngọc xanh cài vào Ánh nước như gương chiếu búi tóc biếc.

Thấy cảnh nhớ đến Trương thiếu bảo ;

Bia khắc đã lốm đốm hoa rêu)

Năm xa ấy, kẻ viết bài này đã ba lần thượng sơn Dục Thúy. Đã bao lần kính cẩn những ngắm ngó xoa vuốt những con chữ hằn sâu trong đá của các tiền nhân Trương Thiếu Bảo, Nguyễn Trãi. Tưởng như được truyền hơi ấm của tiền nhân còn vương sau, bảy trăm năm trước. Thú vui, thú chơi cao nhã sang trọng hình như có sức lây lan. Sau Trương Hán Siêu với Dục Thúy sơn khắc thạch, những con chữ nghiêm cẩn bay bướm với những ngữ nghĩa uẩn súc của các đấng Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông Ngô Thì Nhậm, Thiệu Trị, Tự Đức, Ngô Thì Sỹ Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Khuyến, Ninh Tốn hay Cao Bá Quát … Người ta đã thống kê có hơn 40 bài thơ và bút tích của các đấng lưu lại ở Dục Thúy. Định bụng nếu gặp, có lẽ phải giật áo nhẹ ông Chủ tịch Hội văn bút Việt Nguyễn Quang Thiều để bỏ nhỏ rằng là nên lắm lắm cái việc khuyến khích động viên Hội văn bút Ninh Bình mần hẳn một cuốn sách in giấy tốt, trình bày rõ chi là đẹp những thống kê sưu tập hơn 40 tác giả danh nhân Đại Việt đã có ma nhai- thơ- lưu- khắc trên đá Non Nước?

Vần điệu của các tiền nhân lưu lại với âm hưởng chủ đạo xiển dương khung cảnh thanh bình của Dục Thúy của Non Nước. Có lẽ không ai biết Dục Thúy sơn sau này trở thành chiến trường khốc liệt.

Đêm ngày 29 tháng 5 năm 1951 bộ đội của Đại đoàn 308 đã bất ngờ tiến công hai vị trí xung yếu kiên cố Non Nước và Gối Hạc.

Sau 2 giờ chiến đấu, tiểu đoàn 54 đã chiếm được vị trí Non Nước, diệt 200 địch.

Chỉ trong một đêm, bộ đội ta đã tiêu diệt đại bộ phận quân địch ở thị xã Ninh Bình.

Đêm hôm đó, bộ phận tin kỹ thuật của ta báo cáo địch đang hối thúc tìm cho được một tên “Béc-na” nào đó đang bị mất tích. Tướng Giáp liền nói với cơ quan tham mưu hỏi những đơn vị phía trước xem Béc-na là ai. Ngày hôm sau, biết đó là trung úy Bernard de Lattre, con trai của Tổng chỉ huy Đờ Lát, đã tử trận ở Non Nước.

Rồi chiến dịch Quang Trung (1951) . Những đồn bốt chung quanh núi Thúy là một trong những mục tiêu tấn công. Đại đội trưởng Giáp Văn Khương phụ trách mũi tiến công chính diện. Trong thời gian ngắn những đồn bốt dưới chân núi bị tiêu diệt, Giáp Văn Khương dẫn đội quân xung kích tiến lên núi tấn công đồn trên đỉnh núi. Đây là chiến công bất ngờ chỉ trong một đêm đại đội Giáp Văn Khương đã tiêu diệt được 200 tên giặc và phá tan 6 đồn bốt trên núi Thúy. Nhưng sáng hôm sau giặc Pháp huy động trung đoàn tấn công chiếm lại đỉnh Dục Thúy.

Đại đội trưởng Giáp Văn Khương đã lệnh cho các chiến sĩ rút về căn cứ rồi một mình với cây súng trong tay. Lực lượng chênh lệch. Với vũ khí tối tân và quân số đông chúng bao vây và tiến dần lên đỉnh núi hòng bắt sống đại đội trưởng Giáp Văn Khương. Chúng dàn hàng ngang tiến lên. Giáp Văn Khương bắn những viên đạn cuối cùng rồi quyết định nhảy qua những vách đá bay xuống dòng sông Vân. Giặc Pháp quá bất ngờ về người anh hùng quả cảm này. Chúng khiếp đảm nhìn xuống dòng sông hun hút đã ôm gọn người anh hùng!

… Ai đó đã nói về cái tình người của xứ Ninh Bình rằng Hoa Lư là đất đãi… ngoại! Chợt nhớ nhà văn Bình Ca với ấn phẩm nổi danh “Đi trốn” và “Quân Khu Nam Đồng” từng một nhiệm kỳ là Phó chủ tịch tỉnh Ninh Bình. Khí thiêng non nước Ninh Bình Hoa Lư đã tạo tác Bình Ca thành một nhà văn nổi tiếng thay vì cung đốn cho cơ chế một ông quan một nhà quản trị. Trộm nghĩ lần tụ họp xôm tụ dịp Nguyên tiêu này, các cây bút tứ xứ sẽ tiếp thêm phần nào linh khí của Non Nước Hoa Lư?

 

 

Hai bài thơ của Trương Hán Siêu và Nguyễn Trãi khắc trên Dục Thúy sơn (Thủ bút của Xuân Ba)

 

 

Dục Thúy sơn- Núi Thúy sông Vân.

 

                                                                                          Xuân Ba