Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

XẾP HẠNG 08 DI TÍCH CẤP TỈNH NĂM 2018

22/10/2019

Ngày 18 tháng 12 năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2018 đối với 08 di tích trên địa bàn tỉnh.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Cầu ngói Phát Diệm, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn:

     Tọa lạc tại Thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, Cầu ngói Phát Diệm từ lâu đã trở thành một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của huyện Kim Sơn. Di tích là một công trình kiến trúc độc đáo, một cây cầu có mái kiểu “thượng gia hạ kiều”, bên trên cầu làm nhà khung gỗ mái lợp ngói nam, giữ gìn tương đối nguyên vẹn hình dáng và kỹ thuật cổ truyền, là một di sản kiến trúc có giá trị của huyện Kim Sơn nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.

Di tích Cầu ngói Phát Diệm – huyện Kim Sơn

 Di tích lịch sử Miếu Hồi Thuần, làng Hồi Thuần, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn:

     Di tích là nơi thờ cúng vị thần Hải Tề Long Vương, thần Bản thổ, cụ chiêu mộ Phạm Tồn, các nguyên, thứ mộ có công khai khẩn đất hoang lập nên làng Hồi Thuần vào năm 1829. Di tích có quy mô khá đồ sộ, được xây theo kiểu Tiền nhất hậu đinh, toàn bộ cột, vì kèo bằng gỗ, còn giữ được nét kiến trúc thời Nguyễn cổ kính. Tại di tích hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị lịch sử, văn hóa cao.

Di tích Miếu Hồi Thuần – xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn

Di tích lịch sử Miếu Tuân Hóa, làng Tuân Hóa, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn:

     Di tích là nơi thờ thần Hải Tề Long Vương, một nhân vật huyền thoại thời Hùng Vương. Di tích được xây dựng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng xã diễn ra từ thế kỷ XIX. Tìm hiểu về di tích, chúng ta có cơ hội hiểu thêm về công cuộc khẩn hoang lấn biển, về sự hình thành và phát triển của vùng đất mới Kim Sơn. Di tích hiện bảo tồn được kiến trúc gốc thời Nguyễn cổ kính và nhiều hiện vật cổ giá trị lịch sử, văn hóa.

Toàn cảnh di tích Miếu Tuân Hóa – xã Hồi Ninh, Kim Sơn

Di tích lịch sử Đền Thượng làng Yên Phú, xã Khánh An, huyện Yên Khánh:

     Đền Thượng làng Yên Phú thờ cúng vị thần Lịch Lộ Đại vương, người có công lập đồn, chiêu binh tại trang Yên Bạc (vùng đất có di tích ngày nay) phò giúp vua Đinh, đồng thời phối thờ các công chúa triều Trần là Huyền Tư Công chúa và Mai Hoa Công chúa. Di tích hiện còn bảo tồn được kiến trúc thời Nguyễn cổ kính gồm 3 tòa có kiến trúc kiểu chữ Tam, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị lịch sử văn hóa. Di tích tọa lạc tại vùng đất xã Khánh An, nơi tập trung nhiều di tích thờ cúng các nhân vật thời Đinh – Tiền Lê, nói lên vai trò và vị trí của vùng đất này vào thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ thứ X.

Di tích đền Thượng làng Yên Phú, xã Khánh An, huyện Yên Khánh

Di tích lịch sử Miếu Châu Sơn, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan:

    Miếu Châu Sơn là nơi thờ cúng tưởng niệm Thành hoàng Quách Đẳng Tuyên, người đã có công mở mang điền thổ, giúp dân làm ăn sinh sống, tiếp ứng cho đạo quân của Vua Quang Trung tiến ra Thăng Long, tiêu diệt 29 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Di tích hiện giữ được nét kiến trúc cổ kính, xây dựng theo lối kiến trúc “tiền đao hậu đốc”.

Nghệ thuật chạm khắc trang trí ở miếu Châu Sơn - xã Phú Sơn

Di tích lịch sử Đình làng Vân Trung, xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan:

     Đình làng Vân Trung là nơi thờ cúng Quý Minh Đại vương - vị thần thời Hùng Vương - với vai trò là Thành hoàng làng, bên cạnh đó còn phối thờ Thủy Tinh phu nhân, vị thần cai quản miền sông nước. Di tích được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, tường hồi bít đốc. Di tích tọa lạc trên địa giới hành chính của tổng Vân Trình xưa, vùng đất có mật độ di tích thờ Quý Minh Đại vương khá lớn, vì vậy di tích là minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Quý Minh Đại vương, một vị thần trong Tam vị Thánh Tản, một tín ngưỡng bản địa của người Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Di tích đình làng Vân Trung – xã Thượng Hòa, Nho Quan

Di tích lịch sử Nhà thờ Nguyễn Khắc Nhân, thôn Trung, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư:

     Di tích là nơi thờ cúng, tưởng niệm cụ khởi tổ Nguyễn Khắc Nhân và con cháu trong dòng họ Nguyễn Đại tông, là những người có công lao với dân, với nước. Di tích hiện còn giữ được kiến trúc thời Nguyễn cổ kính.

Mặt trước di tích nhà thờ Nguyễn Khắc Nhân

Di tích lịch sử Phủ Ao Lươn, bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan:

     Di tích là nơi thờ cúng các vị thần của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Tam vị Thánh Mẫu và Ngọc Hoàng Thượng đế, ngoài ra còn phối thờ Lê Mại Thượng ngạn công chúa, Thủy tinh công chúa, Bản thổ tôn thần, Cao Sơn đại vương, Mẫn Cán Anh Linh, Hoàng Hai Xích Bảo Đại vương… Chủ nhân của di tích là đồng bào dân tộc Mường vùng Kỳ Lão, vì vậy di tích thể hiện rõ các giá trị văn hóa phổ quát của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, là cơ sở để tìm hiểu nghiên cứu về văn hóa truyền thống nói chung và đời sống tín ngưỡng – tinh thần nói riêng của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Toàn cảnh di tích phủ Ao Lươn – xã Kỳ Phú, Nho Quan

Như vậy đến hết năm 2018, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 360 di tích được xếp hạng, trong đó xếp hạng cấp tỉnh là 279 di tích.

 

Phòng Quản Lý Di Sản Văn Hoá