Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

PHÁT BIỂU THAM LUẬN Tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển KTXH và đảm bảo QPAN vùng đồng bằng sông Hồng

12/07/2022

Kính thưa đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh

Kính thưa các vị đại biểu khách quý

Thưa các đồng chí!

Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khoá IX về phát triển KTXH và đảm bảo QPAN vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các ý kiến phát biểu tham luận tại Hội nghị, đã làm rõ thêm những đóng góp quan trọng của tỉnh Ninh Bình trong việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực đồng bằng sông Hồng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian vừa qua.

Là một tỉnh nằm ở vị trí giao thoa của các vùng văn hoá, được sở hữu Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An, được thừa kế các giá trị văn hoá dày sâu của Cố đô Hoa Lư lịch sử, tỉnh Ninh Bình đã tập trung đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Xác định văn hoá là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế, xã hội, những năm vừa qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đầu tư mọi nguồn lực cho phát triển văn hoá, thể thao. Tại hội nghị này, thay mặt cho ngành văn hoá và thể thao, tôi xin được phát biểu bổ sung làm rõ thêm một số kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hoá, thể thao Ninh Bình góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 54 và Kết luận 13 của Bộ Chính trị.

Kính thưa…

Những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban  hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thành công các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của trung ương và của tỉnh về xây dựng văn hoá, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí về văn hoá trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ vậy, văn hoá nông thôn, văn minh đô thị có chuyển biến rõ rệt. Việc thực hiện văn minh trong giao tiếp, ứng xử xã hội, trong giao thông, thương mại, du lịch, dịch vụ được cải thiện, là cơ sở để xây dựng và phát triển môi trường văn hoá trong sáng, lành mạnh. Tinh thần đoàn kết, tình cảm trong cộng đồng dân cư được củng cố, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo cơ sở và động lực cho phát triển kinh tế xã hội ở cả đô thị và nông thôn.

Các sự kiện văn hoá, thể thao được tổ chức quy mô, bài bản như: các hoạt động kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, Lễ hội Hoa Lư, Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, Hội diễn nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp toàn quốc, Liên hoan Múa quốc tế, Seagame 31, các giải thi đấu thể thao trong nước, quốc tế.v.v. đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân và du khách đến với Ninh Bình.

Phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở cũng nở rộ nhờ sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp và sự vào cuộc của toàn dân qua phương thức xã hội hoá, mọi người dân đều được tham gia vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Toàn tỉnh có trên 1000 CLB nghệ thuật, trên 700 CLB thể thao hoạt động thường xuyên, gần 2000 sân thể thao các loại.

Song song với đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển văn hóa, thể thao. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư mở rộng bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội. Đến nay, đã có 142/143 xã, phường, thị trấn có Nhà Văn hóa (đạt 99,3%), 140/143 xã, phường, thị trấn có Khu thể thao (đạt 97,9%); và 1.599/1.679 thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, phố có Nhà văn hóa gắn với sân thể thao (đạt 95,24%).

Các thiết chế văn hoá cấp tỉnh như Nhà văn hoá, bảo tàng, thư viện, nhà hát đã và đang triển khai đầu tư xây dựng với quy mô hiện đại, phù hợp với yêu cầu hội nhập, phát triển trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Các Quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển văn hóa, thể thao giai đoạn 2005-2021 được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đáng chú ý là các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá. Các đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp tỉnh, các hội nghị, hội thảo về phát triển văn hoá và thể thao được tổ chức thành công, mở ra nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và của khu vực. Đó là Hội thảo quốc gia Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc, Hội thảo quốc tế về Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Xẩm trong xã hội đương đại, Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất cố đô Hoa Lư giai đoạn 2021-2030; Đề án xây dựng các sản phẩm văn hoá nhằm phát huy giá trị văn hoá, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Các Dự án trùng tu, tôn tạo, nghiên cứu khai quật khảo cổ học và xây dựng công viên lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư; Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Cố đô Hoa Lư .v.v.

Việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao giai đoạn 2005-2021 đối với các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công được quan tâm. Giai đoạn 2005-2021 tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích với tổng số vốn đầu tư khoảng 990 tỷ đồng (trong đó: NSTW là 681 tỷ đồng, NSĐP là 309 tỷ đồng). Nhiều di tích danh thắng sau khi được đầutu bổ tôn tạo đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút rất nhiều khách tham quan trong nước, quốc tế, góp phần phát triển KT-XH địa phương như: Cố đô Hoa Lư, quần thể danh thắng Tràng An.

Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Ninh Bình chi đầu tư cho sự nghiệp văn hoá chiếm 3,37% tổng chi ngân sách toàn tỉnh; giai đoạn 2021-2025, chi đầu tư cho các công trình, dự án văn hoá chiếm 20% tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, đạt mức cao trong cả nước.

Kính thưa các đồng chí!

Kết quả xây dựng, phát triển văn hoá, thể thao ở Ninh Bình trong những năm qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Ninh Bình và khu vực, góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ chính trị, để vùng đồng bằng sông Hồng thực sự trở thành trung tâm kinh tế chất lượng cao, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả nước; cùng là cơ sở để Ninh Bình tập trung hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hoá, thể thao xứng đáng với truyền thống của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, là nơi hội tụ, giao lưu, tiếp biến các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, của nhân loại.

Để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc, tại hội nghị này, chúng tôi đề xuất các bộ, ban, ngành trung ương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để Ninh Bình thực hiện thành công một số nội dung sau:

- Hỗ trợ các thủ tục pháp lý để tỉnh Ninh Bình tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

- Tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực tài chính và tạo điều kiện để Ninh Bình tổ chức thực hiện thành công Dự án Bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; các dự án nghiên cứu lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh. Từng bước làm sáng tỏ lịch sử vùng đất Ninh Bình thời kỳ tiền kinh đô Hoa Lư, bổ sung thêm các kết quả nghiên cứu lịch sử dân tộc 10 thế kỷ đầu công nguyên, làm tài liệu khoa học phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của khu vực, đồng thời có cơ sở bồi dưỡng niềm tự hào, tự tôn dân tộc, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ, tạo các điểm nhấn lịch sử, văn hoá xứng đáng với quy mô, tầm vóc lịch sử của kinh đô Hoa Lư và Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử dân tộc, tạo nguồn lực và động lực phát triển du lịch văn hoá của tỉnh Ninh Bình nói riêng, khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung.

Trước khi dừng lời, cho phép tôi được kính chúc đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương, các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!

 

Nguyễn Mạnh Cường

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình