Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Hội nghị tập huấn lấy phiếu kiểm kê và đồng thuận lập hồ sơ “Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

17/12/2022

Thực hiện Văn bản số 274/BVHTTDL-DSVH ngày 22/01/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Căn cứ Văn bản số 849/UBND-VP6 ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc đồng thuận phối hợp xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO ghi danh;

Nhằm phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chuyên môn xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia “Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO, ngày 14/12/2022 Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Khoa các Khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) – đơn vị tư vấn lập hồ sơ, UBND huyện Yên Khánh, tổ chức Hội nghị Hội nghị tập huấn lấy phiếu kiểm kê và đồng thuận lập hồ sơ “Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho các đối tượng thực hiện lấy phiếu kiểm kê và văn bản đồng thuận, gồm đại diện lãnh đạo địa phương, các nghệ nhân, đại diện câu lạc bộ thực hành nghệ thuật hát Chèo truyền thống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tại nhà văn hóa UBND xã Khánh Mậu.

Dự hội nghị có đồng chí Vũ Thanh Lịch - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Bộ môn Di sản học, Khoa các Khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội), các đồng chính chuyên gia của Khoa các Khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội và các nghệ nhân, đại diện các CLB nghệ thuật hát Chèo trên địa bàn tỉnh; đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố trong tỉnh...

Đồng chí Vũ Thanh Lịch - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu tại Hội Nghị

Phát biểu khai mạc đồng chí Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh Nghệ thuật Chèo là một loại hình Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, ra đời và gắn liền với sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp lúa nước ở khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận. Nghệ thuật Chèo xuất hiện ở Ninh Bình từ rất sớm, vào thời Đinh, với việc vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Ưu Bà cho Phạm Thị Trân, người có nhiệm vụ dạy cho cung nữ và quân lính múa hát, đánh trống, gảy đàn, diễn các tích trò (gọi là hát trò nhời, sau này là nghệ thuật hát Chèo). Ưu Bà Phạm Thị Trân được hậu thế suy tôn là Tổ nghề hát Chèo, được nhân dân lập đền thờ phụng, lấy ngày 12/8 Âm lịch hàng năm làm nghề giỗ Tổ nghề. Đền thờ Ưu Bà Phạm Thị Trân hiện tọa lạc tại phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, nhân dân quen gọi là đền Vân Thị. Như vậy, có thể nói Ninh Bình là một trong những vùng đất tổ của nghệ thuật hát Chèo.

Toàn tỉnh hiện có 115 Câu lạc bộ Chèo đang hoạt động với hàng trăm thành viên tham gia luyện tập và sinh hoạt thường xuyên, trên địa bàn 55 xã của cả 8 huyện, thành phố. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã mở 76 lớp truyền dạy nghệ thuật hát Chèo, 07 nghệ nhân Chèo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Bộ môn Di sản học, Khoa các Khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại Hội nghị

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Bộ môn Di sản học, Khoa các Khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại Hội nghị đã đề cập tới sự quan trọng của việc lập Hồ sơ “Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và hướng dẫn các nghệ nhân, thành viên CLB hát Chèo trên địa bàn tỉnh điền phiếu kiểm kê và đồng thuận cộng đồng (một trong những thành phần trong Hồ sơ)

Ông Phạm Ngọc Giới, đại diện CLB hát Chèo xã Khánh Cường phát biểu tại Hội nghị

Trong bối cảnh hiện nay, nghệ thuật Chèo truyền thống đang bị tác động mạnh mẽ bởi sự biến đổi của đời sống xã hội cũng như sự phát triển của công nghiệp giải trí, công nghệ thông tin và mạng xã hội. Việc tỉnh Ninh Bình phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chuyên môn ở Trung ương xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia đệ trình UNESCO đưa “Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là hết sức cần thiết nhằm khẳng định giá trị của di sản, nâng cao nhận thức của cộng đồng, tôn vinh nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu của dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phòng Quản lý Di sản Văn hóa

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình