Báo chí Ninh Bình vì mục tiêu thiên niên kỷ
30/05/2025Ngày 30/5/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Tọa đàm khoa học “Phát huy truyền thống 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam - Báo chí Ninh Bình vì mục tiêu thiên niên kỷ”. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Quang cảnh Tọa đàm
Đoàn chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: TS Phạm Quang Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình; TS. Nguyễn Tri Thức - Ủy viên Ban Biên tập, Giám đốc Trung tâm Chuyên đề và Truyền thông – Phát hành, Tạp chí Cộng sản
Dự Tọa đàm còn có các đồng chí UV BTV TU, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương, các chuyên gia, đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức của các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan báo chí Trung ương; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các cơ quan báo chí của tỉnh; đại diện lãnh đạo Báo và Đài Phát thanh và Tuyền hình tỉnh đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại biểu Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú các cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn tỉnh; cán bộ, hội viên Hội nhà báo tỉnh; Lãnh đạo các phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện, thành phố; lãnh đạo các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở, ngành, đơn vị của tỉnh và phóng viên dự và đưa tin cho Tọa đàm.
Các đại biểu dự Tọa đàm
Các đại biểu dự Tọa đàm
Phát biểu khai mạc, đề dẫn Toạ đàm, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Cách đây tròn một thế kỷ, vào ngày 21 tháng 6 năm 1925, tờ báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kính yêu sáng lập đã ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua 100 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa; là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, kịp thời lan tỏa để mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống, kịp thời đưa tin, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực, góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Qua đó cùng tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc, đề dẫn Tọa đàm
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hòa chung dòng chảy của báo chí cách mạng cả nước, báo chí Ninh Bình cũng đã có một bề dày truyền thống đáng tự hào. Tháng 12/1961 cơ quan báo chí đầu tiên của tỉnh được hình thành với tên gọi Báo Ninh Bình Xây dựng bao gồm 9 cán bộ, phóng viên, xuất bản 2 số/tuần, in 4 trang, trải qua 64 năm hình thành và phát triển, đến nay tỉnh Ninh Bình có 02 cơ quan Báo chí đó là Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình và Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình bao gồm đa dạng các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, kênh trên mạng xã hội… với đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập có trình độ, luôn nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tiếp tục khẳng định: “Báo chí thực sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân”
Hiện nay, việc triển khai thực hiện chủ trương hợp nhất các cơ quan báo chí theo tinh thần kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông (Mạng xã hội, báo điện tử, trí tuệ nhân tạo…) đã và đang đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội cho báo chí cách mạng trong thời kỳ mới.
Do đó, báo chí Ninh Bình nói riêng và báo chí cách mạng Việt Nam nói chung cần phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, phù hợp với xu hướng hội tụ truyền thông, số hóa truyền thông, xu hướng tích hợp báo chí (truyền thông) - công nghệ thông tin - viễn thông... đa dạng hóa hình thức truyền tải thông tin, tăng cường tính tương tác, tiếp cận gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Dưới sự chủ trì của các đồng chí: TS Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao; TS. Nguyễn Tri Thức, Ủy viên Ban Biên tập, Giám đốc Trung tâm Chuyên đề và Truyền thông - Phát hành, Tạp chí Cộng sản, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo và các vị đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các nhóm vấn đề về:
Tầm quan trọng, vai trò của báo chí trong phát huy, bảo vệ di sản đô thị nói chung và hệ thống di sản đô thị Ninh Bình nói riêng. Đánh giá những lợi thế, tiềm năng của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các hành động thiết thực để gìn giữ giá trị di sản đô thị; kiến tạo các diễn đàn phản biện chính sách, kết nối các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu di sản và người dân để thảo luận, từ đó hình thành ý thức cộng đồng trong bảo vệ không gian sống mang giá trị lịch sử của đô thị di sản nói chung.
Nhận diện, phân tích những khó khăn, bất cập đã và đang đặt ra cho báo chí giữa việc thúc đẩy, phát huy vai trò của báo chí trong phát triển và bảo tồn di sản đô thị như giữa phản ánh sự phát triển kinh tế thông qua du lịch và cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến di sản… Công nghệ, chính sách, con người, đâu là chìa khóa mấu chốt tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên để báo chí làm tròn chức năng giám sát xã hội trong quản lý di sản đô thị; hay phải được đồng thời coi trọng sử dụng triệt để tạo hiệu ứng và giải pháp cộng hưởng khơi thông sức mạnh của báo chí trong giải quyết những thách thức, khó khăn mà vấn đề phát huy, bảo tồn đô thị di sản phải đối mặt?
Báo chí tỉnh Ninh Bình nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung cần có những giải pháp mang tính đột phá nào để quảng bá di sản đô thị Ninh Bình ra thế giới, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị; xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn hiệu quả, có hiệu ứng lan tỏa lâu dài, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thiên niên kỷ của tỉnh Ninh Bình, để Ninh Bình trở thành một hình mẫu đô thị di sản của thế kỷ XXI.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu Kết luận, bế mạc Tọa đàm
Phát biểu Tổng kết, bế mạc Tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: Có thể thấy, với cách tiếp cận toàn diện, khách quan, khoa học, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý báo chí, chuyên gia, đã đi sâu phân tích, luận giải những vấn đề cốt lõi về vai trò, tầm quan trọng của báo chí trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị đô thị di sản; đồng thời cũng nêu lên những vấn đề cần lưu ý, những thách thức mà báo chí phải đối mặt trong quá trình là công cụ truyền thông.
Tọa đàm khoa học “Phát huy truyền thống 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam - Báo chí Ninh Bình vì mục tiêu thiên niên kỷ” không chỉ là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà trong suốt một thế kỷ xây dựng, phát triển và trưởng thành, mà còn là cơ hội để khẳng định vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, báo chí Ninh Bình nói riêng trong việc hiện thực hóa mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là trong công tác phát huy, bảo vệ di sản đô thị, góp phần cùng cả nước thực hiện khát vọng phát triển của đất nước.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
TS Nguyễn Tri Thức, Ủy viên Ban Biên tập, Giám đốc Trung tâm Chuyên đề và Truyền thông - Phát hành, Tạp chí Cộng sản trình bày Báo cáo trung tâm tại Tọa đàm.
Nhà báo Phong Điệp, Báo Nhân dân trình bày tham luận tại Tọa đàm
Đồng chí Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trình bày tham luận tại Tọa đàm
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình trình bày tham luận tại Tọa đàm
Đồng chí Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo VietNamNet trình bày tham luận tại Tọa đàm
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng ban, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ Ninh Bình trình bày tham luận tại Tọa đàm
Nhà báo Trần Ngọc Long Trưởng phòng Truyền thông - Đa phương tiện, Báo điện tử Vietnamplus trình bày tham luận tại Tọa đàm
TS Vũ Tuấn Anh, Trưởng khoa Truyền thông và VHĐN, Học viện Ngoại giao trình bày tham luận tại Tọa đàm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm
CÁC THAM LUẬN ĐƯỢC TRÌNH BÀY TẠI TỌA ĐÀM 1. Tham luận “Kết nối giữa quá khứ và hiện tại: Báo chí có vai trò truyền tải câu chuyện của các di sản đô thị” do Nhà báo Phong Điệp, Báo Nhân dân trình bày; 2. Tham luận “Thông tấn xã Việt Nam sẵn sàng phối hợp với tỉnh Ninh Bình trong tuyên truyền về phát triển đô thị di sản” do đồng chí Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trình bày; 3. Tham luận “Vai trò của báo chí địa phương trong việc thông tin và thúc đẩy nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản đô thị thiên niên kỷ” do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình trình bày; 4. Tham luận “Những đề xuất chính sách từ góc nhìn báo chí trong việc bảo tồn và phát triển đô thị di sản” do đồng chí Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo VietNamNet trình bày; 5. Tham luận “Sức mạnh của báo chí trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng về bảo tồn di sản do đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng ban, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ Ninh Bình trình bày; 6. Tham luận “Báo chí và mạng xã hội: Tương tác, cạnh tranh và sự đồng hành” do Nhà báo Trần Ngọc Long Trưởng phòng Truyền thông - Đa phương tiện, Báo điện tử Vietnamplus trình bày; 7. Tham luận “Đào tạo báo chí – truyền thông trong thời kỳ hội nhập quốc tế: Đổi mới từ hội thảo quốc tế và xuất bản học thuật” do TS Vũ Tuấn Anh, Trưởng khoa Truyền thông và VHĐN, Học viện Ngoại giao trình bày. * Ngoài 07 tham luận trực tiếp tại Toạ đàm, còn có 11 ý kiến tham luận bằng văn bản của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo gửi đến Toạ đàm. |
Minh Ngọc
Bài viết khác
- Báo chí Ninh Bình hoà chung dòng chảy thế kỷ, hướng tới mục tiêu đô thị di sản thiên niên kỷ
- Tỉnh Ninh Bình thăm và chúc mừng các cơ quan báo chí
- Công tác quản lý nhà nước về báo chí trong tình hình hiện nay
- Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Chương trình nghệ thuật Bản tình ca miền di sản tại Yên Khánh
- Hội nghị rà soát tiến độ triển khai phối hợp tổ chức Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam 2025 tại Ninh Bình