Hội thảo khoa học “Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc”
08/08/2024Sáng ngày 02 tháng 8 năm 2024, tại huyện Gia Viễn, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc”.
Nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của Đinh Tiên Hoàng; đánh giá di sản, định dạng tầm vóc lịch sử, khát vọng dân tộc thể hiện qua thân thế, sự nghiệp, đóng góp của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh đối với đất nước Việt Nam; đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh trong thúc đẩy khát vọng dân tộc, hào khí Hoa Lư phục vụ quản lý và phát triển đất nước nói chung, vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình nói riêng hướng đến tầm nhìn năm 2050; kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024), tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học “Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc”.
Khung cảnh Hội thảo
Dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố của tỉnh, lãnh đạo huyện Gia Viễn.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo đã tiếp nhận 55 bài báo cáo tham luận, trong đó có 43 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trung ương, 12 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở địa phương. Đây là khối lượng tham luận đồ sộ đối với một Hội thảo khoa học, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học, nhà quản lý đối với vấn đề mà Hội thảo đặt ra. Từ nhiều lĩnh vực và với những cách tiếp cận khác nhau nhưng các ý kiến tham luận đều tập trung vào những vấn đề chính gắn với chủ đề Hội thảo, đó là:
1. Thân thế, sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng: Tập trung nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các vấn đề về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng trong tiến trình lịch sử dân tộc.
2. Phân tích, đánh giá di sản của vua Đinh Tiên Hoàng và Nhà Đinh trong định dạng tầm vóc lịch sử, khát vọng dân tộc.
3. Đề xuất phương hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Đinh Tiên Hoàng, Nhà nước Đại Cồ Việt, hào khí Hoa Lư trong quản lý, phát triển đất nước nói chung và quản lý, phát triển tỉnh Ninh Bình nói riêng (hướng đến tầm nhìn năm 2050).
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo nhấn mạnh, trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, thế kỷ X được xem là thế kỷ bản lề, thế kỷ chuyển đổi từ thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc sang thời kỳ độc lập - tự chủ với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, có tính chất bước ngoặt của lịch sử Việt Nam.
Về thân thế, sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng, theo sử cũ, Đinh Bộ Lĩnh sinh năm Giáp Thân (924), mất năm Kỷ Mão (979), ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Thân phụ là Đinh Công Trứ, làm Thứ sử Hoan Châu, thân mẫu là Đàm thị. Vốn dòng dõi vọng tộc, cộng thêm tài năng và ý chí, ngay từ thuở nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đã có phong thái của bậc đế vương. Đến tuổi trưởng thành, chứng kiến tình trạng rối ren của triều đình Cổ Loa, Đinh Bộ Lĩnh đã đứng lên gánh vác trọng trách thống nhất giang sơn. Với khí phách và tài thao lược, bằng sự kết hợp tài tình giữa chính trị và quân sự, Đinh Bộ Lĩnh đã hoàn thành sứ mệnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thu non sông về một mối. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Bình, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở nền chính thống quốc gia, mở đầu một kỷ nguyên mới thống nhất giang sơn, phục hưng dân tộc, nâng tầm vị thế đất nước, tiếp tục củng cố vững chắc nền độc lập tự chủ mà họ Khúc, họ Dương, họ Ngô đã giành được.
Ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Bộ Lĩnh đã xây dựng bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, xây dựng cung điện, thiết chế triều nghi, xác định cương thổ, phát hành tiền tệ, chăm lo xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ tạo nền tảng vững chắc cho các triều đại phong kiến sau này xây dựng và phát triển đất nước, thúc đẩy tiến trình tạo dựng nền văn minh Đại Việt. Sau khi nhà Vua mất, quần thần đã suy tôn là Tiên Hoàng Đế.
Thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng gắn liền với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng dân tộc dựa trên bản lĩnh độc lập tự chủ, tự lực tự cường. Tầm vóc lịch sử vĩ đại, khát vọng dân tộc về một nền độc lập, thống nhất, quốc gia hùng cường thể hiện qua cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt đã trở thành tài sản quý báu, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh Ninh Bình, của quốc gia, dân tộc.
PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phát biểu ý kiến thêm tại Hội thảo
Tại Hội thảo có 06 tham luận được trình bày tại Hội trường và các ý kiến thảo luận trao đổi tại hội thảo của các chuyên gia các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chung của Hội thảo, làm sáng tỏ các luận cứ khoa học, lịch sử, văn hoá về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng với quê hương, đất nước. Hội thảo đã khẳng định vai trò, vị trí, sự cần thiết và đề xuất các biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Đinh Tiên Hoàng và Nhà Đinh trong xây dựng, phát triển đất nước nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại Hội thảo
Theo đó, Hội thảo không chỉ phát huy giá trị văn hoá truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư nói riêng, đồng thời, thông qua kết quả của Hội thảo và kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học, với nhiều giải pháp được nêu trong các bài tham luận, cần có phương án ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạch định các chính sách, thực hiện hiệu quả công tác quản lý, quản trị địa phương, góp phần thúc đẩy khát vọng dân tộc, hào khí Hoa Lư trong bối cảnh đương đại, đóng góp vào công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Bài viết khác
- Tập huấn nghiệp vụ về xây dựng đời sống văn hóa cho đội ngũ cán bộ cơ sở
- Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước”
- Thành công của Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II năm 2023
- Ấn tượng Đêm “Di sản văn hóa Nam Bộ - Hành trình tiếp nối' tại Festival Ninh Bình – Tràng An lần thứ II năm 2023
- NINH BÌNH TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương"